Trạm Phù Liễn được thế giới vinh danh là Trạm khí tượng trên 100 năm
Với hơn 119 năm tồn tại, duy trì hoạt động liên tục, năm 2019 Đài khí tượng Phù Liễn (quận Kiến An, TP Hải Phòng) được Tổ chức Khí tượng thế giới công nhận là Trạm khí tượng trên 100 năm.
Nơi lưu giữ nhiều dấu ấn
Đồi Thiên văn - địa danh mà bất cứ người dân nào ở tỉnh lỵ Kiến An (nay là quận Kiến An, TP Hải Phòng) đều biết và tự hào. Hơn 1 thế kỷ trước, người Pháp đã xây dựng trên quả đồi cao nhất trạm khí tượng đầu tiên của cả khu vực Đông Dương mang tên Trạm khí tượng Phù Liễn. Kể tử đó, ngọn đồi này được người dân nơi đây mặc định đặt tên là Đồi Thiên văn. Con đường lên Đài khí tượng Phù Liễn quanh co uốn lượn theo độ cao dần để tới một trong những công trình nghiên cứu khí tượng thủy văn cổ nhất thế giới.
Cuối tháng 3/2019, Đài khí tượng Phù Liễn được Tổ chức Khí tượng thế giới công nhận là Trạm khí tượng trên 100 năm. Đây là công trình duy nhất của Việt Nam và là một trong gần 100 công trình trên thế giới được công nhận là Trạm khí tượng hơn 100 năm. Đài khí tượng Phù Liễn cũng nằm trong top 100 công trình tiêu biểu nhất tại Việt Nam được xây dựng từ thời Pháp thuộc.
Theo những văn bản còn lưu giữ thì năm 1899, Hội đồng tối cao Đông Dương đã nhất trí thông qua việc nghiên cứu và lựa chọn Phù Liễn (Kiến An) làm nơi đặt trụ sở của Đài Khí tượng Trung ương Đông Dương. Ngày 25/4/1900, tòa nhà chính của Sở Khí tượng Trung ương Đông Dương đã được xây dựng trên cơ sở thiết kế của kiến trúc sư M.Lichtenfelder cùng sự hướng dẫn và giúp đỡ của ông M.Ferra. Đến năm 1906, Trạm Khí tượng Phù Liễn mới chính thức bắt đầu thực hiện hoạt động quan trắc lấy số liệu về nhiệt độ, độ ẩm, khí áp, lượng mưa, hướng và tốc độ gió. Chính vì vậy, Trạm Khí tượng Phù Liễn không chỉ là trạm quan trắc lâu đời, mà còn là nơi lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử phát triển của ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam cũng như thế giới.
Đây được coi là công trình khí tượng xây dựng sớm nhất Đông Dương với tên gọi là Tổng cục Thiên văn xứ Đông Pháp. Năm 1957, mang tên Đài Vật lý địa cầu Phù Liễn, năm 1979 đổi tên thành Đài khí tượng thuỷ văn Phù Liễn, TP Hải Phòng và từ năm 1995 là Đài khí tượng thủy văn khu vực Đông Bắc.
Từ khi xây dựng, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đông Bắc có kính thiên văn quang học cỡ lớn và hiện đại nhất Đông Dương, 9 trạm khí tượng, khí hậu và khí tượng nông nghiệp trực thuộc Đài; 10 trạm thủy văn đo mức nước lưu lượng, độ mặn và một đội khảo sát thủy văn.
Toàn bộ công trình Đài khí tượng thủy văn khu vực Đông Bắc được xem như một quần thể kiến trúc hiện đại, chia thành khu làm việc trung tâm và khu biệt thự cho sinh hoạt. Tòa chính là một lâu đài xây bằng đá xanh, phần giữa gồm hai tầng, cấu trúc thành một hội trường trang trọng thông với hai đường hành lang được cấu tạo thành các phòng đặt máy khí tượng. Phần hậu là một tháp cao 6 tầng có cầu thang xoáy, trên đỉnh tháp đặt kính kinh vĩ dùng để hiệu chỉnh giờ cho địa phương; tòa nhà nhỏ hơn ở phía Bắc gồm hai tầng, 8 phòng để làm việc và nghiên cứu khoa học.
Chia sẻ tại buổi lễ vinh danh Đài khí tượng Phù Liễn là trạm khí tượng trên 100 năm, PGS.TS. Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Việt Nam cho biết: “Với tình cảm trân trọng dành cho những thế hệ tiền bối đã từng bước phát triển mạng lưới quan trắc và các hoạt động dự báo, cảnh báo thiên tai, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã lựa chọn Đài khí tượng Phù Liễn và xây dựng hồ sơ đăng ký “Trạm khí tượng trên 100 năm của Tổ chức Khí tượng thế giới” và đã được Tổ chức Khí tượng thế giới công nhận vào tháng 6/2018”.
Trạm khí tượng Phù Liễn
Tiếp nối sự nghiệp đóng góp cho ngành khí tượng
Từ thời Pháp thuộc tới nay, các thế hệ cán bộ Đài khí tượng Phù Liễn luôn thực hiện một nhiệm vụ cao cả duy nhất là hàng ngày nghiên cứu, phân tích đưa ra các dự báo khí tượng phục vụ nhân dân và các nhiệm vụ khác. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, Trạm khí tượng Phù Liễn đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí như: Được xây dựng ít nhất 100 năm; có hoạt động liên tục ít nhất một yếu tố khí tượng tính từ khi bắt đầu hoạt động đến nay và đang hoạt động bình thường tính đến thời điểm đề cử; trạm được quan trắc, vận hành theo tiêu chuẩn của Tổ chức Khí tượng thế giới; có bộ dữ liệu lịch sử, có tọa độ địa lý thực tế, hoặc có nguồn gốc cụ thể gồm độ cao, thành phần khí tượng được xác định và đơn vị khí tượng, cũng như lịch trình quan trắc.
Để duy trì hoạt động của Đài khí tượng Phù Liễn là công lao đóng góp liên tục của các thế hệ cán bộ, kỹ sư của đài trong suốt hơn 100 năm qua. GS. Nguyễn Đức Ngữ, 82 tuổi, nguyên quan trắc viên của Trạm khí tượng Phù Liễn, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn giai đoạn 1991-1999 cho biết: “Đây là trạm khí tượng thủy văn có lịch sử lâu đời nhất ở Việt Nam. Trạm Khí tượng này có giai đoạn còn đóng vai trò quan trắc khí tượng cho 3 nước Đông Dương: Việt Nam, Lào, Campuchia. Trước đây trạm khí tượng này đơn sơ, chỉ có thiết bị quan trắc khí tượng và thiết bị quan trắc từ trường, mãi sau này mới có thêm thiết bị quan trắc thiên văn, máy đo địa chấn, trạm đo động đất. Hơn 100 năm qua, máy móc thiết bị có thể thay đổi nhưng những nguyên tắc, đặc tính của nghề thì vẫn giữ nguyên. Công việc đòi hỏi mỗi cán bộ, kỹ sư, công nhân viên luôn phải tuân theo nguyên tắc cẩn thận, tỉ mỉ từ khâu quan trắc, phân tích, nghiên cứu để đưa ra những dự báo chính xác nhất”.
Một góc trạm Phù Liễn
Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Việt Nam Trần Hồng Thái cho biết: “Ngày nay, Đài Khí tượng Phù Liễn còn có trạm rađa thời tiết Phù Liễn đang tiếp tục cùng hệ thống mạng lưới khí tượng thủy văn thực hiện các nhiệm vụ quan trắc và giám sát khí tượng thủy văn phục vụ công tác dự báo, cảnh báo và điều tra cơ bản góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra ở khu vực Đông Bắc”.
Trong nhiều năm qua, đài thực hiện tốt nhiệm vụ theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết khí hậu thuỷ văn của các tỉnh khu vực Đông Bắc, dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: Bão, lũ, áp thấp nhiệt đới... cung cấp số liệu cho bản tin dự báo thời tiết tổng hợp quốc gia, thu phát tin dự báo khí tượng thủy văn tới các đài khí tượng tại Lào, Campuchia và các trạm khí tượng quốc tế trong khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương để lập biểu, bản đồ thời tiết phục vụ hoạt động giao thông hàng hải trên biển Đông. Đồng thời, tích lũy số liệu nghiên cứu khí hậu nhằm góp phần mở mang ruộng đất, trồng cây nhiệt đới, nghiên cứu khí hậu và khí hậu nông nghiệp, động đất, quản lý giờ...