Tỷ số sinh thấp: Mừng hay lo

GD&TĐ - Nhờ công tác dân số, 25 năm qua, Việt Nam đã tránh sinh được hơn 27 triệu người, giúp các gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, chăm lo cho con cái tốt hơn. 

Tỷ số sinh thấp: Mừng hay lo

Tuy nhiên, bên cạnh địa phương duy trì mức sinh ổn định, xu hướng mức sinh thấp đang hiện hữu ở nhiều tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Các chuyên gia cảnh báo, nếu mức sinh thấp kéo dài sẽ gây ra hệ lụy khôn lường, thậm chí còn nguy hiểm hơn cả việc sinh nhiều con.

Bức tranh nhiều màu

Theo thống kê của Bộ Y tế, dân số nước ta ước khoảng 93,4 triệu người. Nhiều năm qua, nhờ việc kiểm soát mức sinh nên tốc độ gia tăng dân số trong khoảng 1%. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức 113 trẻ trai/100 trẻ gái. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, nhờ chính sách dân số phù hợp, số con trung bình của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ giảm từ 5,6 xuống còn 2,09 con.

Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai tăng từ 37% năm 1988 lên 67% năm 2016. Việc duy trì mức sinh hợp lý góp phần giảm tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh. Cụ thể, các chỉ số sức khỏe như tử vong mẹ giảm từ 233/100.000 trẻ sơ sinh những năm 1990 xuống còn 69/100.000 năm 2009 và 58,3/100.000 năm 2016. Dân số ổn định cũng tạo điều kiện cho các gia đình chăm sóc tốt hơn cho nhóm đối tượng trẻ em và người cao tuổi.

Việc duy trì mức sinh hợp lý trong nhiều năm là tín hiệu đáng mừng nhưng hiện ở nhiều nơi, tình trạng mức sinh đang có dấu hiệu giảm dần. Theo thống kê, vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp hơn nhiều so với trung bình cả nước (1,5-1,6 con/phụ nữ).

Điển hình như Đồng Tháp (1,57 con), Cà Mau (1,62 con), Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu (1,7 con). Tại TP. HCM, số liệu mới nhất của Chi cục dân số thành phố, năm 2013, số con trung bình của một phụ nữ trong tuổi sinh đẻ là 1,48 và giảm xuống 1,45 vào năm 2015. So tỷ lệ sinh trung bình trên cả nước thì TP. HCM là nơi có mức sinh thấp nhất.

Một mảng màu trái ngược với các tỉnh khu vực phía Nam, những tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên vẫn trong cảnh “oằn mình” giảm mức sinh về mức thay thế. Tại các tỉnh như Hà Giang, Lai Châu, Đắk Lắk tình trạng sinh con phổ biến là 3 con, thậm chí có nơi người dân sinh đến 6-7 con.

Sinh đẻ không còn là chuyện riêng mỗi gia đình

Rõ ràng, người dân sinh nhiều con hay ít con đều ảnh hưởng đến quy mô dân số chung của cả nước, liên quan đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội cũng như việc cung cấp dịch vụ thiết yếu.Theo GS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, việc giảm mức sinh từ 3 con xuống mức sinh thay thế ở các tỉnh miền núi và Tây Nguyên là con đường dài thì việc tăng mức sinh ở khu vực phía Nam còn gian nan, vất vả hơn nhiều.

Phụ nữ sinh ít con về lâu dài gây thiếu lực lượng lao động, già hóa dân số. Đây là lý do khiến lãnh đạo TP. HCM kêu gọi các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ hãy sinh đủ 2 con để “vì đất nước và vì thành phố”. Còn theo GS Nguyễn Đình Cử, kinh nghiệm từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc cho thấy nếu để mức sinh giảm sâu quá sẽ khó phục hồi, thậm chí việc kéo mức sinh từ thấp về trung bình còn khó hơn nhiều lần so với việc kéo từ mức sinh cao xuống trung bình bởi mức sinh phụ thuộc nhiều vào trình độ phát triển kinh tế và khi kinh tế càng phát triển thì nhu cầu hưởng thụ tăng cao, người dân càng ngại sinh con.

Bài học từ các nước láng giềng và thực trạng mức sinh hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc chúng ta điều chỉnh chính sách dân số, để người dân tự quyết định số con của mình. Theo quan điểm của GS Nguyễn Đình Cử, chúng ta giữ vững mức sinh thay thế hơn chục năm qua chứng tỏ người dân hiểu về việc sinh con của mình, phương tiện tránh thai đã phổ biến.

Như vậy, nếu nới lỏng chính sách dân số, thế hệ trong độ tuổi sinh đẻ không vì thế sẽ sinh nhiều con hơn còn những nơi mức sinh cao thì làm chính sách mạnh tay hơn nữa cũng mất nhiều thời gian nữa mới về được mức sinh thay thế. Mặt khác, việc sinh nhiều hay ít con không liên quan đến chênh lệch giới tính khi sinh. Thực tế cho thấy, sự chênh lệch này diễn ra chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Hồng. Tại khu vực phía Nam, dù tỷ lệ sinh con ít nhưng mức chênh lệch giữa trẻ trai/gái lại không cao chứng tỏ sinh con trai do tâm lý, văn hóa chứ không liên quan đến số con.

3 phương án cho quy mô dân số nước ta:

-Tiếp tục duy trì tốc độ giảm sinh như hiện nay thì dự báo đến năm 2049, quy mô dân số đạt 99 triệu người.

-Trường hợp tiếp tục duy trì mức sinh như hiện nay, dân số sẽ đạt 105-110 triệu vào năm 2049.

-Phương án mức sinh cao, dân số tăng lên sau đó bắt đầu giảm xuống mức sinh thay thế và đạt 120 triệu vào năm 2049

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện trường vụ tổ hợp Litening rơi tại East Yorkshire, miền đông nước Anh.

Tiêm kích Typhoon bị 'mù' sau sự cố

GD&TĐ - Theo The Aviationist, chiến đấu cơ Typhoon của Không quân Anh đã gặp sự cố bất ngờ trong diễn tập khi để rơi tổ hợp chỉ thị mục tiêu Litening.