Ông Antonio Guterres kêu gọi “một nỗ lực toàn diện để chấm dứt những phát ngôn thù hận trên toàn cầu”.
Tổng thư ký UN nói “sự bài ngoại đã tăng lên trên mạng và đường phố, các thuyết âm mưu bài Do thái đã lan truyền và các cuộc tấn công chống Hồi giáo liên quan tới Covid-19 đã xảy ra”.
Người đứng đầu UN nói rằng người nhập cư và người tị nạn “đã bị cho là nguồn lây nhiễm virus và sau đó từ chối cho họ tiếp cận điều trị y tế”.
“Khi người cao tuổi nằm trong số những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, đã có những ý tưởng tồi tệ cho rằng họ là những người gây tốn kém nhất” – ông nói – “các nhà báo, người thổi còi, chuyên gia y tế, nhân viên cứu trợ và người bảo vệ nhân quyền đang bị nhắm mục tiêu chỉ vì họ làm công việc của mình”.
Ông Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị thể hiện sự đoàn kết với tất cả mọi người, kêu gọi các cơ sở GD tập trung vào việc “xóa mù về kỹ thuật số” vào thời điểm “những kẻ cực đoan đang tìm cách nhắm vào những người bị cách ly và có khả năng tuyệt vọng”.
Ông kêu gọi truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội, “loại bỏ phân biệt chủng tộc, coi thường phụ nữ và những nội dung độc hại khác”, kêu gọi xã hội tăng cường tiếp cận với những người dễ bị tổn thương và kêu gọi các nhân vật tôn giáo hãy “làm gương về sự tôn trọng lẫn nhau”.
“Tôi kêu gọi mọi người, mọi nơi đứng lên chống lại sự thù ghét, đối xử với nhau bằng sự nhân ái và tận dụng mọi cơ hội để lan tỏa lòng tốt” – ông Guterres nói.
Tổng thư ký UN nhấn mạnh Covid-19 “không quan tâm chúng ta là ai, sống ở đâu, tin vào điều gì hay có bất kỳ sự phân biệt nào”.
Ngày 23/4, ông Guterres cũng có thông điệp trong đó gọi đại dịch Covid-19 là “một cuộc khủng hoảng nhân đạo và mau chóng sẽ trở thành cuộc khủng hoảng nhân quyền”.
Khi đó ông Guterres nói rằng đại dịch đã chứng kiến “tác động không cân xứng đối với các cộng đồng nhất định, sự gia tăng ngôn từ kích động thù địch, nhắm mục tiêu vào các nhóm dễ bị tổn thương và nguy cơ khiến phản ứng mạnh tay về an ninh làm suy yếu phản ứng về y tế”.
Ông Guteress cảnh báo với sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa độc đoán và đẩy lùi nhân quyền tại một số nước, cuộc khủng hoảng có thể tạo ra cái cớ để áp dụng các biện pháp đàn áp vì các mục đích không liên quan đến đại dịch.
Hồi tháng 2, ông Guterres kêu gọi các nước, các doanh nghiệp và mọi người giúp đổi mới và khôi phục nhân quyền trên toàn cầu, đưa ra một kế hoạch gồm 7 điểm trong bối cảnh lo ngại về biến đổi khí hậu, xung đột và đàn áp.