'Ukraine phải đánh theo cách NATO nếu muốn thắng'

GD&TĐ -Theo Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace, Ukraine sẽ phải học cách chiến đấu hiệu quả với chi phí thấp nếu muốn chiếm lợi thế trước Nga.

HIMARS là một trong những vũ khí hạng nặng nhất Mỹ đã chuyển cho Ukraine.
HIMARS là một trong những vũ khí hạng nặng nhất Mỹ đã chuyển cho Ukraine.

Tuyên bố được ông Ben Wallace đưa ra trong cuộc trò chuyện với tờ Daily Telegraph của Anh, Quân đội Ukraine sẽ phải học cách sử dụng đạn tiết kiệm hơn, như quân đội của các nước NATO đã làm.

"Cách chiến đấu của Nga hiện nay là sử dụng đạn hạng nặng với hỏa lực pháo binh lớn. Chúng tôi ở phương Tây và NATO không bao giờ chiến đấu theo cách này.

Ukraine đang sử dụng một lượng lớn đạn dược để bảo vệ mình. Chúng tôi sẽ phải dạy họ cách sử dụng đạn theo mô hình phương Tây để tìm kiếm lợi thế trên chiến trường", Bộ trưởng Ben Wallace nói.

Vị Bộ trưởng Anh cho biết thêm rằng, cả Ukraine và Nga đều sử dụng lượng lớn đạn pháo từ khi chiến sự bùng phát cuối tháng 2/2022.

Mỗi ngày Nga bắn khoảng 20.000 viên đạn pháo, trong khi Ukraine khai hỏa gần 7.000 viên, thấp hơn đối phương nhưng vẫn nhiều hơn khả năng sản xuất và cung cấp của phương Tây.

Mỹ vừa phải trao 522 triệu USD tiền đặt hàng đạn pháo 155mm viện trợ Ukraine cho hai công ty vũ khí Northrop Grumman Systems và Global Military Products. Đợt giao hàng dự kiến bắt đầu từ tháng 3, nguồn tiền đến từ quỹ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine của Lầu Năm Góc.

Lục quân Mỹ thông báo chi hơn 1,5 tỷ USD cho hai thương vụ đạn pháo sau khi NATO thừa nhận tốc độ tiêu thụ đạn của Ukraine vượt xa năng lực sản xuất hiện tại của liên minh và vắt kiệt kho dự trữ của nhiều thành viên.

Các nước thành viên NATO viện trợ hàng tỷ USD vũ khí cho Ukraine từ khi chiến sự bắt đầu tháng 2/2022, trong đó Mỹ dẫn đầu với tổng hỗ trợ hơn 29,3 tỷ USD.

Giới chuyên gia phương Tây đánh giá chiến sự Nga - Ukraine đã bước vào giai đoạn tiêu hao, khiến các thành viên NATO chật vật để có đủ vũ khí nhằm củng cố năng lực quốc phòng của họ lẫn hỗ trợ Kiev.

Không quốc gia thành viên NATO nào ngoài Mỹ có kho vũ khí lớn cho trận đấu pháo quy mô lớn như chiến sự Nga - Ukraine, cũng như không có năng lực công nghiệp đủ để tạo nguồn dự trữ lớn như vậy.

Cùng với tiếp tục cung cấp đạn pháo cho Kiev, Lầu Năm Góc cũng vừa thông báo trong gói viện trợ quân sự mới Mỹ dành cho Ukraine có Bom đường kính nhỏ Phóng từ Mặt đất (GLSDB). "Vũ khí mới mang lại cho họ khả năng tập kích tầm xa hơn", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Patrick Ryder nói.

GLSDB là loại đạn kết hợp giữa rocket M26 và bom đường kính nhỏ GBU-39, có thể phóng từ bệ mặt đất như Tổ hợp Pháo phản lực Phóng loạt M270 (MRLS) và Tổ hợp Pháo phản lực Cơ động cao M142 (HIMARS).

Được thiết kế với tầm bắn lên tới 150km, GLSDB được cho là có thể đánh trúng các vị trí của Nga nằm xa sau chiến tuyến tại vùng Donbass, tỉnh Zaporizhzhia và Kherson cũng như phía bắc bán đảo Crimea.

Giới quân sự Mỹ đánh giá có thể mất 9 tháng để lô GLSDB đầu tiên tới Ukraine. Hiện Lầu Năm Góc và Boeing - một trong hai công ty chế tạo GLSDB từ chối bình luận về thời gian giao hàng.

Lầu Năm Góc công bố gói viện trợ mới trong bối cảnh giao tranh dữ dội giữa Ukraine và Nga diễn ra dọc theo chiến tuyến.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố lô vũ khí mới sẽ giúp Ukraine tự vệ trước Nga, đồng thời khẳng định Washington tiếp tục đoàn kết với Kiev tới khi Moscow kết thúc chiến dịch quân sự đặc biệt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ