Nhưng thực tế, công nghệ không phải là phép màu và càng không thể thay thế hoàn toàn dạy học truyền thống.
Giải phóng giáo viên
Cô Trần Thu Thủy - Trường THCS Gia Quất (quận Long Biên, Hà Nội) cho rằng, áp dụng tiến bộ công nghệ để đổi mới dạy học là xu hướng tất yếu. Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào dạy học để đa dạng hóa nội dung, hình thức nhằm truyền tải nhanh, nhiều nội dung và định hướng quá trình tự học, nghiên cứu của học sinh, tạo sự chủ động trong quá trình học tập.
Để nâng cao hiệu quả dạy - học, tăng khả năng định hướng, kết nối giáo viên và học sinh, rèn ý thức tự học, chủ động học tập cho các em, cô Thủy đã tìm hiểu và sử dụng nhiều công cụ, ứng dụng, phần mềm CNTT vào dạy học. Với công cụ như SHub Classroom, Nearpod, Quizizz, Google Forms, cô Thủy tạo bộ phiếu chuẩn bị bài mới, bài tập về nhà, ôn tập cho học sinh.
Ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, cô đề xuất sáng kiến kinh nghiệm “Ứng dụng công cụ Google Forms trong thiết kế phiếu học tập hướng dẫn học sinh chuẩn bị bài mới môn Ngữ văn”, “Ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả tương tác giữa giáo viên và học sinh trong dạy học trực tuyến” để chia sẻ với đồng nghiệp những giải pháp dạy học hay.
Không chỉ vậy, để cung cấp nguồn học liệu, giúp các em học mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt ở những nội dung kiến thức khó, cô Thủy xây dựng bài giảng điện tử bằng phần mềm iSpring. Cô mã hóa bài giảng thành mã QR và chia sẻ rộng rãi trên ứng dụng Facebook, Zalo như một tài liệu tham khảo dành cho đồng nghiệp và tài liệu học tập của học sinh.
Là nhóm trưởng chuyên môn, cô cùng đồng nghiệp không ngừng đổi mới, sáng tạo khi sinh hoạt nhóm, trong đó xây dựng nhóm nhà giáo cùng nhau phát triển với chủ đề: Tích cực đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng CNTT trong việc nâng cao hiệu quả dạy học, xây dựng kho tư liệu dạy học trên ứng dụng Google Drive cho nhóm Ngữ văn.
Cô Thủy cho rằng, ứng dụng CNTT vào dạy học mang đến cho giáo viên nhiều lợi thế. Bài học sinh động hơn, nhiều kiến thức truyền tải đến học sinh với hình ảnh, âm thanh hấp dẫn. CNTT đảm nhận vai trò quan trọng trong cung cấp kiến thức, từ đó giải phóng người thầy khỏi việc tập trung truyền đạt kiến thức chuyển sang giúp học sinh phát triển năng lực.
Học sinh Trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) với tiết học thư viện. Ảnh: Vân Anh |
Nhiều thách thức
Ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng, ứng dụng CNTT hiệu quả góp phần thay đổi chất lượng giáo dục những năm gần đây. Trong giờ dạy, giáo viên khéo léo đưa công nghệ vào bài học để tạo hứng thú cho học sinh. Phương pháp giảng dạy không ngừng cải tiến, không đơn thuần là truyền thụ kiến thức một chiều như trước.
Với mô hình chuyển đổi số, việc quản lý nhà trường được tiến hành thường xuyên, hiệu quả. Ban giám hiệu, tổ chuyên môn dễ dàng dự giờ thăm lớp chỉ bằng một số thao tác đơn giản. Giáo viên có không gian lưu trữ tài nguyên, dễ dàng tương tác với phụ huynh và học sinh; kịp thời giải quyết khó khăn trong quá trình học tập.
Trên nền tảng mô hình đồng bộ, nhà trường, phòng GD&ĐT thuận tiện triển khai hoạt động quản lý hoặc truy cập được vào hệ thống dạy học, không gian lưu trữ hồ sơ cá nhân để kiểm tra, dự giờ thăm lớp.
Theo ông Phạm Ngọc Anh, triển khai mô hình chuyển đổi số, 100% giáo viên trên địa bàn quận Cầu Giấy được tập huấn sử dụng CNTT trong dạy học. Mỗi giáo viên có không gian riêng để lưu trữ, số hóa hồ sơ như: Kế hoạch bài dạy, sổ theo dõi học sinh, lưu đề kiểm tra, phiếu bài tập.
Mỗi lớp học có không gian riêng để tương tác giữa giáo viên với học sinh và phụ huynh, lưu trữ tài liệu của lớp. Tổ chuyên môn có không gian lưu trữ các cuộc họp chuyên môn; nhà trường có phòng hội đồng sư phạm để tổ chức hoạt động trực tuyến, lưu trữ hồ sơ theo cây thư mục phòng GD&ĐT hướng dẫn.
Theo bà Vũ Thanh Dung - chuyên gia công nghệ đến từ Công ty Smartcom Việt Nam, bên cạnh mặt tích cực, trường phổ thông cũng đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn khi giáo viên, học sinh ứng dụng CNTT chưa hiệu quả.
Có thể kể đến việc đầu tư trang thiết bị CNTT chưa đồng bộ, một số giáo viên không phân biệt rõ giữa phương pháp và công cụ giảng dạy. Khi đổi mới phương pháp dạy học, nhiều thầy cô băn khoăn việc ứng dụng phương pháp mới có thể không thành công, sợ nêu nhiều câu hỏi cho học sinh trả lời sẽ không đủ thời gian thực hiện kế hoạch giảng dạy.
Nhiều giáo viên thiết kế bài giảng PowerPoint sử dụng hình ảnh, font chữ, màu chữ lòe loẹt hoặc hiệu ứng không hợp lý, làm học sinh chú ý nhiều vào hiệu ứng mà sao nhãng nội dung. Có giáo viên khi xây dựng giáo án bài giảng điện tử chỉ thay thế cho viết bảng, chủ yếu sử dụng phương pháp dạy học truyền thụ kiến thức một chiều.
Ứng dụng CNTT trong giảng dạy và học không chỉ hiểu theo nghĩa đơn giản là dùng máy tính biên soạn rồi trình chiếu bài giảng điện tử trên lớp. Nó phải được coi là giải pháp trong hoạt động liên quan đến đào tạo, nghiên cứu, soạn giảng, lưu trữ, tìm kiếm, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tài nguyên học tập và cao hơn là hoạt động dạy học diễn ra mọi lúc, mọi nơi.
Dù mang nhiều lợi thế nhưng công nghệ không thể thay thế hoàn toàn dạy học truyền thống. Ứng dụng CNTT nhằm đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực học tập của học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục cần được nhà trường triển khai đầy đủ, thiết thực. Mặt khác, thầy cô cũng cần áp dụng hiệu quả hơn các hoạt động về ứng dụng CNTT trong dạy học.
Hầu hết môn học ở nhà trường có thể ứng dụng CNTT trong quá trình dạy học nhằm tăng độ hấp dẫn bài giảng, giúp học sinh dễ tiếp thu kiến thức. Trong mỗi giờ học với giáo án điện tử, các em được mở rộng hiểu biết hơn thông qua video, đoạn phim, hình ảnh liên quan bài học.