UBND huyện Quốc Oai yêu cầu xác minh thông tin “lạm thu” ở trường Tiểu học Phú Cát

GD&TĐ - Nhận được phản ánh của một số phụ huynh có con đang theo học ở trường Tiểu học Phú Cát – xã Phú Cát – huyện Quốc Oai – Hà Nội về việc nhà trường này áp đặt nhiều khoản thu không đúng quy định, Báo Giáo dục và Thời đại đã tiến hành xác minh, đồng thời gặp gỡ Hiệu trưởng của trường là bà Nguyễn Thị Liên nhằm làm rõ những thông tin mà bạn đọc phản ánh.

Trường Tiểu học Phú Cát.
Trường Tiểu học Phú Cát.

Trong đơn thư, phụ huynh phản ánh cho biết: Từ năm 2013 đến 2017 với cương vị là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Cát, bà Nguyễn Thị Liên đã và đang chỉ đạo triển khai cho các giáo viên chủ nhiệm trực tiếp thu các khoản sai quy định lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Mặc dù xã Phú Cát là địa phương thuộc vùng bán sơn địa, kinh tế còn gặp khăn. Số tiền mỗi năm học sinh phải đóng theo yêu cầu của nhà trường cho các khoản thu đầu năm là rất lớn và đang là gánh nặng cho những gia đình có con theo học tại đây.

Theo đơn thư phản ánh của phụ huynh thì trường yêu cầu nộp các khoản: Sổ liên lạc điện tử: 50.000 đồng/học sinh; mua ô dù để khai giảng: 45.000 đồng/học sinh; tiền điện 10.000/học sinh; Học tiếng Anh 2 tiết/tuần: 50.000 đồng/tháng/học sinh; tiền điện, tiền vệ sinh và tiền quỹ phụ huynh: 150.000 đồng/học sinh; trang trí lớp học: 1.500.000/ lớp học; kẻ bảng lớp học 20.000/học sinh; váy phục vụ văn nghệ: 30.000 đồng/học sinh; thẻ ra vào trường: 25.000 đồng/học sinh (90% thẻ hỏng nhưng không được chỉnh sửa, thậm chí có nhiều học sinh không có thẻ).

Bà Nguyễn Thị Liên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Cát.
Bà Nguyễn Thị Liên  - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Cát.

Được biết, trường Tiểu học Phú Cát hiện có 31 lớp học với tổng số 901 học sinh ở 3 điểm trường.

Trước những thông tin nêu trên, khi trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Liên – hiệu trưởng trường Tiểu học Phú Cát. Bà Liên nói rằng, đến thời điểm này chưa có một phụ huynh nào phản ánh vấn đề gì (?).

Giải thích về các khoản lạm thu được nêu trong đơn, bà Liên khẳng định: “Tiền điện tôi không thu, không thu một đồng nào. Nói về nguyên tắc thì nhà nước không cho thu tiền vệ sinh, nhưng phụ huynh học sinh yêu cầu nên phụ huynh tự thu tiền điện, tiền vệ sinh và tiền quỹ phụ huynh là 150.000 đồng/học sinh”.

Trả lời về việc trong đơn thư phụ huynh nêu rằng: Nhiều học sinh đóng tiền làm thẻ học sinh, nhưng không có thẻ, bà Liên cho rằng: “Không phải là không có mà là học sinh đánh mất nhiều. Năm 2014, 2015 là mình có xin phụ huynh làm cái thẻ cho học sinh để khi đi khám bệnh sẽ dễ dàng hơn và năm đó cũng để đón trường chuẩn quốc gia. Nên mình nghĩ làm thẻ là hợp lý chứ không có gì là sai và làm thẻ trong năm 2014, 2015  mỗi học sinh thu 25.000 đồng/học sinh sử dụng trong 1 năm. Bắt đầu từ năm 2016, 2017 là không thu nữa”.

Về khoản tiền thu trang trí lớp học. Bà Liên cho biết: “Mình xin phụ huynh học sinh từ cuối năm để trang trí mỗi khu chính không phải trang trí ở cả 3 điểm trường.  Xã hội hóa trong công tác trang trí để đầu năm vào lớp học khang trang chứ không thì phải đợi đến năm sau mới xin làm. Việc xin tiền này thông qua họp phụ huynh cuối năm, và tiền đó của năm học 2016-2017 chứ không phải là tiền của năm học 2017-2018. Có một số cô đã triển khai đến phụ huynh học sinh từ cuối năm ngoái nhưng có một số cô quên nhắc nhở phụ huynh nên các cô chuyển sang đầu năm nay chứ không phải dự kiến đó là của năm nay”.

Còn về tiền thu để kẻ bảng cho lớp học, bà Liên cho biết: “Tôi chỉ yêu cầu mỗi lớp thu 300.000 đồng/lớp để kẻ bảng chứ không phải yêu cầu mỗi học sinh là phụ huynh nộp 20 nghìn đồng”.

“Còn khoản tiền 1.500.000 đồng/lớp để trang trí lớp học, khoản trang trí đó bao gồm lắp 2 bảng biểu ngữ, mua một ảnh Bác. Còn việc thu 20 nghìn đồng để kẻ bảng là tôi không biết. Bản thân tôi chỉ yêu cầu thu mỗi lớp là 300.000 đồng để kẻ bảng, còn nội dung thu 20 nghìn trên 1 học sinh là tôi không biết”, bà Liên nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, trong biên bản họp phụ huynh không có nội dung nộp tiền kẻ bảng là do phụ huynh học sinh lúc sinh hoạt không đưa vào, còn về phần tôi, tôi luôn nhắc nhở các thầy cô chủ nhiệm lưu tâm vấn đề này.

Quá trình trao đổi, bà Liên cũng nhiều lần khẳng định rằng, tất cả các khoản thu nêu trên với phụ huynh đều có văn bản, được sự đồng ý của phụ huynh và ký rõ ràng.

Tuy nhiên, khi PV xin bà Liên cung cấp hồ sơ, văn bản được sự đồng ý của phụ huynh về các khoản thu nêu trên thì bà Liên từ chối và hẹn đến giờ chiều văn thư đến sẽ báo chụp và gửi lại.

Nhưng sau lời hứa trên, chúng tôi chờ đợi đã gần nửa tháng  nhưng vẫn không nhận được các tài liệu như bà Liên đã hứa sẽ cung cấp để chứng minh cho những điều bà trao đổi với PV là có căn cứ.

Vụ việc nêu trên đã được trao đổi với lãnh đạo địa phương. Được biết, ngày 30/11/2017 Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai, TP.Hà Nội đã có công văn số 2397/UBND-PV về việc kiểm tra, giải quyết vấn đề Trường Tiểu học Phú Cát bị tố “lạm thu”.

UBND huyện đề nghị Phòng GD-ĐT huyện Quốc Oai chủ trì, phối hợp với Phòng Tài chính – Kế hoạch kiểm tra, xác minh và làm rõ những vấn đề mà báo chí nêu, tham mưu cho UNBD huyện hướng xử lý. Thời gian hoàn thành báo cáo trước ngày 12/12/2017, UBND huyện Quốc Oai yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc nội dung này.

Báo Giáo dục và Thời đại sẽ tiếp tục cập nhật thông tin sự việc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ