Ngành công nghiệp châu Âu sẽ không thể đáp ứng nhu cầu về đạn pháo của Ukraine cho đến khi chính phủ các nước châu Âu tăng ngân sách cần thiết để tăng gấp đôi năng lực sản xuất - người đứng đầu công ty quốc phòng Đức Rheinmetall là ông Armin Papperger cho biết.
“Tôi cần đơn đặt hàng. Không có chúng, tôi sẽ không sản xuất được gì. Ngành công nghiệp quốc phòng không phải là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu đạn dược. Ngành công nghiệp này có thể cung cấp những gì cần thiết” - ông Papperger nói trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Mỹ Bloomberg.
Theo ông Papperger, việc chính phủ các nước chậm phê duyệt các đơn đặt hàng đạn pháo có nghĩa là trong năm 2023 tập đoàn này chỉ hoạt động với 2/3 công suất thực về sản xuất vỏ đạn.
Trước đó, tờ Financial Times của Anh dẫn thư của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Aleksey Reznikov gửi các đồng nghiệp ở các nước trong khối, đưa tin về việc chính quyền Kiev kêu gọi các nước Liên minh châu Âu gửi cho nước này 250.000 quả đạn pháo mỗi tháng.
Tuy nhiên, ông theo Papperger cũng thừa nhận rằng, ngoài việc chính phủ các nước không chịu phê duyệt các đơn hàng đạn pháo cho Ukraine, khối lượng lớn như vậy cũng sẽ khó được sản xuất mỗi tháng.
Đạn pháo L15A1 HE của công ty Rheinmetall hiện có giá 3300 euro/quả. |
Ông Papperger cũng nêu nhu cầu của doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của nhà nước, bởi đây là một dự án an ninh quốc gia. “Chúng tôi không thể tự tài trợ cho nó. Chúng tôi cần sự hỗ trợ của chính phủ” - ông Papperger nói.
Trong thời gian qua, cuộc xung đột ở Ukraine đang tạo ra một cuộc khủng hoảng trong chuỗi cung ứng vũ khí của châu Âu khi ngành công nghiệp quốc phòng các nước không thể đẩy mạnh sản xuất để bổ sung kho dự trữ quốc gia của chính họ sau khi đã chuyển hết vũ khí dự trữ trong kho cho Kiev.
Ông Morten Brandtzaeg, giám đốc điều hành của công ty sản xuất đạn dược Na Uy Nammo cho biết trong một tuyên bố rằng, quân đội Ukraine bắn 5.000-6.000 quả đạn pháo mỗi ngày (150.000-180.000 quả mỗi tháng), tương đương với lượng đặt hàng cả năm trời trong thời bình từ một quốc gia châu Âu.
Do đó, ông Morten Brandtzaeg chỉ rõ rằng, việc các doanh nghiệp vũ khí châu Âu đẩy mạnh sản xuất để tăng số lượng đạn pháo đáp ứng đủ yêu cầu của Ukraine là điều hết sức khó khăn, thực sự là một sự thách thức của năng lực sản xuất.
Bên cạnh đó, giá đạn pháo của các nước châu Âu hiện nay cũng vô cùng đắt đỏ, đắt gấp đôi so với thời điểm năm 2020-2021.
Hiện nay, giá một quả đạn pháo L15 155mm do Tập đoàn chế tạo vũ khí Đức Rheinmetall sản xuất có giá lên tới 3,3 nghìn euro (hơn 3500 USD/quả).
Như vậy, để cung cấp mỗi tháng cho Ukraine số lượng đạn pháo 250.000 quả, các chính phủ châu Âu cần phải chi ra tới 875 triệu USD.
Đây là số tiền quá lớn mà không quốc gia châu Âu nào muốn chi ra, trong bối cảnh chính họ cũng đang thiếu đạn pháo trong kho dự trữ của mình.