Con số giật mình về bệnh trầm cảm

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO/OMS) cứ 20 người lớn sẽ có một người liên quan đến bệnh lý này...

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Bệnh trầm cảm tuy không rầm rộ, cấp tính đáng sợ nhưng hậu quả của nó cũng là điều rất đáng lo lắng khi trung bình mỗi năm trên toàn thế giới có đến khoảng 850 nghìn người chết vì bệnh trầm cảm.

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng tập trung nhiều nhất ở độ tuổi 18 - 45. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh nhiều gấp đôi nam giới.

Do gặp biến cố lớn

Nhìn chung, những người có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm thường trong giai đoạn nào đó của cuộc đời xảy ra một hay nhiều biến cố lớn. Biến cố này như là một stress tác động đến tâm lý và trạng thái tâm thần kinh của họ, có thể là thi hỏng, mất việc, mất chức quyền, tai nạn, bệnh tật, nghiện ma túy, ly hôn, nợ nần khó trả, phá sản...

Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng ghi nhận có những trường hợp mắc bệnh trầm cảm chỉ do thay đổi công việc, chuyển nhà, hoặc thay đổi môi trường sống... Có những trường hợp mắc bệnh trầm cảm không thể xác định được đâu là nguyên nhân hay nguy cơ. Các nhà chuyên môn nghĩ nhiều đến yếu tố nội sinh của người mắc bệnh.

Người mắc bệnh trầm cảm không những gây bất lợi cho trạng thái sức khỏe tâm thần của bản thân mà còn có những tác động bất lợi khác trong mối quan hệ xã hội, bạn bè, người thân quen và ngay cả trong gia đình.

Theo Hội Tâm thần học Hoa Kỳ, một người bị nghi ngờ là mắc bệnh trầm cảm khi có các biểu hiện sau đây kéo dài hơn 2 tuần:

- Mất tập trung: Người bệnh thường không thể tập trung vào công việc. Họ không nhớ hoặc quên tên gọi của con người hay sự việc một cách khó hiểu. Hiện tượng này tái lặp và kéo dài ảnh hưởng đến hiệu quả công việc và trong giao tiếp.

- Rối loạn giấc ngủ: Người bệnh thiếu ngủ do ngủ quá ít hoặc thừa... ngủ do ngủ quá nhiều. Rối loạn giấc ngủ là một trong những dấu hiệu quan trọng của người mắc bệnh trầm cảm.

- Thay đổi tính tình: Sự thay đổi này được nhận biết bởi những người xung quanh qua trạng thái khó chịu, dễ bị kích động hoặc vẻ mặt ủ rũ. Các biểu hiện này ngày càng lộ rõ. Một số có suy nghĩ làm hại bản thân hoặc tìm cách làm hại người khác.

- Bất thường về ăn uống: Một số người mắc bệnh không còn hứng thú trong việc ăn uống, mặc dù trước đó họ vẫn ăn uống bình thường. Nhưng một số khác lại có cảm giác thèm ăn và ăn nhiều hơn. Nên cân nặng gia tăng trong một thời gian rất ngắn.

- Một số biểu hiện khác: Đau khớp, đau lưng hoặc than phiền đau nhức cơ thể không rõ nguyên nhân, giảm sự ham muốn tình dục. Thậm chí rối loạn tiêu hóa như cảm giác đầy hơi ở bụng.

Do đó một người có một hoặc nhiều biểu hiện trên, nếu không đáp ứng với các thuốc điều trị thông thường và diễn ra kéo dài thì cần đi khám bác sĩ chuyên khoa hoặc được hội chẩn giữa các chuyên khoa để xác định bệnh lý một cách chính xác nhất.

Ảnh minh họa: ITN.

Ảnh minh họa: ITN.

Hướng điều trị

Người nghi ngờ mắc bệnh trầm cảm có thể được cho làm một số xét nghiệm mang tính chất chuyên sâu như đo nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh và thực hiện một số bảng kiểm trắc nghiệm về tâm lý.

Khi xác định chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm, người bệnh được phân loại theo một trong 3 mức độ sau đây: Trầm cảm mức độ nhẹ, trầm cảm mức độ vừa và trầm cảm mức độ nặng. Tùy theo mức độ trầm cảm mà các thầy thuốc đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

- Điều trị tâm lý: Đây là phương pháp điều trị quan trọng nhất. Các chuyên gia tâm lý dựa vào đặc điểm riêng của từng người bệnh mà có cách để đồng hành và chia sẻ. Qua tâm lý liệu pháp, các nhà chuyên môn giúp cho người bệnh xua tan dần những đám mây u tối trong tâm thức và quay trở lại cuộc sống bình thường.

- Thuốc chống trầm cảm: Những trường hợp trầm cảm nhẹ không cần chỉ định dùng thuốc. Thuốc chống trầm cảm thường được chỉ định cho những bệnh nhân bị trầm cảm mức độ vừa và mức độ nặng.

Ảnh minh họa: ITN.

Ảnh minh họa: ITN.

Liều lượng và thời gian dùng thuốc được chỉ định bởi các bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh cho từng bệnh nhân cụ thể. Nhìn chung, các thuốc chống trầm cảm phổ biến hiện nay thuộc các nhóm thuốc sau: Thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc, thuốc ức chế monoamine oxidase và một số loại thuốc chống trầm cảm không điển hình khác.

- Môi trường và độ sinh hoạt: Môi trường và chế độ sinh hoạt đóng vai trò quan trọng, vì nó tác động đến tâm lý và trạng thái tâm thần kinh của người bệnh. Một môi trường thoải mái và thân thiện, một chế độ sinh hoạt hợp lý sẽ giúp tình trạng người bệnh sớm cải thiện theo chiều hướng tích cực.

Môi trường và chế độ sinh hoạt tốt còn có tác dụng tích cực trong việc phòng bệnh trầm cảm. Các nhà nghiên cứu còn xác định rằng một lối sống phù hợp sẽ giúp cho con người gia tăng “sức đề kháng tinh thần”. Nhờ đó mà phòng tránh được bệnh trầm cảm.

- Ăn uống và thay đổi thói quen: Người bệnh cần có chế độ ăn uống hợp lý và giàu chất dinh dưỡng. Hạn chế việc sử dụng bia, rượu, thuốc lá và các chất mang tính kích thích. Không đắm mình trong các thiết bị công nghệ. Không thức quá khuya. Siêng năng thể dục thể thao rèn luyện thân thể và phát triển các mối quan hệ bạn bè, cộng đồng tích cực và lành mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiêm kích F-35B.

Loạt sai sót và lỗi gây tai họa cho F-35

GD&TĐ - Một báo cáo của Lầu Năm Góc tiết lộ chương trình F-35 đã gặp nhiều vấn đề, khó khăn về độ tin cậy và kéo dài thời gian khắc phục với lỗi nghiêm trọng.