Ứng dụng công nghệ thông tin vào thiết kế, tổ chức và quản lý dạy học trực tuyến

GD&TĐ - Theo chuyên gia, dạy học trực tuyến là xu hướng tất yếu hiện nay.

Học sinh trường nghề gặp nhiều khó khăn khi học trực tuyến vì không thực hành được trên máy móc.
Học sinh trường nghề gặp nhiều khó khăn khi học trực tuyến vì không thực hành được trên máy móc.

Vì vậy, phải luôn đổi mới và nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình đào tạo, nhất là đối với giáo dục nghề nghiệp có số tiết thực hành lớn.

Nhiều khó khăn chưa được giải quyết

ThS Phan Vũ Nguyên Khương - Trưởng khoa Sư phạm GDNN (Trường Cao đẳng nghề Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, dạy học trực tuyến là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hạ tầng công nghệ phát triển mạnh mẽ. Nhất là trước diễn biến khó lường của Covid-19. Hình thức dạy và học này đáp ứng tiêu chí về giãn cách xã hội tại các địa phương, an toàn trong tình hình dịch bệnh.

Phương pháp này tiết kiệm chi phí đi lại, chi phí tổ chức địa điểm. Nó còn giúp giảm thời gian đào tạo so với phương pháp giảng dạy truyền thống.

Ngoài ra, ứng dụng phương pháp dạy học trực tuyến cho phép người học dễ dàng theo dõi chương trình. Đồng thời, với khả năng tạo những bài đánh giá, người dạy dễ dàng quản lý được chất lượng của quá trình đào tạo.

Mặc dù đây không phải là năm học đầu tiên ứng dụng phương pháp dạy học trực tuyến ở trường nghề nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Đó là những trục trặc kỹ thuật ban đầu của quá trình dạy và học. Trong môi trường học trực tuyến, người học sẽ không được quản lý một cách chặt chẽ, cũng như không có thời gian biểu cụ thể để tuân theo. Điều này có thể gây mất tập trung nếu bản thân họ thiếu ý thức kỷ luật cũng như khả năng sắp xếp thời gian một cách khoa học.

Bà Phan Vũ Nguyên Khương - Trưởng khoa Sư phạm GDNN (Trường Cao đẳng nghề Thành phố Hồ Chí Minh).
Bà Phan Vũ Nguyên Khương - Trưởng khoa Sư phạm GDNN (Trường Cao đẳng nghề Thành phố Hồ Chí Minh).

Theo ông Chu Đức Khoan, Trưởng khoa Điện tử - Điện lạnh, Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ (Hà Nội), với trường nghề, số lượng bài thực hành chiếm phần lớn nội dung đào tạo. Vì vậy, việc dạy thực hành nghề online gặp nhiều khó khăn. Cụ thể như việc tiếp thu kỹ năng nghề còn hạn chế.

Giáo viên giảng dạy chỉ truyền tải các kỹ năng hướng dẫn mẫu bằng cách mô phỏng qua video. Nghĩa là giáo viên thao tác mẫu trực tiếp trên các thiết bị, dụng cụ vật tư thật và quay video lại để cho học sinh quan sát. Sau đó cho học sinh xem video rồi thầy trò cùng quan sát và tương tác.

Tuy nhiên, việc dựng video mô phỏng gây tốn kém về công sức, vật tư, tài chính và thời gian. Và phải có thiết bị quay tốt, phòng quay tốt thì chất lượng video và âm thanh mới đảm bảo.

Ngoài ra, còn một số rào cản khác như: Người dạy phải mất rất nhiều thời gian chuẩn bị bài giảng điện tử để đưa lên mạng. Điều này đặt ra yêu cầu cao về trình độ sử dụng công nghệ thông tin của cả người dạy và người học. Học trực tuyến cũng đòi hỏi nguồn kinh phí về thiết bị công nghệ. Chưa kể đến cản trở về việc gây cảm hứng trong tương tác, kết nối giữa người dạy và người học…

Nâng cao hiệu quả ứng dụng dạy học trực tuyến

Theo ThS Phan Vũ Nguyên Khương, để việc ứng dụng phương pháp dạy học trực tuyến vào trong quá trình đào tạo đạt hiệu quả, cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản.

Trước tiên, cần đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất đáp ứng được nhu cầu của người dạy và người học. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn trên diện rộng về kỹ năng khai thác, sử dụng công nghệ thông tin. Trong đó, chú trọng tập huấn cho đội ngũ giảng viên về cách ứng dụng công nghệ thông tin vào thiết kế bài giảng. Định kỳ sau mỗi đợt tập huấn cần tổ chức lấy ý kiến phản hồi từ phía người dùng để rút kinh nghiệm và điều chỉnh kịp thời. Từ đó, giúp cho cả người dạy và người học có tâm thế tự tin khi tham gia vào quá trình bồi dưỡng này.

“Điểm khác biệt giữa phương pháp dạy học trực tuyến và phương pháp dạy học truyền thống trong đào tạo nằm ở công cụ và môi trường diễn ra tương tác. Tận dụng được “sức mạnh” của công nghệ cũng như khắc phục được những hạn chế chính là mấu chốt quyết định thành công trong việc ứng dụng phương pháp dạy học này” - ThS Phan Vũ Nguyên Khương nói.

Bà Khương giải thích thêm, “điểm mạnh” của máy tính là khả năng xử lý số liệu và triển khai trên diện rộng. Điểm hạn chế của việc ứng dụng phương pháp dạy học trực tuyến vào giảng dạy kỹ thuật là giáo viên không thể rèn luyện kỹ năng cho người học. Vì vậy, khắc phục được điều này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quá trình đào tạo.

Bà Khương cũng cho rằng, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học trực tuyến phải lưu trữ lại bài giảng để người học xem khi cần. Bởi quá trình này diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định. Việc người dạy nói hoặc trình bày liên tục bài giảng trong thời gian dài có thể làm người học xao nhãng.

Do vậy, cần thiết phải lưu giữ lại các bài giảng để người học có thể xem lại khi cần tham khảo, đối chiếu trong quá trình ôn luyện, tự học. Ngoài các video bài giảng trực tuyến hoặc lưu trữ trên mạng, các học liệu khác như bài đọc, đường dẫn tới tài liệu tham khảo, bài ôn tập, kiểm tra… phải được thiết kế một cách dễ nhớ, dễ tìm kiếm và truy cập.

“Đối với người học, cần xác định mục tiêu của việc học tập trực tuyến một cách rõ ràng. Từ đó, có sự chuẩn bị chu đáo về mặt tâm lý, thời gian và tâm thế một cách phù hợp để quá trình học diễn ra hiệu quả. Việc chuyển đổi từ phương pháp bồi dưỡng truyền thống sang phương pháp bồi dưỡng trực tuyến là một thay đổi đáng kể. Vì vậy, mỗi nhà giáo cần tự nêu cao tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tự quyết định tới chất lượng của quá trình đào tạo. Đồng thời, cần chủ động phản hồi và tham gia trao đổi với để dần dần cải thiện phương pháp dạy học này” - ThS Phan Vũ Nguyên Khương nói.

Ngoài ra, ThS Phan Vũ Nguyên Khương cũng cho rằng, mỗi trường nghề đều cần có phần mềm học trực tuyến phù hợp với đặc thù riêng. Và không phải trường nào cũng có khả năng xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến chuyên nghiệp. Các giải pháp phần mềm có trả phí hiện nay do các công ty, tổ chức phát triển riêng lại thường có chi phí cao. Vì vậy, mỗi cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần lựa chọn phần mềm phù hợp với nhu cầu và đặc thù của chương trình mà trường đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ