Năng lực bị nghi ngờ
Hãng Reuters dẫn tuyên bố của phát ngôn viên Richard Hecht hôm 12/10 cho biết: "Tôi sẽ không nói cho đối phương số vụ đánh chặn của chúng tôi".
Tuyên bố ngắn gọn của Richard Hecht đã tạo ra hoài nghi về năng lực đánh chặn thực sự từ hệ thống phòng thủ nhiều tầng của IDF.
Động thái này trái ngược với truyền thống của IDF khi trước đó họ thường xuyên công bố thống kê về các vụ đánh chặn rocket, trong đó có tổng số rocket nhằm vào lãnh thổ Israel và tỷ lệ hệ thống Iron Dome đánh chặn thành công.
Nguồn tin quân sự Israel trước đó tiết lộ đang lên kế hoạch đối phó nguy cơ hạn chế nguồn cung tên lửa Tamir cho hệ thống Iron Dome, đề phòng trường hợp giao tranh lớn và kéo dài.
Theo thông tấn Anh, trong đợt tấn công mở đầu vào lãnh thổ Israel hôm 7/10, Hamas tuyên bố phóng hơn 5.000 rocket chỉ trong vòng 20 phút.
Sau đó hai ngày, Đại sứ Israel tại Mỹ Michael Herzog thông báo:
"Lực lượng Hamas đã phóng hơn 4.000 quả rocket vào Israel. Nhiều quả đạn đã vượt qua hệ thống Iron Dome và lao vào loạt mục tiêu, trong đó có thành phố Tel Aviv, gây thương vong cho dân thường và hư hại cơ sở hạ tầng".
Cùng với khả năng đánh chặn không thực sự ấn tượng, hệ thống báo động được tích hợp vào lưới lửa phòng thủ Israel còn báo động nhầm khiến hai triệu người Israel xuống hầm trú ẩn.
Chiều 11/10, còi báo động không kích vang lên khắp miền bắc Israel sau khi IDF phát hiện 15-20 máy bay không người lái (UAV) xâm nhập từ phía Lebanon.
Khoảng 10 phút sau, lực lượng này tiếp tục phát cảnh báo khi có thông tin các tay súng xâm nhập thị trấn Maayan Baruch và thành phố Maalot Tarshiha ở miền bắc đất nước.
Ngay lập tức, lực lượng IDF đã yêu cầu người dân tại các khu dân cư ở Galilee, Cao nguyên Golan và Haifa tìm nơi trú ẩn cho đến khi có thông báo mới.
Gần 90 phút sau, IDF thông báo toàn bộ báo động trên là sai. Chuẩn đô đốc Daniel Hagari, phát ngôn viên IDF, khẳng định không có sự cố an ninh nào xảy ra ở miền bắc Israel.
"Đã có sự cố xảy ra và chúng tôi đang điều tra xem đây là sai sót kỹ thuật hay do con người", chuẩn đô đốc Hagari nói, song khuyến cáo: "Người dân nên tìm nơi trú ẩn khi còi báo động vang lên, nghe theo hướng dẫn để bảo toàn mạng sống".
Khai thác điểm yếu
Lực lượng Hamas nhiều năm qua đã tìm cách khai thác điểm yếu của Iron Dome. Lực lượng này hồi năm 2019 tuyên bố có khả năng vô hiệu hóa hệ thống đánh chặn này bằng chiến thuật phóng lượng lớn rocket vào một mục tiêu duy nhất.
Tướng Yaakov Amidror, cựu cục trưởng Cục Nghiên cứu Tình báo Quân đội Israel, khi đó thừa nhận lá chắn đã thất bại trước loạt "mưa rocket" khi chỉ hạ được 240 trong tổng số 690 quả đạn.
Israel hồi năm 2021 nâng cấp hệ thống nhằm đối phó với những mối đe dọa mới, gồm máy bay không người lái (UAV) tự sát và các loạt rocket với số lượng lớn.
Nhưng biện pháp này chưa đủ để ngăn chặn chiến thuật tấn công ồ ạt được Hamas áp dụng trong ngày 7/10.
Ngoài mối đe dọa từ chiến thuật gây quá tải của Hamas, các hệ thống Iron Dome cũng gặp giới hạn về năng lực hậu cần khi phải chống chịu những đợt tập kích quy mô lớn trong thời gian ngắn.
Hiện chưa rõ Israel triển khai bao nhiêu khẩu đội Iron Dome, nhưng nước này từng tiết lộ kế hoạch biên chế tổng cộng 15 hệ thống hoàn chỉnh.
Một khẩu đội Iron Dome đầy đủ chỉ có khoảng 60-80 quả đạn Tamir sẵn sàng chiến đấu, khiến tổng số đạn đánh chặn của Israel không quá 1.200 quả.
Các khẩu đội được phân bố dàn trải để có thể trợ chiến cho nhau, nhưng điều này cũng khiến chúng không thể cùng đối phó một cuộc tấn công áp đảo từ hướng cố định.
IDF thường dùng hai quả đạn Tamir cho một mục tiêu để tăng tỷ lệ đánh chặn thành công. Chiến thuật này phù hợp để đối phó các cuộc tập kích lẻ tẻ với lượng ít rocket, nhưng không thể áp dụng với những đợt tấn công có số mục tiêu vượt xa đạn đánh chặn.
Chênh lệch chi phí, đặc biệt là khi những cuộc tấn công quy mô lớn vẫn tiếp tục, có thể khiến nguồn cung tên lửa cho IDF nhanh chóng suy giảm.
Lực lượng IDF không tiết lộ chi phí chính xác của mỗi quả đạn, nhưng thông tin trước đây cho thấy tên lửa Tamir có giá 40.000-100.000 USD/quả.
Mức giá này thấp hơn nhiều so với các tên lửa phòng không hiện đại, nhưng vẫn đặt ra gánh nặng không nhỏ về chi phí vận hành khi phải phóng số lượng lớn.
Ngoài ra, Iron Dome cũng gặp khó khăn khi rocket của lực lượng Hamas ngày càng được cải thiện, với tốc độ, tầm bay và độ chính xác càng cao hơn.
Trang War Zone dẫn lời một cựu quan chức Mỹ giấu tên nhận xét: "Hệ thống Iron dome từng đánh chặn hiệu quả với những đòn tập kích lớn trong quá khứ.
Thất bại ngày 7/10 cho thấy Hamas có thể đang triển khai những vũ khí mới, khó đánh chặn hơn như pháo phản lực Rajum và UAV thả vật liệu nổ vào mục tiêu ở Israel".
Clip loạt mục tiêu của Israel bị Hamas tấn công. |