Trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một cuộc cách mạng công nghệ và tác động sâu rộng đến nhiều lĩnh vực khoa học, công nghệ và đời sống. Ngành y tế được đánh giá là một trong những lĩnh vực có nhiều tiềm năng ứng dụng AI nhất, với những ảnh hưởng rõ rệt.
Ứng dụng AI trong điều trị bệnh
Trước sự phát triển của xã hội, nền y học hiện đại cũng đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Từ việc chẩn đoán bệnh, quy trình điều trị, đến nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và cải thiện trải nghiệm của bệnh nhân đang là những đòi hỏi bức thiết với ngành.
Tại Việt Nam, việc áp dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế đang ngày càng phát triển, dù vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức về cơ sở hạ tầng và nhân lực. Một số bệnh viện lớn và trung tâm nghiên cứu đã tiên phong trong việc ứng dụng AI để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và cải thiện quy trình quản lý bệnh nhân.
Các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện K… đã sử dụng hệ thống AI trong việc phân tích hình ảnh y khoa và hỗ trợ chẩn đoán. Ngoài ra, Bệnh viện K, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ đã triển khai sử dụng AI để giúp chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân ung thư và đạt kết quả tốt.
Sáng 21/2, ê-kíp các bác sĩ Bệnh viện K chủ trì là PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K cùng đoàn chuyên gia Bệnh viện Đại học Nagoya Nhật Bản đã trao đổi, bàn luận và thực hiện phẫu thuật thành công bằng robot hiện đại cho bệnh nhân nữ, 67 tuổi với chẩn đoán ung thư gan. Bệnh nhân có u gan kích thước 4x5 cm, nằm vị trí hạ phân thùy II.
Các bác sĩ nhận định, bệnh nhân đáp ứng điều kiện để có thể tiến hành phẫu thuật nội soi bằng robot. Đây là phương pháp mổ tiên tiến, xâm nhập tối thiểu ở trình độ cao nhất, giúp bệnh nhân hạn chế tối đa tổn thương, hồi phục nhanh sau mổ.
Trước đó, trong hai ngày 19 và 20/2, ê-kíp các bác sĩ Bệnh viện K cũng đã thực hiện phẫu thuật thành công bằng robot cho 2 bệnh nhân ung thư dạ dày và trực tràng. Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân nữ 66 tuổi, được chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn 3.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân nữ 67 tuổi, nhập viện trong tình trạng đại tiện ra máu, ăn ngủ kém, sút cân, nội soi thấy cách rìa hậu môn 4cm có khối u kích thước 3x3,5cm, chiếm gần nửa chu vi lòng ruột.
Tại Việt Nam, phẫu thuật robot được áp dụng đầu tiên tại Bệnh viện Nhi Trung ương vào năm 2015. Đến năm 2016, Bệnh viện Bình Dân (TPHCM) là đơn vị đầu tiên thực hiện phẫu thuật robot trên người lớn.
Trong các năm tiếp theo, phẫu thuật robot được áp dụng tại nhiều bệnh viện trên cả nước như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Vinmec Hà Nội, Bệnh viện K, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức…
Cụ thể, tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) từ năm 2017 đến nay, khoa Gan Mật Tụy đã thực hiện được hơn 100 trường hợp phẫu thuật robot trong bệnh lý gan, mật, tụy.
Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM đã sử dụng robot, phẫu thuật thành công cho bệnh nhân có khối xuất huyết não 4cm. Các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định chọn kỹ thuật mổ não tỉnh thức mới với sự trợ giúp đắc lực của Robot AI Modus V Synaptive và hệ thống định vị Neuro-Navigation AI thế hệ mới nhất.
Đặc biệt, đây là một ca phẫu thuật được thực hiện theo phương pháp mổ thức tỉnh, nghĩa là bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, có thể giao tiếp trong suốt cuộc mổ. Sau mổ 30 phút, người bệnh gặp người thân, gọi điện thoại về cho gia đình. Nửa ngày sau, kết quả chụp CT cho thấy không còn máu tụ trong não, vận động, thị giác và nhận thức của người bệnh hoàn toàn bình thường.
Tạo ra đột phá quan trọng
Phân tích về một phần những lợi ích mà AI đang mang lại cho lĩnh vực y tế, GS Phạm Minh Thông, Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam cho hay, trong y tế, chẩn đoán hình ảnh là lĩnh vực hàng đầu ứng dụng AI. Theo ông, hiện nay, các bệnh lý về thần kinh như bệnh về não, tủy sống và cột sống rất phổ biến.
Với các bệnh lý này, chẩn đoán hình ảnh rất quan trọng, như chụp CT cộng hưởng từ cho các hình ảnh chính xác giúp các bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh và can thiệp điều trị. Việc tích hợp AI trong các phương tiện chẩn đoán hình ảnh giúp máy chạy nhanh hơn, chất lượng hình ảnh tốt hơn…
“Tương tự với bác sĩ, việc ứng dụng phần mềm AI giúp việc chẩn đoán nhanh hơn, kết quả chính xác hơn. Bên cạnh đó, bằng cách tận dụng AI để phân tích thông tin và hình ảnh từ nhiều nguồn khác nhau như điện tâm đồ, siêu âm tim, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp phát xạ positron… các bác sĩ có được cái nhìn toàn diện hơn về tình trạng bệnh nhân”, GS Thông cho biết.
Một nghiên cứu gần đây về vai trò của AI trong phân tích kết quả chụp X-quang ngực thẳng được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy trên 20.000 ca cho thấy, AI hỗ trợ bác sĩ cải thiện rõ rệt khả năng chẩn đoán bệnh.
Cụ thể, nghiên cứu thể hiện, đối với bác sĩ chẩn đoán hình ảnh giàu kinh nghiệm, với sự hỗ trợ của AI, thời gian đọc kết quả hình ảnh rút ngắn chỉ còn khoảng 1/3 so với bình thường. Trong khi đó, đối với bác sĩ nội trú, AI hỗ trợ giúp cải thiện rõ rệt độ nhạy và độ đặc hiệu chẩn đoán các dấu hiệu, đặc điểm hình ảnh trên X-quang ngực thẳng nói chung và ở nhóm các dấu hiệu gợi ý lao nói riêng.
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, AI và các công nghệ tiên tiến đang dần trở thành những công cụ không thể thiếu trong công tác khám và điều trị bệnh. Từ việc hỗ trợ chẩn đoán bệnh chính xác hơn, đến việc phát triển các phương pháp điều trị cá nhân hóa và tối ưu hóa quy trình chăm sóc, công nghệ đã và đang tạo ra những bước đột phá quan trọng. Những tiến bộ này không chỉ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, mà còn tạo ra cơ hội mới cho việc nghiên cứu và phát triển phương pháp điều trị tiên tiến.