Dự hội nghị có các Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Hoàng Minh Sơn, Nguyễn Thị Kim Chi; các thành viên trong Ban Chỉ đạo; đại diện UNICEF Việt Nam, một số cơ sở giáo dục đại học, các chuyên gia…
Cần cách tiếp cận phản biện với mọi thứ ChatGPT tạo ra
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhận định: Giáo dục là một trong những ngành chịu tác động nhiều nhất của chuyển đổi số nói chung, trí tuệ nhân tạo nói riêng; nhưng đồng thời cũng là ngành được hưởng lợi rất nhiều. Không chỉ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (trong quản lý, dạy học…), ngành Giáo dục còn tham gia phát triển nguồn nhân lực, tham gia nghiên cứu tạo ra những công nghệ, sản phẩm trong lĩnh vực này.
Tại hội nghị, Thứ trưởng đề nghị cùng tập trung trao đổi về ảnh hưởng của khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo trong giáo dục và làm sao có thể khai thác tốt nhất trí tuệ nhân tạo trong giáo dục.
Chia sẻ về tổng quan AI và ứng dụng AI trong giáo dục, đào tạo, GS. Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu của Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán, Giám đốc khoa học Trung tâm BKAI nhắc đến GenAI, ChatGPT và cho rằng, ChatGPT không hiểu văn bản mà nó tạo ra; nó có thể và thường tạo ra những tuyên bố không chính xác. Do đó, các nhà nghiên cứu, giáo viên và người học cần có cách tiếp cận phản biện đối với mọi thứ do ChatGPT tạo ra.
Điều đáng lo ngại là những người học trẻ tuổi, vốn không có kiến thức như giáo viên, có thể do vô tình hoặc không có năng lực phản biện, nên dễ chấp nhận kết quả hời hợt, không chính xác hoặc thậm chí có hại của GenAI.
Từ đó, GS. Hồ Tú Bảo lưu ý, khi tích hợp GenAI vào giáo dục, phải nghĩ kỹ hơn về ý nghĩa của việc người học sẽ thành những con người thế nào trong một thế giới số. Đồng thời, cần tìm hiểu kỹ lưỡng tiềm năng của GenAI trong giáo dục và xác định rõ ranh giới của AI trong giáo dục.
Người học có thể phụ thuộc quá mức vào GenAI và hạn chế sự phát triển tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề. Dùng GenAI trong giáo dục một cách thận trọng, ưu tiên cân nhắc về đạo đức và có các biện pháp bảo vệ mạnh mẽ để giảm thiểu tác hại tiềm ẩn.
Đưa ra đề xuất, GS. Hồ Tú Bảo cho rằng, nhà quản lý và giáo viên mọi cấp nên/cần dùng AI để nâng cao hiệu quả hoạt động. Giáo dục đại học nên/cần dùng AI để hỗ trợ tốt hơn trong đào tạo năng lực nghề nghiệp. Cần giáo dục đạo đức và pháp lý để dùng AI một cách an toàn và trách nhiệm. Giáo dục phổ thông chưa cần vội sử dụng AI tạo sinh, nhưng cần từng bước giới thiệu AI như khuyến cáo của UNESCO và kinh nghiệm một số nước.
Giáo viên mở khóa tiềm năng với GenAI
Nói về ứng dụng AI trong hỗ trợ giảng dạy, TS. Trần Việt Hùng, nhà sáng lập và Chủ tịch của Got It, Inc., một startup, công nghệ tại thung lũng Silicon; nhà sáng lập của tổ chức STEAM for Vietnam khẳng định: GenAI có thể giúp giáo viên mở khóa các tiềm năng của mình.
Cụ thể, giáo viên có thể được hỗ trợ từ GenAI trong việc lên ý tưởng; lên kế hoạch giảng dạy chi tiết; chấm bài và nhận xét chi tiết cho từng học sinh; trợ giảng và gia sư cho học sinh, dịch nội dung ngôn ngữ khác; tạo ra nội dung giảng dạy phong phú và cá nhân hoá.
Nhận định ứng dụng GenAI trong giảng dạy ở Việt Nam còn mới mẻ và chủ yếu do các giáo viên chủ động tiếp cận ở mức độ cá nhân, TS. Trần Việt Hùng đồng thời cho biết: Các giáo viên rất hào hứng với học kiến thức mới và ít nhiều đã ứng dụng vào các công việc hàng ngày.
“STEAM for Vietnam và các đối tác lần đầu đưa ra một chương trình Generative AI dành cho giáo viên một cách có hệ thống. Theo đó, khóa học về AI cho giáo viên được triển khai đại trà ở quy mô quốc gia đầu tiên trên thế giới. Hơn 8.000 thầy cô đăng ký từ 63/63 tỉnh thành. Hơn 5.000 giáo viên tiên phong sẵn sàng cho năm học mới với tâm thế và bộ kỹ năng Gen AI mới”, TS. Trần Việt Hùng chia sẻ.
Khẳng định giảng dạy có thể cải thiện nhờ Trí tuệ nhân tạo (AI), TS. Bùi Quốc Trung - ĐH Bách khoa Hà Nội kiến nghị Việt Nam chuẩn bị để tiến tới cá thể hóa giáo dục từ tiểu học tới THPT và nâng cao hiệu quả đào tạo ĐH, sau ĐH bằng phân tích dữ liệu.
Với xu hướng học tập trực tuyến và trọn đời, TS. Bùi Quốc Trung kiến nghị đẩy mạnh các hoạt động học tập trực tuyến đi kèm với ứng dụng các kỹ thuật phân tích dữ liệu lớn để tăng chất lượng việc dạy và học. Đồng thời, đề xuất Bộ GD&ĐT xây dựng các khóa học trực tuyến cho các học phần chung của các ĐH và cơ sở giáo dục khác; tích hợp các công phân tích dữ liệu để giám sát, phân tích và thúc đẩy học tập hiệu quả; xuất bản các khóa học và phân tích cho các đơn vị đào tạo tham gia hệ thống.
TS. Đinh Viết Sang - Giám đốc Chương trình đào tạo Kỹ sư Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) của Trường CNTT và Truyền thông, ĐH Bách khoa Hà Nội, nhận định: Những tiến bộ nhanh chóng AI đang đưa chúng ta ngày càng đến gần hơn trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI) - tiệm cận khả năng của con người. Sự phát triển của các mô hình ngôn ngữ lớn hiện nay mở ra cơ hội tối ưu hóa quản trị kho dữ liệu khổng lồ, tìm kiếm thông tin và cung cấp câu trả lời một cách nhanh chóng và chính xác.
Để nâng cao hiệu quả công việc và giảm thiểu các công việc đơn giản, TS. Đinh Viết Sang cho rằng, mỗi cán bộ nên được trang bị một trợ lý AI, giúp có thêm thời gian để tập trung vào các nhiệm vụ phức tạp hơn, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng công việc.
Kết nối và chia sẻ dữ liệu là xu thế thời đại
PGS.TS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường CNTT và Truyền thông, ĐH Bách khoa Hà Nội, nhận định: Kết nối và chia sẻ dữ liệu là xu thế của thời đại, là mặc định, không còn là một lựa chọn; cho phép nâng cao độ minh bạch, cũng như trách nhiệm giải trình và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội thông qua các hoạt động đổi mới sáng tạo.
Kết nối và chia sẻ dữ liệu cần đặt người dân là trung tâm; với chính sách, pháp luật và lộ trình triển khai rõ ràng; hạ tầng công nghệ đầu tư trọng điểm, hiệu quả, đảm bảo hiệu năng, tính tương thích, liên thông, an toàn-bảo mật; trên nền tảng nhận thức, cũng như chất lược nguồn nhân lực đảm bảo.
Đưa một số khuyến nghị triển khai tại Việt Nam, PGS.TS Tạ Hải Tùng cho rằng, cần hoàn thiện chính sách và pháp luật liên quan đến chia sẻ dữ liệu. Đồng thời, nâng cao nhận thức và tạo động lực tăng cường liên thông chia sẻ dữ liệu trong khối cơ quan nhà nước, và giữa cơ quan nhà nước với khối tư nhân (cơ chế thưởng).
Cũng cần phát triển nền tảng truy cập và chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; nhanh chóng tạo ra một số sản phẩm khai thác dữ liệu (đã làm giàu) có sức lan tỏa, thúc đẩy việc chia sẻ dữ liệu; phát triển nguồn nhân lực.
“Với ngành Giáo dục, mở là nguyên tắc, không nên là một lựa chọn, và nên đi đầu trong việc chia sẻ dữ liệu mở”, PGS.TS Tạ Hải Tùng nhấn mạnh.
Tại hội thảo, đại diện Khan Academy Vietnam cho biết: Học liệu mở (OCW), tài nguyên giáo dục mở (OER) và giáo dục đại trà trực tuyến mở (MOOCs) đã và đang đóng những vai trò tích cực trong giáo dục, góp phần tạo cơ hội học tập cho bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu.
Với sự phát triển không ngừng của khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, các hệ thống MOOCs mang trong mình cả học liệu và công nghệ, đã và đang góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ người dạy và người học, giúp hành trình học tập và khám phá tri thức trở nên phong phú và hiệu quả hơn.
Sự kết hợp này được tích hợp trong các hệ thống LCMS (Learning Content Management System). Khan Academy là 1 LCMS để thực hiện chuyển đổi số trong dạy và học thành công.
“Cho dù chúng ta có học liệu mở nội dung tốt; nền tảng công nghệ tốt, giúp học sinh trong việc tự học, giúp thầy cô trong quá trình xây dựng giáo án, bài giảng thì điều quan trọng nhất vẫn là sự chủ động thúc đẩy sát sao đồng hành cùng các hoạt động dạy và học của nhà trường và các bên liên quan. Chúng tôi đang chủ động thực hiện sứ mệnh này thông qua chương trình Khan Academy Việt Nam”, đại diện Khan Academy Vietnam cho hay.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định: Với giáo dục, AI là cơ hội, cũng là thách thức lớn. Nếu không nghiên cứu để ứng dụng hiệu quả, chúng ta sẽ tụt hậu. Ngược lại, nghiên cứu khẩn trương, có cách tiếp cận phù hợp sẽ triển khai được hiệu quả, ít tốn kém.
“Trong lĩnh vực giáo dục cần bắt đầu ngay” - Thứ trưởng nhấn mạnh và cho rằng, muốn triển khai chuyển đổi số hiệu quả cần phải có dữ liệu, liên tục cập nhật, bổ sung dữ liệu; cùng với đó là nghiên cứu cơ chế, chính sách; quan tâm đào tạo đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý; trang bị kiến thức, hướng dẫn khai thác sử dụng các công cụ cho học sinh, sinh viên trong độ tuổi nhất định, với các mức độ khác nhau. Đồng thời cũng phải tính đến bài toán nghiên cứu, gắn với các nghiên cứu, gắn với các nghiên cứu khác trong ngành, để tiếp tục có sản phẩm mới về trí tuệ nhân tạo phục vụ trong công tác quản lý, dạy học…