Ước tính, có hơn 300 triệu người trên thế giới mắc rối loạn trầm cảm. Đáng lo ngại, tỷ lệ mắc trầm cảm ở lứa tuổi vị thành niên ở nước ta ngày càng tăng.
Theo WHO, trầm cảm là nguyên nhân hàng thứ 3 của gánh nặng bệnh tật trên toàn thế giới trong năm 2004 và sẽ chuyển sang vị trí dẫn đầu vào năm 2030. Tỷ lệ tử vong được tiêu chuẩn hóa do tự sát ở bệnh nhân trầm cảm tái diễn là 20,9 ở nam và 27,0 ở nữ. Tức là các bệnh nhân nam và nữ mắc trầm cảm có nguy cơ tự sát hoàn thành cao gấp 20,9 và 27 lần so với quần thể dân số chung.
Trên thế giới, tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 đối với lứa tuổi 15 - 29, chỉ sau tai nạn giao thông. Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), trung bình mỗi ngày, có khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử. Tại Việt Nam, tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên cũng đang ngày càng tăng. Nguyên nhân dẫn đến tự tử ở lứa tuổi này phần lớn là do trầm cảm.
BSCKII. Nguyễn Thị Ái Vân - Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Trầm cảm là một rối loạn tâm thần thường gặp, biểu hiện bằng cảm xúc buồn, mất quan tâm thích thú, giảm năng lượng, cảm giác tội lỗi hoặc đánh giá thấp bản thân, rối loạn giấc ngủ và ăn uống, kém tập trung”.
Theo chuyên gia này, bệnh kéo dài và tái diễn, làm ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như chức năng của người bệnh. Ước tính, có hơn 300 triệu người trên thế giới mắc rối loạn trầm cảm. Tuổi khởi phát rối loạn trung bình là 18. Tuy nhiên, tại nước ta, tỷ lệ người mắc bệnh trên 15 tuổi ngày càng tăng.
Khoa Sức khoẻ vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành nghiên cứu về các rối loạn tâm lý ở học sinh tại một số trường trung học cơ sở tại Hà Nội (từ lớp 6 đến lớp 9). Kết quả cho thấy, các biểu hiện lo âu ở trẻ chiếm tỷ lệ 38%, tiếp theo là stress với 33% và trầm cảm là 26,1%.
Theo chuyên gia, trầm cảm ở lứa tuổi học đường có thể do nhiều nguyên nhân. Về mặt sinh học có thể là do di truyền, thay đổi nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh, thay đổi cấu trúc giải phẫu não bộ hay thay đổi nồng độ hormone.
Bên cạnh đó, còn có các nguyên nhân về tâm lý xã hội. Trẻ có thể bị áp lực từ cuộc sống, gia đình, xã hội.
Bác sĩ Nguyễn Minh Quyết - Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương nhấn mạnh, trầm cảm hiện tại là rối loạn có thể điều trị ổn định được. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu trầm cảm, gia đình nên đưa con đến thăm khám với bác sĩ chuyên khoa tâm thần.
Cần có sự tham gia hỗ trợ của nhà trường trong việc phát hiện sớm, giáo dục kiến thức, liên kết gia đình và các nhà chuyên môn trong thăm khám, chẩn đoán cũng như điều trị cho trẻ có các vấn đề sức khỏe tâm thần, trong đó có trầm cảm.