Mỹ: Bế tắc chương trình lựa chọn trường học cấp liên bang

GD&TĐ - Khi được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Bộ GD Mỹ, bà Betsy DeVos đã đưa ra kế hoạch đầy tham vọng về chương trình lựa chọn trường học cấp liên bang. Tổng thống Trump đã hứa hẹn sẽ cấp gói ngân sách trị giá 20 tỷ USD cho chương trình; việc thông qua dự kiến sẽ không mấy khó khăn do đảng Cộng hòa kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện. 

Bộ trưởng GD Mỹ, Betsy DeVos, dường như đã chấp nhận thất bại trong kế hoạch thúc đẩy sự lựa chọn trường học ở cấp liên bang
Bộ trưởng GD Mỹ, Betsy DeVos, dường như đã chấp nhận thất bại trong kế hoạch thúc đẩy sự lựa chọn trường học ở cấp liên bang

Thế nhưng đã hơn một năm rưỡi, mục tiêu thúc đẩy chương trình ở cấp liên bang gần như dậm chân tại chỗ.

Tranh cãi ngay từ kế hoạch

Các nhà phân tích cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến chương trình của bà DeVos gặp khó khăn là bởi chính uy tín cá nhân không được đánh giá cao. Chưa kể, nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa lại không hào hứng lắm với việc tự do lựa chọn trường học, trong khi đảng Dân chủ lại có nhiều ý kiến ủng hộ hơn.

“Bà ấy chắc chắn không phải là một người vận động hành lang hiệu quả” - Frederick Hess, Giám đốc Nghiên cứu chính sách GD tại Học viện Doanh nghiệp Mỹ, nói – “Bà ấy đã nỗ lực thúc đẩy kế hoạch, thế nhưng kế hoạch ấy đã bị chính trị hóa và phạm vi của nó cũng mở rộng hơn so với hai năm trước đây, khi kế hoạch cải tổ của bà lần đầu tiên được đề xuất”.

Quả thật, Betsy DeVos đã ra sức quảng bá cho kế hoạch cải tổ của mình, với việc cho phép lựa chọn trường học ở các địa phương như một giải pháp thay thế cho các trường công lập truyền thống, chuyển sang lựa chọn các trường tư với chi phí thấp do được hỗ trợ. Những người có tư tưởng cải cách ủng hộ kế hoạch, nhưng số phản đối có lẽ còn lớn hơn rất nhiều.

Đáng kể nhất là việc Quốc hội đã nói không với đề xuất ngân sách cho chương trình. Đề xuất tín dụng thuế hỗ trợ học bổng bị phủ quyết, thay vào đó là một khoản trợ cấp khá khiêm tốn dành cho những người có nhu cầu tự lựa chọn trường học.

Vào tháng 11 tới đây, cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ sẽ diễn ra, nếu đảng Dân chủ chiếm lợi thế ở lưỡng viện, cơ hội dành cho chương trình tự do lựa chọn trường học của Bộ GD sẽ còn thấp hơn nữa. Đối với tất cả các mục đích thực tế của chương trình, đến nay vẫn chưa chuyển động được gì và DeVos trở thành người thất bại. Lựa chọn trường học đã trở thành kế hoạch chính sách đầy tham vọng để đưa bà tới Washington với kỳ vọng lớn lao, có thể sẽ kết liễu luôn tương lai chính trị của bà.

Bỏ quên vùng nông thôn?

Sự phản đối của các nhà lập pháp đại diện cho các tiểu bang nông thôn khá quyết liệt. Họ cho rằng, không nhìn thấy chút lợi ích nào trong các chương trình lựa chọn trường học, khi có rất ít lựa chọn thay thế cho các trường công lập truyền thống vốn tồn tại lâu đời và rất phù hợp trong cộng đồng có thu nhập khiêm tốn của họ.

Các nhà phê bình cũng thống nhất rằng, kế hoạch tài trợ cho chương trình được đề xuất bởi DeVos chỉ mang lại lợi ích cho các đô thị vốn đã giàu có sẵn mà thôi.

Vấn đề này thậm chí đã trở thành một trong những trọng tâm trong phiên điều trần trước Quốc hội mới đây của bà DeVos, khi Thượng nghị sĩ Mike Enzi đặt câu hỏi liệu sự lựa chọn trường học có mang lại nhiều lợi ích cho những nơi nông thôn như bang Wyoming của ông.

DeVos cũng gặp rắc rối với những người có tư tưởng bảo thủ. Họ cho rằng, một chương trình mới sẽ kéo theo các quy định mới, làm đảo lộn các trật tự vốn đang hoạt động hiệu quả, đặc biệt khi nó được triển khai ở cấp liên bang. Các trợ lý của DeVos phủ nhận điều này, cho rằng chương trình của Bộ trưởng không đặt ra quy mô lớn đến thế. Thậm chí, Bộ GD đã mở hẳn một diễn đàn để tranh luận.

Vấn đề nằm ở quy mô

Nathan Bailey, một phát ngôn viên của Bộ GD, cho biết: “Trọng tâm của cuộc tranh luận về GD là sự lựa chọn trường học theo cách mà nó chưa từng có”; “Bộ Trưởng DeVos đã rõ ràng từ những ngày đầu rằng sự lựa chọn trường học nên được thúc đẩy từ cấp địa phương”.

Như vậy là phía phản đối cố tình thổi phồng quy mô trong chương trình lựa chọn của bà DeVos, hay đó chỉ là sự biện hộ khi chương trình bị phản đối ở cấp liên bang? Thực tế, ở cấp độ địa phương thì chương trình của Bà DeVos đã có chuyển động. Ở Illinois, chính quyền địa phương đã xây dựng cơ chế dành cho các công ty một khoản ưu đãi thuế nếu họ quyên tiền cho các học bổng của trường tư. Tiểu bang Georgia mở rộng một chương trình tương tự. Thậm chí ở Bắc Carolina đã tạo ra các tài khoản tiết kiệm GD được tài trợ công khai để giúp các gia đình có trẻ khuyết tật trả học phí cho trường tư và các chi phí khác.

Tommy Schultz là người phát ngôn của Liên đoàn Trẻ em Hoa Kỳ (một tổ chức do chính DeVos thành lập và lãnh đạo trong nhiều năm) đã trích dẫn những vấn đề trên và những tiến bộ khác của chương trình. Ông nói, DeVos đáng ra không phải là một trọng tâm trong các cuộc tranh luận trong thời gian vừa qua. “Tình yêu của bà đối với đất nước đã không được đưa ra trong các cuộc tranh luận cấp liên bang về các hóa đơn GD”, ông nói.

Bà DeVos lý giải động lực của mình là đảm bảo mọi trẻ em đều có thể được từ bỏ những trường học chất lượng không tốt, ngay cả khi cha mẹ không thể trả học phí cho trường tư. Những người phản đối thì cho rằng kế hoạch của bà chỉ để giúp một vài HS, trong khi lại rút tiền từ các trường công lập để phục vụ cho hệ thống trường tư (ngoài công lập). Đó cũng là lý do chính khiến Quốc hội từ chối các khoản ngân sách cho chương trình của Bộ trưởng.

Theo Washingtonpost

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.