Ứng dụng CNTT: Trường vùng khó gặp nhiều rào cản

GD&TĐ - Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) được coi như một trong những cách đổi mới phương pháp dạy học để tạo ra hiệu quả giáo dục tốt hơn, khuyến khích học tập của học sinh bằng sự sinh động, hấp dẫn trong bài giảng. Tuy vậy, việc ứng dụng CNTT ở nhiều trường học vùng khó vẫn cầm chừng bởi những thách thức về cơ sở vật chất và đội ngũ…  

Ứng dụng CNTT giúp bài giảng thêm phong phú
Ứng dụng CNTT giúp bài giảng thêm phong phú

Khó bó khôn

Trong công cuộc đổi mới giáo dục và đòi hỏi chung của giáo dục hiện đại thì việc ứng dụng CNTT là điều kiện tất yếu để nâng chất giáo dục. Vấn đề này cũng được các địa phương, nhà trường quan tâm tạo điều kiện trên nhiều mặt để triển khai ứng dụng. Song ghi nhận ở một số trường vùng khó cho thấy, thách thức về cơ sở vật chất vẫn là rào cản khiến việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy chưa được đẩy mạnh.

Tại Trường PTDTBT THCS Khao Mang – xã Khao Mang huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) năm học này có tổng cộng 489 học sinh với 24 giáo viên đứng lớp; thế nhưng cả trường chỉ có 1 máy chiếu và 1 bộ đầu chiếu màn hình duy nhất và được trang bị đã cách đây cả chục năm.

Vậy là, khi giáo viên cần ứng dụng CNTT vào bài giảng của mình thì nhà trường buộc phải lên lịch sắp xếp quay vòng cho 13 lớp học của các lớp học các khối từ 6 - 9. Các tổ bộ môn khi cần dùng hoặc có dự giờ… phải chủ động lên lịch báo trước với BGH để kịp sắp xếp.

Theo đánh giá của thầy Hà Trần Hồng – Phó Hiệu trưởng nhà trường: Với số lượng máy móc hạn hẹp này so với số giáo viên, số lớp học và bộ môn học cần ứng dụng CNTT thì không đáp ứng đủ nhu cầu cho giáo viên. Tính trung bình, mỗi năm học thì mỗi giáo viên của trường tối đa chỉ có thể ứng dụng máy móc vào giảng dạy từ 3 - 5 lần trong giờ dạy. Hạn chế về máy móc khiến tâm lý giáo viên giảm hứng thú nâng cao chất lượng giáo án ứng dụng CNTT.

Cũng theo thầy Hà, cái khó của các trường vùng khó không chỉ dừng lại ở vấn đề thiếu thốn thiết bị CNTT để ứng dụng dạy học mà cơ sở vật chất trường lớp cũng khó khăn trong việc cài đặt máy móc mỗi khi cần giảng dạy. Trường có 13 lớp học nhưng chỉ có 7 phòng học, học sinh vẫn phải làm hai ca để học. Nhiều phòng học vẫn trong tình trạng tạm bợ không đủ điều kiện để lắp đặt các thiết bị để giảng dạy. Mong muốn của BGH, giáo viên của trường hiện nay vẫn là được sự giúp đỡ từ các nguồn XHH GD để có thể tăng cường thêm ít nhất một bộ chiếu, màn hình… giúp GV và HS tăng cơ hội giảng dạy và học tập nhiều hơn với thiết bị CNTT.

Với nhiều trở ngại thách thức từ trình độ đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất thiếu thốn… đã và đang khiến việc đổi mới PPDH từ ứng dụng CNTT của GV các trường vùng khó còn hạn chế. Điều đó cũng đồng nghĩa HS cũng chịu nhiều thiệt thòi khi học chủ yếu với các phương pháp dạy truyền thống. Việc nâng chất giáo dục cũng khó khăn hơn - bởi hoạt động đổi mới PPGD chưa được thường xuyên và đẩy mạnh.

Phòng học tại Trường PTDTBT THCS Khao Mang (Yên Bái)
  • Phòng học tại Trường PTDTBT THCS Khao Mang (Yên Bái)

Tạo điều kiện nâng chất dạy và học

Việc triển khai ứng dụng CNTT vào giảng dạy đã tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh có cơ hội dạy và học tốt hơn đó là nhận xét chung của đội ngũ giáo viên.

Thầy giáo Phạm Thanh Tuyên – Hiệu trưởng Trường TH Quyết Tiến ví dụ: Với giáo án điện tử phản ánh hình ảnh một cách trực quan và điều đó phù hợp, đáp ứng tốt việc truyền tải kiến thức từ mầm non tới các bậc học lớn trên đó. Mặt khác, trong một số bài dạy học theo chương trình chung nếu không có hình ảnh minh họa thì thông qua giáo án điện tử người giáo viên có thể bổ sung để bài học phong phú. Các tiết học được ứng dụng CNTT tại trường luôn được HS hứng thú và hiệu đạt quả giáo dục cao.

Cô Nguyễn Thị Nhuận – Trường Mầm non Nghĩa Thuận cho biết: Nếu chỉ giảng bằng phương pháp truyền thống đọc, giảng giải thì bài giảng khá khô, học sinh tiếp thu không mấy hào hứng. Nhưng cũng với bài giảng ấy được soạn qua giáo án điện tử với nhiều hình ảnh minh họa hấp dẫn thì học sinh nhanh nhớ bài, hứng thú với tiết học hơn.

Ích lợi từ ứng dụng CNTT vào giảng dạy là điều các nhà trường và thầy cô đều nhìn thấy. Song với các trường vùng khó, để vượt qua thách thức về cơ sở vật chất, trình độ đội ngũ… đưa hoạt động đổi mới PPGD vào thực tế không dễ dàng. Vẫn cần sự đầu tư hơn nữa cho những điều kiện tiên quyết để ứng dụng CNTT vào giảng dạy được hiệu quả, từ đó bài toán chất lượng GD mới được tháo gỡ hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ