Ứng dụng CNTT trong dạy học bắt nhịp chuyển đổi số

GD&TĐ - Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số được xem như “trợ thủ đắc lực” góp phần nâng cao chất lượng dạy học tại Hà Tĩnh.

100% đội ngũ giáo viên Trường THPT Nguyễn Đình Liễn ứng dụng thành thạo CNTT trong dạy học. Ảnh: TG
100% đội ngũ giáo viên Trường THPT Nguyễn Đình Liễn ứng dụng thành thạo CNTT trong dạy học. Ảnh: TG

Vì vậy, những năm gần đây, các trường chủ động ứng dụng tiện ích này trong giảng dạy, học tập và quản lý giáo dục.

Trợ thủ đắc lực

Nằm trong số giáo viên tiên phong sử dụng CNTT tại Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), cô Nguyễn Thị Mai thường xuyên dùng phần mềm xây dựng bài giảng trong giờ dạy môn Địa lý. Ngoài sử dụng PowerPoint, cô còn dùng phần mềm hỗ trợ Google Earth Pro, ActivInspire… thiết kế trò chơi dựa trên nội dung bài học.

“Học sinh thường cho rằng môn xã hội nặng nề về lý thuyết. CNTT là công cụ hữu ích để mềm hóa lý thuyết môn học. Khi các em hứng thú với bài giảng sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; phát huy phẩm chất năng lực người học - đây cũng là mục tiêu Chương trình GDPT 2018 hướng đến”, cô Mai chia sẻ.

Tại Trường THPT Nguyễn Đình Liễn, đa số giáo viên thành thạo CNTT. Nhà trường linh hoạt sử dụng các phần mềm: VnEdu, Smart hay Google Meet, Zoom… vào dạy học trực tuyến, quản lý hồ sơ, theo dõi hoạt động học tập học sinh, hướng đến chuyển đổi số toàn diện.

Ứng dụng CNTT vào dạy học cũng được Trường THPT Hồng Lĩnh (thị xã Hồng Lĩnh) áp dụng nhiều năm qua và thường xuyên cập nhật, đổi mới. Để tạo điều kiện cho công tác số hóa cơ sở vật chất, nhà trường trang bị đồng bộ hệ thống tivi, máy chiếu, mạng Internet… đến từng lớp học. Năm học 2023 - 2024, trường mua thêm 22 bộ máy tính, kết nối Internet, nâng tổng số máy lên 63/toàn trường; nâng cấp hệ thống mạng Internet, đường truyền phục vụ hiệu quả dạy học.

“39/39 lớp học của nhà trường có tivi phục vụ dạy học. Hằng năm, giáo viên được tập huấn phần mềm nên cơ bản ứng dụng thành thạo CNTT vào giảng dạy. Công tác quản lý học bạ, sổ liên lạc, giáo án… cũng số hóa nhiều năm qua. Điều này không chỉ mang lại tiện ích cho cán bộ, giáo viên mà cả phụ huynh và học sinh”, thầy Nguyễn Hồng Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Hồng Lĩnh trao đổi.

Một tiết dạy tiếng Anh sử dụng CNTT của cô giáo Lê Thị Hà Giang (Trường THPT Hồng Lĩnh). Ảnh: TG

Một tiết dạy tiếng Anh sử dụng CNTT của cô giáo Lê Thị Hà Giang (Trường THPT Hồng Lĩnh). Ảnh: TG

Bắt nhịp cùng xu thế

Nắm bắt lợi ích từ CNTT, nhiều giáo viên Trường THPT Hồng Lĩnh chủ động tìm tòi, ứng dụng hiệu quả vào thiết kế hoạt động giáo dục, xây dựng lớp học thông minh qua dữ liệu ngành…

Năm nay gần 50 tuổi nhưng cô Lê Thị Hà Giang (giáo viên môn Tiếng Anh) vẫn nỗ lực ứng dụng phần mềm CNTT như PowerPoint, Canva, Google Forms... vào dạy học. Theo đánh giá của cô Hà Giang, không sử dụng CNTT rất bất tiện và làm chậm kế hoạch dạy học.

“Thời đại 4.0, học sinh được tiếp cận sớm và thành thạo CNTT. Vì vậy, mỗi giáo viên phải tự nâng cấp, đổi mới và bắt nhịp với xu thế. Song với thầy cô cao tuổi sẽ khó cập nhật công nghệ hơn; chỉ có sự quyết tâm và đam mê mới giúp họ vượt qua khó khăn này”, cô Hà Giang chia sẻ.

Theo em Trần Vũ Anh - lớp 11A1 Trường THPT Hồng Lĩnh, các phần mềm dạy học mà cô Hà Giang sử dụng giúp học sinh dễ hiểu bài hơn bởi được nhìn vào hình ảnh trực quan thay vì chỉ sử dụng sách giáo khoa. Một trong những tiết học đáng nhớ với em là lồng tiếng cho phim nước ngoài. Học sinh không những được trải nghiệm mà còn học nhiều từ vựng.

Trở thành bộ môn chính thức trong Chương trình GDPT 2018, Giáo dục địa phương là nội dung học tập hấp dẫn với giáo viên, học sinh các trường ở Hà Tĩnh. Với mục đích cung cấp kiến thức hữu ích, bồi dưỡng tình yêu quê hương cho người học nên các thầy cô đã linh hoạt vận dụng công nghệ vào thiết kế bài giảng. Theo cô Nguyễn Thị Quỳnh Giang - giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Hồng Lĩnh, việc áp dụng CNTT giúp bài giảng thêm trực quan, sinh động, học sinh dễ hiểu và nhớ.

“Ví như ở chủ đề 3: Nghệ thuật nói Lối ở Hà Tĩnh, tôi giao nhiệm vụ cho nhóm học tập tra cứu trước nguồn ngữ liệu về nói Lối; sử dụng phần mềm Mentimeter để học sinh tìm hiểu nét đẹp văn học phi vật thể; sử dụng phần mềm Plickers để tổng kết khắc sâu kiến thức bài học...”, cô Giang thông tin.

Không chỉ trường THPT, giáo viên trường tiểu học trên địa bàn Hà Tĩnh cũng sử dụng CNTT vào quá trình giảng dạy. Từ năm học 2022 - 2023, nhiều trường tiểu học tại TP Hà Tĩnh đã xây dựng và vận hành mô hình lớp học thông minh. Mỗi lớp học được trang bị đầy đủ thiết bị dạy học như: Máy vi tính, màn hình tương tác, hệ thống âm thanh, tivi thông minh… Tất cả được tích hợp đầy đủ dữ liệu cần thiết về sách giáo khoa, giáo trình điện tử theo chuẩn của Bộ GD&ĐT, kho học liệu số…

Cô Đinh Thị Thu Hiền - Trường Tiểu học Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Tôi thấy mô hình phát huy hiệu quả thiết thực, nhất là ở tiết luyện tập. Học sinh hứng thú với việc học tập hơn, tăng sự tương tác thầy - trò… từ đó phát huy năng lực người học. Đặc biệt, thông qua phần mềm, giáo viên có thể giám sát và đánh giá 100% học sinh trong lớp”.

“Thời gian tới, ngành sẽ phối hợp với Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) xây dựng cơ sở dữ liệu ngành; tiếp tục xây dựng và đưa vào sử dụng hiệu quả kho học liệu số, học liệu điện tử toàn ngành; nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ, giáo viên thông qua chương trình bồi dưỡng, tập huấn; rà soát tham mưu điều kiện đảm bảo triển khai chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong giáo dục và đào tạo...”, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ