Ukraina bỏ dạy tiếng Nga trong hệ thống giáo dục

GD&TĐ - Theo thông báo của Bộ Giáo dục và Khoa học Ukraina, từ tháng 9/2020, tất cả các trường dạy tiếng Nga ở Ukraina sẽ chuyển sang ngôn ngữ quốc gia, tức là tiếng Ukraina.

Ngày khai trường ở Ukraina
Ngày khai trường ở Ukraina

Ấn định thời điểm dạy tiếng quốc ngữ

Tình hình tương tự cũng sẽ diễn ra với các trường dạy bằng các ngôn ngữ của Liên minh châu Âu từ tháng 9/2023. Tại Hội đồng liên bang Nga, người ta cho rằng sự đổi mới này là vi phạm quyền công dân. Trong khi đó chính người dân Ukraina tin rằng tiếng Nga sẽ không biến mất khỏi cuộc sống của họ sau khi những thay đổi nói trên có hiệu lực.

Quyết định này được thông qua trên cơ sở Luật Giáo dục do cựu Tổng thống Ukraina Pyotr Poroshenko ký từ hồi tháng 9/2017. Theo điều 9 của luật “Ngôn ngữ dạy học”, mọi công dân của đất nước được bảo đảm quyền học tập bằng ngôn ngữ quốc gia.

Việc giảng dạy bằng tiếng Nga trong một số cơ sở giáo dục vào thời điểm đó vẫn được duy trì tại hệ thống nhà trẻ và trường tiểu học. Tuy nhiên, bắt đầu từ lớp 5, các môn học được học bằng tiếng Ukraina.

Thế nhưng chẳng bao lâu chính quyền đưa ra cảnh báo: Từ ngày 1/9/2018, tất cả học sinh phải dần dần chuyển sang học bằng tiếng Ukraina. Ngày 1/9/2020, tất cả các trường dạy bằng tiếng Nga ở nước này sẽ chuyển sang giảng dạy bằng tiếng Ukraina.

Trong khi học sinh đang dần dần được chuẩn bị cho sự chuyển đổi này, thì giáo viên tại một số khu vực của Ukraina đã bị phạt rất nặng vì sử dụng tiếng Nga. Nhiều giáo viên nói rằng trong thời gian hướng dẫn thực hiện quyết định này họ chỉ được phép trả lời điện thoại của phụ huynh và học sinh bằng tiếng Ukraina.

Theo số liệu của Bộ GD&KH và Viện Phân tích giáo dục của Ukraina, năm 2018, khoảng 7% số trường phổ thông của đất nước, tức là 622 trường, các tiết học hoàn toàn được giảng dạy bằng tiếng Nga. Như vậy, 277.512 học sinh không học các môn học bằng tiếng Ukraina.

Cũng theo thông tin của Bộ GD&KH Ukraina, số trường dạy bằng tiếng Nga nhiều nhất nằm ở miền Đông và miền Nam của đất nước. Ở hai tỉnh Kharkov và Odessa có 107 trường như vậy đang hoạt động; Ở tỉnh Dnipropetrovsk và Donetsk có 100; Còn ở Zaporizhia là 81. Trong khi ở các tỉnh Vinnytsia, Volyn, Zhytomyr, Rivne, Khmelnytska và thủ đô Kiev không ghi nhận một trường phổ thông nào dạy bằng tiếng Nga.

Học sinh Ukraina ngày nay
 Học sinh Ukraina ngày nay

Phản ứng của các tầng lớp dân cư

Việc cấm hoàn toàn dạy bằng tiếng Nga gây ra những mẫu thuẫn và phản ứng khác nhau của các tầng lớp dân cư trong xã hội. Cụ thể, cựu dân biểu Verkhovna Rada Vladimir Oleynik bày tỏ quan điểm việc loại bỏ các trường tiếng Nga ở Ukraina vi phạm quyền của các bậc phụ huynh cũng như học sinh: Trong tương lai họ sẽ gặp nhiều khó khăn khi vào học đại học.

“Điều chủ yếu nhất là Hiến pháp Ukraina bảo đảm việc học tập bằng ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số và tiếng Nga bị vi phạm. Nếu học sinh sau khi tốt nghiệp trường phổ thông vào học các trường đại học kỹ thuật thì rõ ràng ở đấy sẽ xuất hiện hệ thống thuật ngữ khó mà đôi khi chúng ta, những người Ukraina gốc, không hiểu”, ông nói.

Ngoài ra, ông Vladimir Oleynik cũng nhận xét rằng đất nước sẽ phải tốn nhiều tiền bạc cho việc áp dụng cải cách này, cụ thể là để đào tạo lại giáo viên và thay đổi sách giáo khoa. Trong khi đó, Ban giám hiệu nhiều trường tiếng Nga ở Ukraina từ chối bình luận về chủ trương mới này.

Tại trường phổ thông số 153 mang tên A.S. Pushkin nằm ở quận Shevchenko (thủ đô Kiev), người ta nói: “Hiệu trưởng thông báo rằng, ông sẽ không nói về chủ đề này vì chúng tôi không có quyền bình luận về tuyên bố của Bộ trưởng Bộ GD&KH”.

Bản thân người dân Ukraina tin rằng, ngay cả khi quyết định loại bỏ việc giảng dạy bằng tiếng Nga trong các trường phổ thông có hiệu lực thì cuộc sống của họ cũng sẽ không có gì thay đổi. “Cứ việc loại bỏ, văn hóa dân tộc sẽ được quan tâm nhiều hơn.

Phải công nhận rằng tiếng Ukraina đã bị lạc hậu, nó cần được phổ cập trong nước. Người Ukraina sẽ tiếp tục nói tiếng Ukraina. Tuy nhiên, sau khi cựu tổng thống Poroshenko thông qua bộ luật về ngôn ngữ, vẫn không ai ngừng nói tiếng Nga”, bà Vladislava Kolodzinskaya ở thành phố Shepetovka nói.

Chị Irina U. cư dân thủ đô Kiev xác nhận rằng, nhiều người Ukraina vẫn tiếp tục sử dụng tiếng Nga như một ngôn ngữ chính. “Ngược lại, hiện nay người ta đối xử với tiếng Nga đúng mực hơn. Ở Kiev có nhiều trường phổ thông giảng dạy bằng những ngôn ngữ khác nhau, trong đó có tiếng Nga.

Thậm chí bộ luật quy định cán bộ nhà nước phải nói tiếng Ukraina hoặc các cửa hiệu chỉ được phục vụ bằng ngôn ngữ dân tộc cũng rất xa thực tế”, chị nhận xét. Người phụ nữ Kiev này xác nhận rằng hiện tại trong ngôi trường cô con gái 7 tuổi của chị đang học vẫn chưa thấy thông báo gì về sự thay đổi.

Theo chị Irina, tất cả những ai cảm thấy tiện lợi hơn đều nói tiếng Nga, kể cả trong nhà trẻ, nơi người ta yêu cầu phải giao tiếp bằng tiếng Ukraina. “Thậm chí tại một cuộc họp phụ huynh năm 2014 tại môt nhà trẻ, một cụ bà nào đó suýt nữa bị đuổi ra khỏi phòng vì đề nghị mọi người chỉ nói bằng tiếng Ukraina”.

Ông Maksim Ostrovsky, cư dân Kiev, tin rằng cuộc cải cách này sẽ giúp người dân Ukraina học tiếng mẹ đẻ tốt hơn. “Tất cả những ai có hộ chiếu Ukraina bắt buộc phải biết trò chuyện bằng tiếng Ukraina, còn trong sinh hoạt thì nói tiếng gì cũng được. Thật nhục nhã khi anh sinh ra ở Ukraina, nhưng không biết tiếng Ukraina”, ông nói.

Luật “Bảo đảm chức năng hoạt động của tiếng Ukraina như một ngôn ngữ quốc gia” đã được cựu tổng thống Ukraina Pyotr Poroshenko ký ngày 15/5. Theo người đứng đầu nhà nước lúc bấy giờ, chủ trương mới này phải “thống nhất dân tộc”.

 Quan điểm chính của tôi là nhà nước phải thúc đẩy sự phát triển của tiếng Ukraina bằng việc tạo ra các tác nhân kích thích và những bài học tích cực, chứ không phải các biện pháp cấm đoán và trừng phạt, hoặc làm phức tạp hóa các thủ tục hành chính quan liêu, tăng cường số lượng quan chức thay cho việc giảm bớt họ. 
Tổng thống Vadimir Zelensky

Hơn nữa, tại lễ ký kết văn bản này, ông nhấn mạnh rằng cuộc cải cách không ảnh hưởng tới bất kỳ ngôn ngữ nào của các dân tộc thiếu số, vi luật “không nói về điều đó”. Sau đó, Tổng thống mới Vadimir Zelensky của Ukraina hoài nghi về tính hiệu quả của luật ngôn ngữ. Ông Poroshenko thông qua nó “thiếu sự thảo luận rộng rãi của dư luận xã hội” - tân thủ tướng Ukraina viết về điều này trên trang Facebook của mình.

Nhưng nên nhớ rằng, ngày 29/8/2019, tân Tổng thống Ukraina đã quyết định bổ nhiệm bà Anna Novosad, 29 tuổi, làm Bộ trưởng Bộ GD&KH Ukraina. Bà Anna Novosad chính là người đã đề nghị bãi bỏ các trường tiếng Nga.

Bà Anna Novosad, tân Bộ trưởng Bộ GD&KH Ukraina
Bà Anna Novosad, tân Bộ trưởng Bộ GD&KH Ukraina

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ