Chiều 24/5, ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đã trả lời VnExpress về tranh luận việc bảo tồn hay xây mới nhà thờ chánh toà Bùi Chu (Nam Định).
- Qua điểm của ông về tranh luận bảo tồn hay xây mới nhà thờ chính toà Bùi Chu giữa các kiến trúc sư và linh mục, giáo dân địa phương?
Nhà thờ Bùi Chu hiện chưa nằm trong danh mục di sản văn hoá quốc gia hay di sản được UNESCO công nhận. Thông thường, chúng tôi không tham gia trực tiếp vào những câu chuyện như vậy, nhưng nhà thờ Bùi Chu nhận được sự quan tâm sâu sắc của công chúng, đặc biệt là các kiến trúc sư.
Đây là cuộc tranh cãi giữa bảo tồn và phát triển, một thực tế mà Việt Nam đang phải đối mặt. Chúng tôi cũng nhận được đơn kiến nghị của các kiến trúc sư về việc này. Vì vậy, ngày 7/5, tôi gửi đề nghị được đến nhà thờ để tìm hiểu cụ thể và được lãnh đạo giáo phận Bùi Chu chấp thuận.
Michael Croft, Trưởng Đại diện văn phòng UNESCO tại Việt Nam. Ảnh: Viết Tuân. |
Ngày 10/5, chúng tôi khảo sát nhà thờ. Ngoài đại diện UNESCO, đoàn có một kiến trúc sư, một chuyên gia di sản, một chuyên gia kỹ thuật 3D, đã tìm hiểu thực trạng công trình, lịch sử xây dựng, những lần trùng tu và thảo luận với lãnh đạo giáo phận.
Sau chuyến làm việc, chúng tôi hiểu rằng, quyết định hạ giải nhà thờ đã được lãnh đạo và người dân giáo phận cân nhắc kỹ lưỡng, chuẩn bị từ lâu.
Các quyết định được đưa ra có sự điều chỉnh để đảm bảo hài hoà các yếu tố như sự an toàn của giáo dân, quyền được hành lễ và bảo tồn di sản. Những tính toán này luôn có sự góp ý của nhà chức trách tỉnh Nam Định và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch để chọn cách tối ưu.
Tuy nhiên, truyền thông và mạng xã hội khi bàn luận về vấn đề này lại ít nói tới yếu tố quan trọng hàng đầu là an toàn của giáo dân và quyền thực hành tín ngưỡng của họ. Việc bảo tồn những cấu kiện kiến trúc nhà thờ phải được đặt cạnh tính tiếp nối và liên tục của việc thực hành tín ngưỡng tại địa điểm được giáo dân coi là linh thiêng này.
- Sau chuyến khảo sát, ông đánh giá như thế nào về thực trạng nhà thờ Bùi Chu hiện nay?
Không cần phải là người có chuyên môn về kiến trúc, chỉ quan sát bằng mắt thường cũng thấy rõ sự xuống cấp nghiêm trọng của công trình này: Nền móng nhà thờ đã sụt lún khoảng 60-70 cm, tường phía trước bị nứt toác thành hai mảng, cấu trúc gỗ và mái mục nát.
Hơn nữa, nhà thờ đã được xây dựng từ năm 1884, trong bối cảnh kinh tế, xã hội Việt Nam còn lạc hậu nên khó có thể đặt mục đích công trình sẽ trường tồn mãi theo thời gian.
Bằng chứng là Bùi Chu không được xây bằng đá cổ như các nhà thờ châu Âu mà chỉ bằng những vật liệu được tận dụng tối đa ở địa phương. Các cấu kiện gỗ cũng không phải là tốt nhất.
- Nhà thờ chính toà Bùi Chu cần được bảo tồn ra sao?
Bảo tồn nhà thờ Bùi Chu cần được nhìn nhận theo nghĩa rộng hơn. Trước tiên, phải đảm bảo an toàn cho giáo dân và quyền thực hành tín ngưỡng của họ. Bảo tồn di sản phải bao gồm cả yếu tố vật thể và phi vật thể. Đừng nên tuyệt đối hoá bằng mọi giá chỉ bảo tồn di sản vật thể của công trình.
Bởi những yếu tố vật thể không thể tồn tại vĩnh viễn theo thời gian. Qua năm tháng, có những thứ phải mất đi. Nhưng các di sản phi vật thể là giá trị lịch sử, thực hành văn hoá, tín ngưỡng gắn với cộng đồng địa phương thì sẽ được trao truyền từ đời này sang đời khác. Sự tiếp nối dòng chảy văn hoá đôi khi còn quan trọng hơn việc bảo tồn di sản vật chất.
Bức tượng chúa Giêsu Vua trên đỉnh nhà thờ cũ dự kiến sẽ được đưa sang vị trí tương tự ở nhà thờ mới. Ảnh: Giang Huy. |
Trong chuyến thăm nhà thờ, chúng tôi được chứng kiến và cảm nhận sự trân trọng, lòng thành kính của các giáo dân nơi đây với nhà thờ của họ. Vì vậy, những quyết định của họ với công trình cần được tôn trọng.
Trong trường hợp cần thiết giữ lại các kiến trúc nhà thờ Bùi Chu, cũng không nhất thiết phải bảo tồn nguyên trạng. Bởi còn có nhiều hình thức khác để lưu giữ lịch sử, ký ức gắn với nhà thờ như giữ nền móng nhà thờ hoặc chi tiết đặc trưng nào đó, quét 3D, số hoá...
Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của giáo phận để gìn giữ tối đa cấu trúc và nền móng ban đầu của nhà thờ trong kế hoạch hạ giải và tái thiết công trình. Đồng thời, giáo phận cũng sẽ số hoá để lưu trữ các cấu kiện kiến trúc nguyên bản của nhà thờ cho thế hệ mai sau.
UNESCO sẽ hỗ trợ kỹ thuật, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình trùng tu nhà thờ Bùi Chu.
- Làm cách nào để bảo tồn hệ thống nhà thờ hàng trăm năm ở Việt Nam nhưng chưa được công nhận là di sản, thưa ông?
Sau chuyến khảo sát đến nhà thờ Bùi Chu, chúng tôi có cuộc làm việc với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và cam kết sẵn sàng hợp tác để xây dựng kế hoạch bảo tồn các di sản là công trình tôn giáo một cách hệ thống và chủ động, thay vì giải quyết từng sự việc riêng lẻ.
UNESCO và nhà chức trách Việt Nam đều thống nhất rằng cần thiết phải có hệ thống kiểm kê, bảo tồn các nhà thờ có giá trị như Bùi Chu.
Việt Nam cần rà soát lại Luật Di sản văn hoá, mời những người có uy tín ở các tôn giáo khác nhau để sửa đổi quy định liên quan đến việc công nhận di tích là công trình tôn giáo.