Ứng dụng AI và Blockchain trong ngành Luật

GD&TĐ - Ngày 18/6, Trường ĐH Luật TPHCM tổ chức toạ đàm chủ đề “Ứng dụng AI & Blockchain trong ngành Luật - Siêu trợ lý học tập”.

Các chuyên gia trao đổi tại tọa đàm của Trường ĐH Luật TPHCM. (Ảnh: ULAW)
Các chuyên gia trao đổi tại tọa đàm của Trường ĐH Luật TPHCM. (Ảnh: ULAW)

Tại toạ đàm, Trường ĐH Luật TPHCM và Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII ký kết biên bản thoả thuận hợp tác với trọng tâm trong giai đoạn năm 2024 - 2025.

Hai đơn vị cùng phối hợp và tổ chức các hoạt động liên quan đến công nghệ Blockchain và AI như hợp tác về giảng dạy cho các giảng viên, sinh viên.

Qua đó, hợp tác đào tạo cấp chứng chỉ trong lĩnh vực công nghệ, cung cấp khóa học trực tuyến, hợp tác nghiên cứu ứng dụng của Blockchain và AI, hợp tác xây dựng các chủ đề nghiên cứu công nghệ.

Tại toạ đàm, TS Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng chiến lược chuyển đổi số của các cơ sở đào tạo và áp dụng công nghệ trong quá trình hỗ trợ tra cứu, phổ cập và tư vấn pháp luật.

TS Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại Học Luật TPHCM phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: ULAW)
TS Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại Học Luật TPHCM phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: ULAW)

Nhà trường chú trọng hợp tác trong khai thác các ứng dụng công nghệ số phục vụ cho hoạt động của trường, tham gia quá trình xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến công nghệ thông tin.

Ngoài ra, nhà trường còn triển khai nội dung liên quan đến công nghệ số trong chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học, tạo ra dữ liệu cho các sản phẩm công nghệ số trong lĩnh vực pháp luật.

Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam bày tỏ mong muốn sử dụng nguồn lực của Hiệp hội phối hợp với trường tạo ra môi trường thúc đẩy sự phát triển của công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực pháp luật.

Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: ULAW)
Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: ULAW)

Các chuyên gia tại toà đàm cho biết, sự xuất hiện của các công cụ như Chatbot GPT, trợ lý ảo ngành Toà án và các ứng dụng tra cứu khác đã đem lại nhiều lợi ích cho sinh viên và người hành nghề như tiết kiệm thời gian, giảm bớt công việc thủ công và cung cấp nguồn dữ liệu pháp lý khổng lồ.

Tuy nhiên, bên cạnh các lợi ích, AI cũng tồn tại những mặt trái về chất lượng, mức độ đáng tin cậy của nguồn thông tin.

Do đó, khi sử dụng công cụ tra cứu pháp lý, người dùng không nên hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả được cung cấp mà cần kiểm tra lại tính xác thực của dữ liệu.

Theo PGS.TS Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM, việc sử dụng công cụ AI ở cường độ cao sẽ hạn chế khả năng tư duy pháp lý của sinh viên. Từ đó, gây ra hiện trạng học tập và làm việc kém hiệu quả.

TS Dũng khuyến khích chỉ nên sử dụng trợ lý ảo pháp luật trong trường hợp thật sự cần thiết và vẫn đảm bảo sự hiểu biết về bản chất của vấn đề.

Tại chương trình, Hiệp hội Blockchain Việt Nam trao 30 suất học bổng Unitour, tập huấn về ứng dụng Blockchain và AI vào cuộc sống, học tập và nghiên cứu cho sinh viên của Nhà trường.

Nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng có kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ đáp ứng nhu cầu của xã hội, Trường Đại học Luật TPHCM xây dựng nội dung đào tạo của các bộ môn về công nghệ, AI và chuyển đổi số trong các ngành luật như dân sự, hình sự, thương mại, quốc tế.

Hiện Trường ĐH Luật TPHCM đang triển khai xây dựng môn học Pháp luật về kinh tế số cho sinh viên, cùng với đó là các môn học, chương trình đào tạo về sở hữu trí tuệ ở các cấp bậc đào tạo đại học và sau đại học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.