Tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam giảm mạnh

GD&TĐ - Đây là những thông tin trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) về “Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung tại Việt Nam” vừa được công bố. Báo cáo nêu rõ, hiện tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam đã tiếp tục giảm, đặc biệt là trong các dân tộc thiểu số (DTTS) với tỷ lệ giảm mạnh tới 13%, là mức giảm lớn nhất trong thập niên vừa qua. 

Tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam giảm mạnh

Số người dễ bị tái nghèo đã giảm xuống chỉ còn 2% trong giai đoạn 2014 – 2016. Đặc biệt, hiện nay 70% người dân Việt Nam đã được đảm bảo về mặt kinh tế, trong đó có 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới...

Tái nghèo giảm mạnh xuống còn 2%

Báo cáo “Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung tại Việt Nam” của WB nêu rõ, hiện số người ở Việt Nam dễ bị tái nghèo đã giảm xuống chỉ còn 2% trong giai đoạn 2014 - 2016.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, tầng lớp trung lưu cũng đã tăng thêm hơn 3 triệu người trong giai đoạn này. Đặc biệt, thu nhập từ hoạt động nông nghiệp tại vùng cao có thể giúp Việt Nam tiếp tục giảm nghèo, đã giảm khoảng 4% từ năm 2014 xuống còn 9,8% vào năm 2016.

Nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi ngoạn mục trên đó là tăng trưởng kinh tế cao đi cùng với những chính sách an sinh xã hội hợp lý của Đảng và Nhà nước.

Theo đại diện của WB, hiện tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đã lớn mạnh (chiếm 13% dân số) và đang hướng tới chất lượng sống cao hơn. Đây là “tầng lớp tiêu dùng” và sự chi tiêu của họ giúp nền kinh tế tăng trưởng và tạo thêm nhiều việc làm.

Tỷ lệ nghèo trong các DTTS tiếp tục giảm là kết quả rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn còn khoảng 9 triệu người nghèo. 72% trong số đó là người DTTS, và phần lớn họ sống tại vùng cao.

Họ có thu nhập từ lương nên vấn đề không phải là tạo việc làm, mà là chất lượng việc làm. Bởi hiện nay số người nghèo đang làm những công việc có năng suất lao động thấp. Họ không được tiếp cận cơ hội kinh tế đồng đều. Chỉ 7% người nghèo có trình độ sau phổ thông.

Trong khi những việc tốt nhất ở Việt Nam yêu cầu được dạy nghề, học đại học. Nhưng do điều kiện gia đình đã khiến họ không thể học lên cao hơn. Còn số những người học lên cao được là do gia đình chi trả cho việc đi học thêm.

Những hộ nghèo không có cơ hội chi trả nên cơ hội thành công của họ là không nhiều. Vì vậy, tập trung vào việc tạo điều kiện cho các DTTS có thể gia tăng cơ hội cho họ và giảm sự bất bình đẳng kéo dài...

70% người dân được đảm bảo kinh tế

Báo cáo của WB cũng cho thấy, hiện nay 70% người dân Việt Nam đã được đảm bảo về mặt kinh tế, trong đó có 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới.

Các tầng lớp thu nhập này đang phát triển nhanh chóng, tăng hơn 20% trong giai đoạn 2010 - 2017. Tính từ năm 2014, trung bình mỗi năm có khoảng 1,5 triệu người Việt Nam gia nhập vào tầng lớp trung lưu toàn cầu, cho thấy các hộ gia đình đang tiếp tục leo lên “bậc thang” kinh tế cao hơn sau khi thoát nghèo.

Sự gia tăng của lớp trung lưu này đang làm thay đổi nguyện vọng của xã hội, trọng tâm của chương trình xoá đói nghèo và chia sẻ thịnh vượng chuyển từ chống nghèo cùng cực sang cải thiện mạnh mẽ chất lượng cuộc sống và hỗ trợ sự gia tăng của tầng lớp trung lưu.

Khả năng tạo công ăn việc làm nhanh chóng và quá trình chuyển đổi sang việc làm có lương đang thúc đẩy kết quả tích cực của hoạt động giảm nghèo và chia sẻ thịnh vượng của xã hội.

Báo cáo của WB cũng đưa ra một số lĩnh vực ưu tiên chiến lược nhằm thúc đẩy giảm nghèo và tăng cường chia sẻ thịnh vượng chung như: Nâng cao năng suất lao động và đầu tư vào cơ sở hạ tầng để duy trì việc làm và tăng lương mà không giảm khả năng cạnh tranh; Thực hiện cải cách giáo dục nhằm đảm bảo sự công bằng trong các cơ hội và phát triển kỹ năng của lực lượng lao động...

Khuyến nghị của WB, Chính phủ cần tạo việc làm tốt hơn cho mọi người. Việc làm tốt hiểu theo nghĩa rằng người lao động có cơ hội nhận được thu nhập cao hơn. Muốn vậy, năng suất lao động phải tăng lên, hướng tới nền sản xuất có giá trị gia tăng cao. Trước mắt, giáo dục sẽ là vấn đề quan trọng cần giải quyết. Giáo dục sẽ giúp người nghèo có cơ hội tiếp cận công bằng hơn, trong khi người sử dụng lao động cũng sẽ không phàn nàn về tình trạng thiếu kỹ năng của nhân sự...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ