Giám đốc Trường và đối tác Hà Lan.
Từ người làm thuê thành tỷ phú
Suốt 10 năm ròng, anh Trường - chị Sim làm thuê cho các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp của Đài Loan đứng chân trên địa bàn huyện Đức Trọng (Lâm Đồng).
Không chỉ siêng năng, cần mẫn học nghề trồng rau, hoa, anh chị còn chịu khó học tiếng Anh. Quý mến đôi vợ chồng Việt cần cù, thật thà, các ông bà chủ nước ngoài đã giúp Trường xây dựng vườn trồng và xuất khẩu cây dược liệu Lạc Tiên, làm đại lý phân phối củ giống hoa ly ly của Hà Lan tại Lâm Đồng.
Từ những chuyến xuất ngoại sang Đài Loan và Hà Lan, anh Trường đã bén duyên với lan hồ điệp. Đến cuối năm 2012, vợ chồng anh tạo lập được nhà kính trồng hoa rộng 2.000m2 tại thị trấn Liên Nghĩa (Đức Trọng).
Công ty của anh Trường đã trồng thành công hơn 10 loài lan hồ điệp với màu sắc phong phú từ trắng, hồng, đỏ, vàng, tím, trắng lưỡi đỏ, trắng lưỡi vàng, đến các loài có đốm to, đốm nhỏ, sọc nằm ngang hoặc thẳng đứng…
Đa số các cành nở từ 8 - 10 hoa, trong đó không ít cành có 12 hoa. Mỗi năm cây trong chậu có thể trổ 3 lần hoa và một số giống có thể nở hoa quanh năm.
Làm chủ công nghệ trồng lan hồ điệp đã khó, tìm kiếm thị trường càng nan giải hơn. Ban đầu vợ chồng anh tất bật mang sản phẩm đi chào hàng ở nhiều doanh nghiệp kinh doanh hoa tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng…
Không ít công ty tìm đến mục sở thị nhà kính trồng hoa nhưng chỉ có một doanh nghiệp đến từ phương Nam đặt mua vài trăm chậu về bán thử.
Dần dà, một số doanh nghiệp từ phía Bắc cũng đến ký hợp đồng mua bán lan hồ điệp với Trường Hoàng. Mới năm đầu tiên (2013), anh Trường đã đầu tư trồng 130 ngàn chậu lan hồ điệp nhưng cung vẫn không đủ cầu.
Nhập thiết bị công nghệ và thuê chuyên gia nước ngoài
“Nắng nóng bất thường có nguy cơ làm cho 80% địa lan Đà Lạt - Lâm Đồng nở trước Tết Nguyên đán 2015. Điều kiện thời tiết này có ảnh hưởng xấu đến chất lượng hoa của công ty trong vụ Tết sắp tới không?”- Tôi hỏi.
“Không hề hấn gì. Công ty đang đầu tư chăm sóc lứa hoa cho vụ Tết, sẽ đưa ra thị trường khoảng 200.000 chậu lan hồ điệp đúng như kế hoạch ban đầu” - Giám đốc Trường khẳng định.
Anh Trần Đức Anh, quản lý bán hàng của công ty cho biết trang trại hoa được đầu tư đồng bộ với dây chuyền hoạt động khép kín từ các mái lợp nhà kính tự động điều hòa ánh sáng, che nắng, che mưa, đến hệ thống khay trượt trên giàn sắt thép không rỉ sét, hệ thống máy điều hòa nhiệt độ sao cho phù hợp từng giờ, từng phút với sự sinh trưởng của lan hồ điệp như đang trồng ở Đài Loan, quê hương của loài hoa này.
Các thông số được lập trình trên máy vi tính. Thiết bị công nghệ nhập về từ Hà Lan và do các chuyên gia giỏi của nước này lắp đặt, chuyển giao kỹ thuật vận hành…
Cùng với việc nhập cây giống từ Đài Loan, anh Trường đã mời hai chuyên gia của nước này về tận trang trại ở Lâm Đồng để dạy kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa cho nhân viên của công ty trong vòng từ 3-5 tháng.
Lan hồ điệp là loài hoa cao cấp, có giá trị kinh tế cao, tên khoa học là Phalaenopsis amabilis, hoa lớn, đẹp và bền.
“Lan hồ điệp khó tính lắm, đòi hỏi các yêu cầu sinh thái khắt khe và thiết bị cần thiết để chủ động điều tiết nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm môi trường thích hợp cho mỗi giai đoạn sinh trưởng khác nhau thì cây mới ra hoa được.Anh Trần Đức Anh cho biết thêm, đều đặn mỗi tháng doanh nghiệp bán từ 20.000 - 25.000 cành và chậu lan hồ điệp cho khách hàng ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, từ 40.000 - 50.000 củ giống hoa ly ly cho nông dân.
Công ty cũng đã xuất thử nghiệm 400 chậu lan hồ điệp sang Nga, 500 cành lan sang thị trường Úc và đang tiếp tục đầu tư mở rộng qui mô sản xuất, tăng sản lượng để đẩy mạnh xuất khẩu lan hồ điệp sang một số nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho biết, mô hình trồng hoa công nghệ cao của Trường Hoàng phù hợp với chủ trương và quy hoạch phát triển của địa phương nên tỉnh đã chấp thuận cho công ty này triển khai dự án mở rộng trang trại trồng rau hoa và đầu tư nhà máy sơ chế tại các huyện Đức Trọng và Đơn Dương.