Vở diễn đang trở thành “hiện tượng”, trong bối cảnh các sân khấu đang khát khao khán giả.
Tích cũ nội dung mới
Vở diễn được phóng tác từ câu chuyện cổ tích Tấm Cám với mục đích phục vụ thiếu nhi vì Nhà hát đã xác định đây là lượng đối tượng chính trong xu hướng phát triển của sân khấu trong thời gian lâu dài. Tuy vậy, khi xây dựng Tấm Cám, NSND Lệ Ngọc vẫn mong muốn Nhà hát nỗ lực dàn dựng một vở diễn sạch sẽ, sang trọng, đổi mới và hấp dẫn đến cả khán giả nhí lẫn người lớn.
Sau “Đám cưới con gái chuột” và “Con gà trống”, “Tấm Cám” là tác phẩm thứ 3 sân khấu Lệ Ngọc mời tiến sĩ nghệ thuật Chua Soo Pong (người Singapore) hợp tác dựng vở.
Đạo diễn Chua Soo Pong bày tỏ quan điểm: Dựng vở cho thiếu nhi rất khó. Với “Tấm Cám”, một câu chuyện cổ tích của Việt Nam có nhiều tình tiết không có thật, đạo diễn phải tạo ra các cảnh diễn thuyết phục các em rằng, những gì các diễn viên thể hiện trên sân khấu không phải là điều tưởng tượng, bịa đặt. Đưa cổ tích lên sân khấu, giữ được sự hấp dẫn của vở diễn là phải làm để người xem tin là thật.
Chua Soo Pong đã làm mới “Tấm Cám” bằng cắt bỏ tất cả chi tiết tàn bạo, đề cao và ca ngợi tình mẫu tử sao cho nội dung phù hợp với tâm lý trẻ con.
Bên cạnh yếu tố hài hước, đạo diễn cũng bổ sung các màn múa, hát nhằm tạo sự tươi vui, hấp dẫn cho vở diễn. Tình mẫu tử được tô đậm thành thông điệp xuyên suốt vở diễn với sự chuyển tải nội dung bằng các tình huống bi - hài đan xen gây được tiếng cười vui cho khán giả.
“Tấm Cám” hòa vào dòng chảy đương thời sẽ không có nhân vật Bụt xuất hiện mà thay vào đó là nhân vật mẹ Tấm. Dù đã qua đời nhưng bà luôn sống trong tâm tưởng và luôn xuất hiện những lúc Tấm khó khăn, động viên, khích lệ con gái vươn lên.
Nhân vật cô Tấm đã vượt qua nhiều cái chết để trở về, sống hạnh phúc cạnh vị hoàng tử chung tình. Tấm xứng đáng được hưởng hạnh phúc bởi cô được người mẹ đã khuất dạy dỗ về lòng hiếu thuận, đức hạnh, thơm thảo, nhân ái, bao dung với lỗi lầm và tha thứ.
Theo nhà văn Nguyễn Hiếu, vấn đề chuyển ngữ chính là thách thức mà ông phải đối đầu khi phóng tác từ văn chương sang kịch bản sân khấu.
“Tấm Cám” lại là một dạng văn bản khó bởi vốn là một truyện cổ tích “kinh điển” của văn chương dân gian Việt, được lưu hành bằng truyền miệng từ thế hệ này qua thế hệ khác. Theo dòng thời gian, với nhiều dị bản, song câu chuyện và cốt truyện“Tấm Cám”, trẻ con Việt đã thuộc lòng mọi chi tiết, từ vui tươi đến hạnh phúc, đến cả dã man tàn bạo…
Dì ghẻ và Cám. |
Sáng tạo trong dàn dựng và diễn xuất
Tác giả Nguyễn Hiếu đã phải viết đi viết lại vài lần kịch bản “Tấm Cám” để chuyển ngữ từ cái phi vật thể của chữ nghĩa văn chương cổ tích sang kịch bản sân khấu; từ cái phi văn bản chỉ dành kể chuyện để nghe, đến việc dàn dựng, diễn xuất của đạo diễn, diễn viên sân khấu phục vụ cả việc nghe và xem của khán giả trong nhà hát.
Những cảnh tàn bạo của bốn lần Tấm bị mẹ ghẻ và Cám giết chết… đều đã được Nguyễn Hiếu hóa giải khi phóng tác thành kịch bản, với thông điệp nhân văn của vở diễn, không theo mô típ “ác giả ác báo” nữa, mà là tình mẫu tử trong quan hệ của gia đình người Việt truyền thống.
Trong những tình huống nan giải nhất, mẹ Tấm hiện ra như một bà tiên để giải cứu và chống đỡ cho Tấm, giúp Tấm được đi trẩy hội, gặp hoàng tử, được hoàng tử yêu, lấy làm vợ và giúp Tấm thoát chết, từ kiếp nạn này sang kiếp nạn khác hồi sinh, trở về, không báo oán mà cùng chồng tha thứ khoan dung cho dì ghẻ và Cám.
Theo NSND Lệ Ngọc, sân khấu Lệ Ngọc đã cố gắng dàn dựng một vở diễn sạch sẽ, sang trọng, đổi mới và hướng đến cả khán giả nhí lẫn người lớn.
Ê-kíp thực hiện vở diễn và chị đã chủ động mời các diễn viên nhí tham gia vở diễn. Đây là các hạt nhân được chọn từ các cuộc thi tài năng trẻ mà các nghệ sĩ sân khấu Lệ Ngọc làm giám khảo. Sự tham gia của các diễn viên nhí ở một vài phân cảnh rất được khán giả nhỏ tuổi đón nhận.
Những vai chính: Tấm trẻ con, Cám trẻ con được hai diễn viên nhí Tuệ Lâm và Như Khôi diễn rất hồn nhiên, sinh động và hài hước. Sự thành công của vở diễn cũng phải kể đến sự đổi mới về nghệ thuật tương tác với khán giả. Đó là các nhân vật trên sân khấu thi thoảng lại thoát ra khỏi vai kịch, hỏi han những câu hài hước, gây phấn khích khiến khán giả nhí cùng đồng thanh trả lời.
Cách gây hiệu ứng lan truyền niềm vui thưởng thức này đã khiến khán phòng òa vỡ những tiếng cười giòn giã.
Sân khấu Lệ Ngọc là đơn vị kịch nói xã hội hóa đầu tiên ở Hà Nội. Ra đời và làm nghề trong bối cảnh sân khấu phải đương đầu với sự cạnh tranh khán giả với nhiều loại hình giải trí khác, đội ngũ nghệ sĩ luôn xác định bản thân họ phải có cái để diễn thì mới có cái để thu hút khán giả đến xem.
Trong bối cảnh đó, các sân khấu vẫn thiếu tác phẩm hay, có thể thỏa mãn nhu cầu và thị hiếu thưởng thức của khán giả thiếu nhi.
Thế nên, cũng dễ hiểu trước tâm trạng nuối tiếc của NSND Lệ Ngọc khi chị chia sẻ: “Tôi thực sự rất hạnh phúc, mấy ngày nay luôn có điện thoại của các cơ quan đặt mua vé “Tấm Cám”. Tiếc là chúng tôi không có rạp để diễn, phải thay phiên diễn ở các rạp ở Hà Nội nên không thể sắp xếp vì các buổi diễn đã kín theo hợp đồng.
Có trường tiểu học muốn chúng tôi diễn phục vụ 1.600 học sinh tại rạp Hồng Hà với 3 suất diễn trong buổi sáng. Chúng tôi tiếc lắm, không thể đáp ứng vì chỉ diễn được 2 suất”.