Tỷ lệ nhiễm Covid-19 trong trường học rất thấp, chuyên gia khuyến nghị mở cửa trường

GD&TĐ - Từ thực tế triển khai dạy học trực tiếp thời gian qua cho thấy tỷ lệ nhiễm Covid-19 trong trường học là rất thấp. Từ đó, các chuyên gia khuyến nghị nên nhanh chóng có biện pháp mở cửa trường học một cách an toàn.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phát biểu tại hội thảo.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phát biểu tại hội thảo.

Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong trường thấp hơn trong cộng đồng, gia đình

Tại Hội nghị toàn quốc về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong cơ sở giáo dục sáng 19/1, báo cáo tình hình phòng, chống dịch Covid-19 và công tác tổ chức dạy học tại các địa phương, ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Ở đợt bùng dịch thứ tư, toàn ngành Giáo dục có hơn 130.000 cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên nhiễm Covid-19. Đến 18/1, chỉ còn gần 4.800 người đang điều trị.

Đối với thành phố Hồ Chí Minh, theo thống kê của sở Giáo dục và Đào tạo, số lượng học sinh từ khối 7 đến khối 12 đi học trực tiếp đạt tỷ lệ 98,48%. Qua 20 ngày tổ chức học trực tiếp có 130 trường hợp nhiễm là giáo viên, nhân viên và học sinh. Tất cả các trường hợp đã được xử lý theo kịch bản xây dựng nên việc dạy và học tại các trường vẫn triển khai dạy học bình thường. Theo kế hoạch TP.HCM sẽ đánh giá và cho học sinh mầm non đi học trở lại toàn thành phố từ tháng 2/2022.

Khẳng định nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong trường học là rất thấp, thấp hơn nguy cơ trong cộng đồng và các gia đình - theo kết luận mà Hoa Kỳ có được từ báo cáo tổng quan nghiên cứu khoa học của các nước trên thế giới về mở cửa trường học, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến nghị các địa phương nên mở cửa trường học.

“Việc cho trẻ em đi học trở lại là rất cấp thiết, vì học online quá lâu sẽ ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần của trẻ” - PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh.

Chuyên gia này chỉ ra nhiều tiền đề quan trọng giúp Việt Nam có thể mở rộng cho học sinh đi học trực tiếp. Đó là những kinh nghiệm trong hơn 2 năm phòng chống dịch; các điều kiện về chữa bệnh, phòng bệnh Covid-19 cũng đã tốt hơn; ý thức và năng lực thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân, cộng đồng của người dân nâng lên; tỷ lệ phủ vắc xin tạo miễn dịch cộng đồng của Việt Nam thuộc nhóm 6 nước cao nhất thế giới…

PGS.TS. Phạm Mạnh Hà phát biểu tại hội thảo.
PGS.TS. Phạm Mạnh Hà phát biểu tại hội thảo.

Quyết định cho học sinh trở lại trường học là vì quyền lợi các em

“Quyết định cho học sinh trở lại trường học là vì quyền lợi các em. Rủi ro khi học sinh nghỉ học còn lớn hơn rất nhiều so với khi các em được đi học” - bà Simone Vis nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Simone Vis - Trưởng Chương trình giáo dục UNICEF tại Việt Nam cho biết, tổ chức này có bằng chứng rõ ràng cho việc học sinh ở nhà kéo dài vì dịch bệnh đã bị ảnh hưởng lớn về thể chất, tinh thần, chất lượng học tập… Tình trạng bạo lực gia đình, tảo hôn… gia tăng. Do đó, một trong những trọng tâm mà Liên hợp quốc đặt ra là phải đưa học sinh quay lại học bình thường và phục hồi những gì thiếu hụt khi các em phải ở nhà học trực tuyến.

Dẫn chứng về sức ảnh hưởng nặng nề của việc học sinh không được đến trường mà ở nhà học trực tuyến, PGS.TS. Phạm Mạnh Hà (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, tỷ lệ học sinh, sinh viên đến thăm khám và điều trị các vấn đề về sức khoẻ tâm thần tăng vọt, chiếm 30%, theo thống kê gần đây của Bệnh viện Sức khoẻ tâm thần. Nghiên cứu của Đại học Quốc gia TP HCM cũng cho thấy 56,8% sinh viên thiếu tập trung và không hứng thú học tập; 48% thấy tự ti, mất phương hướng; 56,2% bị rối loạn giấc ngủ; 35,7% thấy tính tình thay đổi, hay cáu gắt, lo lắng không lý do.

PGS.TS. Phạm Mạnh Hà cho rằng, cần có lộ trình đưa học sinh, sinh viên sớm quay lại trường học; cần triệt để đổi mới phương thức học tập từ 100% học trực tiếp hoặc 100% học online sang hình thức dạy học kết hợp.

Cùng với đó, cần có hướng dẫn cụ thể về tổ chức hoạt động giáo dục, vừa bảo đảm các nội dung chuyên môn, đồng thời bảo đảm phòng chống dịch; xây dựng các kịch bản trong trường hợp phát hiện các ổ dịch trong trường học để nhanh chóng xử lý mà không làm gián đoạn việc học tập.

Cuối cùng, xây dựng lại hệ thống kiểm tra, đánh giá để bảo đảm đánh giá đúng năng lực người học trong cả phương thức học trực tiếp, trực tuyến hay học tập kết hợp, tránh được gian lận trong thi cử và các hình thức biến tướng khác. Tăng cường các hoạt động dịch vụ tâm lý, công tác xã hội học đường để hỗ trợ học sinh gặp khó khăn tâm lý, tư vấn phụ huynh đồng ý để học sinh đến trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ