Xếp đá mưu sinh
Tình cờ gặp anh trong một chương trình trao giải thưởng “bàn tay vàng” tổ chức tại Hà Nội, chúng tôi khá bất ngờ bởi giải thưởng mà anh được nhận lại là cái nghề gom những viên đá về xếp thành những quả núi. Cũng chính vì tò mò, chúng tôi quyết định ngược Ninh Bình để tận mục sở thị những tác phẩm của anh.
Sinh ra và lớn lên tại một làng quê nghèo ở Nam Định, tuổi nhỏ của Nguyễn Văn Lợi như áng thơ buồn bởi bố theo một người đàn bà khác, bỏ lại mẹ con Lợi với túp lều chưa mưa đã dột, chưa nắng đã chiếu tỏ sàn nhà. Lợi bị bạn bè hàng xóm rèm pha, khinh khi. Cũng bởi không bạn bè, Lợi bắt đầu với thú chơi bằng những viên đá. “Cứ nhặt đá về mài thành những viên bi để tự chơi, chơi chán rồi lại xếp chúng thành những hình cái bàn, chiếc ghế hay ngôi nhà... “Hình như nó gắn với tôi từ đấy”, Lợi nhớ lại.
Rồi một người cùng thôn thấy thế, đã nhờ anh đắp, ghép một bể đá cảnh. “Đó là tác phẩm đầu tay và cũng là những đồng tiền đầu tiên tôi kiếm được. Năm ấy tôi 12 tuổi”, anh Lợi nhớ lại. “Trị giá của tác phẩm ấy mà ông chủ trả cho tôi là 20 cân gạo. Tuy không lớn nhưng đủ để cho hai mẹ con tôi nấu ăn cả tháng trời”, anh Lợi cho biết thêm.
Người nọ giới thiệu người kia, người làng này giới thiệu ra làng khác, xã này ra xã khác. Anh Lợi cứ sáng cọc cạch chiếc xe đạp đạp đi làm, chẳng quản ngại ngày nắng hay ngày mưa. “Cứ có việc làm, có người thuê là mình làm thôi. Việc bê bê, xếp xếp đã là một chuyện, nhưng những viên đá to thì phải dùng ròng rọc để tời, dùng thêm sức người để vận chuyển. Tuy nhiên, tìm được người khỏe mạnh, có con mắt nghệ thuật mà tiền công lại thấp thì quá khó”, anh Lợi chia sẻ.
|
Rồi anh cũng tìm được một người để cùng anh “vác đá đi khắp các nẻo đường”: “Anh ấy ở cùng thôn, gia đình cũng hoàn cảnh như nhà tôi. Khi tôi ngỏ lời đi làm cùng, anh đã đồng ý, nhưng chỉ làm được ít hôm thì anh ấy chán nản vì công việc nặng nhọc mà tiền ngày công thì thấp. Rồi anh ấy nghỉ, tôi lại động viên, anh ngập ngừng rồi cũng gật đầu đồng ý”. Năm 1999, qua một số người giới thiệu, Lợi bắt đầu bước sang đất Ninh Bình để “mưu sinh”. Bữa cơm gia đình cũng dần bớt đi gánh nặng cho người mẹ nghèo.
Yêu đá hơn vợ
Chúng tôi tìm đến TP Ninh Bình những ngày giữa tháng 5, dưới cái nắng cháy da, cháy thịt trên một bãi đá rộng, “kẻ khùng” vẫn lẩn mình giữa những tảng đá lớn. “Làm cái nghề này, đã cuốn vào nó rồi thì không dứt ra được. Nó như ma mị ấy”, anh Lợi vừa kê kích lại phiến đá vừa cho biết.
Giữa hàng trăm, hàng nghìn phiến đá ngổn ngang, một tác phẩm núi đá khổng lồ đang hình thành. Khi chúng tôi hỏi, chỉ với 5 người thế này thì làm sao xuể? Lợi vừa xoa hai bàn tay vào nhau vừa nói: Việc xếp chúng lại dường như chỉ mình anh làm thôi, còn công nhân sẽ trợ giúp những việc nặng nhọc khác như: Bê đá, kê kích, vận chuyển... “Đây là tác phẩm Tam sơn, nó ngốn của mình hơn 7 tháng nay nhưng vẫn chưa ưng ý. Còn nhiều việc lắm mới hoàn thành tác phẩm này”, anh Lợi cho biết.
|
Để hình thành nên tác phẩm Tam sơn, anh Lợi đã phải vận chuyển hàng nghìn tấn đá từ khắp Ninh Bình về lắp ghép. Mỗi chuyến xe thuê chở đá về cũng tốn cả tiền triệu, ngoài ra còn tiền thuê máy cẩu, tiền thuê công nhân... Theo tiết lộ của người cùng song hành làm tác phẩm Tam sơn này cho biết, chi phí để tạo ra bộ ba núi đá này đã lên tới cả tỷ đồng.
“Có những ngày Lợi ăn ngủ ngay tại công trình, vợ gọi nó còn không nghe máy nữa là. Khi say vào công việc rồi thì nó dứt ra không được”, anh Dũng, người bạn làm cùng cho hay.
Cũng theo chia sẻ của anh Dũng, hiện tại ước mơ lớn nhất của Lợi là sẽ làm những tác phẩm về những danh lam, thắng cảnh như: Chùa Non Nước, chùa Bái Đính, Tràng An... bằng đá thu nhỏ để du khách có thể chiêm ngưỡng rõ nét hơn. “Mỗi lần đi đâu, gặp đá là nó bê về dù là viên to hay viên nhỏ. Có lần mấy gia đình tổ chức đi ăn, Lợi cứ kệ mọi người mà ra mê mẩn với một bể đá của chủ nhà hàng. Đến khi vợ con Lợi phát cáu. Đam mê ăn vào tận máu rồi”, anh Dũng hài hước kể.