Ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động nghị viện

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngày 15/9, sau Lễ khai mạc, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 bước vào Phiên thảo luận Chuyên đề 1: Chuyển đổi số.

Phiên thảo luận Chuyên đề 1: Chuyển đổi số trong khuôn khổ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9.
Phiên thảo luận Chuyên đề 1: Chuyển đổi số trong khuôn khổ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9.

Tạo cơ hội cho thanh niên lên tiếng

Tiếp tục chương trình làm việc của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, ông Lord Fakafanua, Chủ tịch Nghị viện Tonga, thành viên Ban Lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) đã chủ trì thảo luận chuyên đề 1: "Chuyển đổi số".

Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, ông Lord Fakafanua gửi lời cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch IPU, Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ, Tổng Thư ký IPU và Chủ tịch nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam đã phát biểu tại phiên khai mạc.

Theo ông, trong 2 ngày diễn ra hội nghị, các đại biểu sẽ có cơ hội khám phá việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số và đổi mới sáng tạo để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Trước những khó khăn, thách thức vẫn hiện hữu, phiên thảo luận sẽ đề cập đến việc làm thế nào để khai thác chuyển đổi số hiệu quả, nhằm thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thời gian tới.

Phát biểu đề dẫn, Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU Dan Carden cho biết, hiện nay thanh niên chiếm 50% dân số thế giới. Tuy nhiên, chỉ 2,8% nghị sĩ ở nghị viện của các quốc gia là dưới 30 tuổi. Qua chia sẻ của các diễn giả tại hội nghị cho thấy, thanh niên hiện tiên phong trong nhiều lĩnh vực với sự đóng góp năng động, linh hoạt và hiệu quả.

Ông Dan Carden - Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU.

Ông Dan Carden - Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU.

Trước thực tế nghị viện một số nơi chưa kết nối tốt với thanh niên, Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU Dan Carden cho rằng, nếu thanh niên không có cơ hội được thể hiện ý kiến thì nghị viện sẽ ngày càng xa rời người dân.

Do đó, ông đề nghị nâng cao năng lực thể chế, tạo cơ hội cho thanh niên được nói lên tiếng nói của mình, giúp các nghị viện gắn kết chặt chẽ với cộng đồng và người dân hơn.

Ngăn chặn hành vi bạo lực mạng

Góp ý kiến tại phiên thảo luận, bà Cynthia Lopez Castro, Nghị sĩ Mexico, Chủ tịch Diễn đàn Nữ nghị sĩ IPU đề cập tới đạo luật Olympia tại Mexico, được bắt nguồn từ việc đoạn video nhạy cảm của một phụ nữ bị phát tán rộng khắp. Đây là hành vi "bạo lực trên mạng" nhưng chưa được quy định trong Hiến pháp.

Bà Cynthia Lopez Castro, Nghị sĩ Mexico, Chủ tịch Diễn đàn Nữ nghị sĩ IPU.

Bà Cynthia Lopez Castro, Nghị sĩ Mexico, Chủ tịch Diễn đàn Nữ nghị sĩ IPU.

"Sau đó, chúng tôi đã thành công trong việc đưa vào Hiến pháp và coi đây là hành vi phạm tội hình sự, vi phạm quyền riêng tư cá nhân. Điều luật này cũng được nhân rộng ở nhiều bang ở Mexico và một số quốc gia", bà cho biết.

Chủ tịch Diễn đàn Nữ nghị sĩ IPU cũng mong muốn nỗ lực này sẽ được các quốc gia khác thực hiện. Đồng thời, hy vọng các nghị viện sẽ cùng nhau hỗ trợ thực hiện các đạo luật tương tự để ngăn chặn hành vi "bạo lực trên mạng" đối với phụ nữ trong tương lai.

Nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức

Phát biểu gợi mở trong phiên thảo luận chuyên đề về chuyển đổi số, ông Lưu Bá Mạc - Ủy viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, ngày nay, mỗi quốc gia, tổ chức hay cá nhân đều phải nỗ lực chuyển đổi, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.

Ông Lưu Bá Mạc - Ủy viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Ông Lưu Bá Mạc - Ủy viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Chuyển đổi số giúp thay đổi cách vận hành nền kinh tế, tăng mạnh năng suất lao động, tạo các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Giúp các cơ quan Nhà nước hoạt động ngày càng minh bạch, hiệu quả hơn, giúp thu hẹp khoảng cách phát triển.

Đại biểu Lưu Bá Mạc cho rằng, quá trình chuyển đổi số đang diễn ra ở các quốc gia với các mức độ khác nhau. Điều đó cho thấy yếu tố nền tảng quan trọng nhất cho quá trình chuyển đổi số là phải hoàn thiện thể chế, chính sách.

Từ đó, nhằm thúc chuyển đổi số, đảm bảo tính bao trùm và phát triển bền vững, lấy người dân làm trung tâm, bao gồm thúc đẩy hạ tầng số, hệ sinh thái số, các giải pháp hiệu quả gắn kết chuyển đổi số với phát triển bền vững và không bỏ lại ai ở phía sau.

Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, cần xác định, việc xây dựng và thúc đẩy phát triển các nền tảng số quốc gia là giải pháp có tính đột phá. Nền tảng số là "hạ tầng mềm" của không gian số, giải quyết các bài toán cụ thể của chuyển đổi số, tạo lập và lưu trữ dữ liệu người dùng. Càng có nhiều người sử dụng thì dữ liệu càng nhiều, chi phí càng rẻ, giá trị tạo ra càng lớn.

Đại biểu Lưu Bá Mạc cho rằng, sự thành công, phát huy hiệu quả của quá trình chuyển đổi số đòi hỏi phải nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho người dân, đặc biệt cho người dân ở vùng sâu, vùng xa.

Quá trình chuyển đổi số đặt ra các cuộc thảo luận về chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Trong thế giới thực, việc tôn trọng chủ quyền quốc gia là một nguyên tắc cơ bản được ghi nhận trong hệ thống luật pháp quốc tế.

Do tính chất xuyên biên giới của không gian mạng, việc đảm bảo chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là một vấn đề mới, phức tạp. Do đó, việc triển khai đồng bộ các giải pháp sẽ góp phần bảo vệ chủ quyền số của các quốc gia.

Việc đảm bảo chủ quyền trên không gian mạng cần có sự hợp tác và phối hợp của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Qua đó, nhằm đem lại một môi trường mạng an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ