Tuyệt đối không dạy học thêm trong hè

GD&TĐ - Cấm tuyệt đối hoạt động dạy học thêm trong dịp hè, các địa phương, nhà trường chú trọng tạo sân chơi, hoạt động trải nghiệm cho học sinh (HS) rèn kỹ năng sống và giáo dục giá trị sống cho học sinh.

Dạy học bơi là hoạt động cần thiết, bổ ích cho HS trong dịp hè.
Dạy học bơi là hoạt động cần thiết, bổ ích cho HS trong dịp hè.

Không dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào

Ngày 19/5, Sở GD&ĐT Bình Dương có văn bản hướng dẫn tổ chức hoạt động hè năm 2022 và chuẩn bị năm học 2022 - 2023 với giáo dục tiểu học. Theo văn bản này, một trong số nội dung các trường được tổ chức trong hè là ôn tập cho HS chưa hoàn thành chương trình lớp học phải rèn luyện lại và hoạt động bồi dưỡng HS năng khiếu (nếu có).

Ngoài ra, các trường phối hợp với tổ chức đoàn thể trong và ngoài nhà trường tổ chức sinh hoạt hè như hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao lành mạnh, bổ ích, tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với lứa tuổi. Nhà trường mở cửa phòng chức năng, thư viện, nhà đa năng cho HS tham gia sinh hoạt. Tổ chức hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống, ôn tập hè trên tinh thần tự nguyện, được sự đồng thuận của phụ huynh HS, tự nguyện đăng ký tham gia của giáo viên (GV).

Trong công tác ôn tập hè, tuyệt đối không được dạy trước chương trình lớp học. Đối với lớp 1, chỉ tổ chức cho HS làm quen với chương trình và tạo tâm thế sẵn sàng vào lớp 1 cho HS trước khi vào năm học mới… “Hoạt động tổ chức trông giữ HS và ăn bán trú, các hoạt động năng khiếu... trong hè có thu phí nhưng trên tinh thần tự nguyện và nhu cầu gửi trẻ phụ huynh HS. Các nhà trường phải làm tờ trình về sở GD&ĐT để được cho phép trước khi triển khai” - bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Dương lưu ý.

Bà Huỳnh Thị Mỹ Ngân, Trưởng phòng GD&ĐT TP Thuận An (Bình Dương) cho biết: Hằng năm có khoảng 1/3 số trường tiểu học trên địa bàn thành phố Thuận An  tổ chức hoạt động ôn tập hè; bình quân khoảng 50% HS đăng ký học. Tùy điều kiện thực tế và nhu cầu HS, nhà trường xây dựng kế hoạch tổ chức ôn tập trong hè phù hợp và báo cáo phòng GD&ĐT. “Đây hoàn toàn là hoạt động HS đăng ký tự nguyện” - bà Huỳnh Thị Mỹ Ngân cho hay.

Ở góc nhìn khác, theo ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang, dạy phụ đạo hoàn toàn khác với dạy thêm, học thêm. Dạy phụ đạo là trách nhiệm của GV, nhà trường và không được thu bất cứ khoản tiền nào từ HS. Trong khi đó, dạy thêm, học thêm là dạy học có thu tiền.

“Thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT An Giang cấm tổ chức dạy thêm, học thêm trong hè. GV các trường học trong tỉnh không được tham gia dạy thêm, học thêm trong thời gian HS nghỉ hè. Thủ trưởng các cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý (phòng/sở GD&ĐT) tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở và phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra công tác này theo địa bàn quản lý” - ông Trần Tuấn Khanh thông tin.

Liên quan đến nội dung này, mới đây Sở GD&ĐT Hà Nội cũng có văn bản yêu cầu các trường phổ thông trên địa bàn không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào trong dịp hè; đồng thời không được dạy trước chương trình hoặc tổ chức ôn tập, luyện thi, kiểm tra, khảo sát để xếp lớp năm học 2022 - 2023. Việc ôn tập văn hóa trong hè chỉ dành cho HS, học viên có học lực yếu, kém. Hiệu trưởng nhà trường, giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên có trách nhiệm lập kế hoạch ôn tập văn hóa, bồi dưỡng kiến thức cho những HS, học viên có học lực yếu, kém; bố trí thời gian hợp lý để tổ chức thi và xét lên lớp cho những HS, học viên thuộc diện thi lại, HS phải rèn luyện trong hè.

Giờ học bơi của một trường tiểu học trên địa bàn TP Thuận An, Bình Dương.
Giờ học bơi của một trường tiểu học trên địa bàn TP Thuận An, Bình Dương.

Hỗ trợ tối đa giúp HS tăng cường kỹ năng sống

Từ ngày 1/6, HS Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) chính thức bước vào kỳ nghỉ hè. Theo chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Dũng, nhà trường không tổ chức bất cứ hoạt động học tập nào cho HS trong hè. Từ quan điểm cá nhân, thầy Dũng cho rằng, trong hè HS nên nghỉ ngơi, giúp đỡ bố mẹ việc gia đình; tham gia các hoạt động, khóa học kỹ năng sống như bơi lội, võ thuật... (thể dục, thể thao); vẽ, đàn, hát... (văn hóa, văn nghệ). Các em cũng có thể theo khóa học ngoại ngữ hoặc phụ đạo tùy theo nguyện vọng của. Về phía nhà trường sẽ hỗ trợ tối đa HS, như mở cửa phòng chức năng, thư viện… cho các em có nhu cầu trong dịp hè.

Từ thực tế dạy học, cô Vũ Thị Anh, GV Trường THPT Ân Thi (huyện Ân Thi, Hưng Yên) cho rằng: HS đã học liên tục trong 9 tháng, rồi học phụ đạo trong trường, học thêm theo ca ngoài trường... nên nghỉ hè là thời gian thư giãn vô cùng ý nghĩa. Không giống như trước đây, HS giờ nghỉ hè ngắn hơn, nhất là với HS THPT, vì phần lớn các em đều “tranh thủ” thời gian nghỉ hè của lớp 10, 11 để học trước, ôn trước kiến thức của lớp trên. “HS không nên học thêm trong thời gian nghỉ hè”. Đưa quan điểm này, theo cô Vũ Thị Anh, điều  các em nên làm là học các kỹ năng sống để đáp ứng những đòi hỏi khách quan của đời sống xã hội. Phụ huynh, nhà trường cần phối hợp tổ chức nhiều hơn hoạt động ngoại khóa có ích đối với HS; trong đó đặc biệt cần chú trọng là kỹ năng bơi, phòng chống đuối nước.

Để thực hiện được điều này, gia đình cần có sự phối hợp cùng nhà trường để lựa chọn nội dung, hình thức hoạt động phù hợp để giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất... cho con trong thời gian hè. Việc tổ chức tốt các hoạt động này sẽ mang đến cho các em HS cơ hội phát triển toàn diện, giúp các em “nghỉ” nhưng vẫn “học” được các kỹ năng sống để trang bị vào đời.

Chủ đề sinh hoạt hè năm 2022 được ngành Giáo dục An Giang dự kiến là “Tạo môi trường tốt nhất cho trẻ em được bảo vệ và phát triển toàn diện”. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Tuấn Khanh cho biết: Sở GD&ĐT dự kiến sẽ phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phổ cập bơi cho ít nhất 1.500 thanh thiếu nhi. Cùng với đó, đẩy mạnh nâng cao nhận thức và có các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả. Tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục lòng yêu nước, bồi dưỡng, vun đắp tinh thần tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm với chủ quyền Tổ quốc, biên giới, biển đảo bằng các hoạt động cụ thể. Tổ chức tốt công tác tiếp sức mùa thi. Phối hợp với Sở LĐ-TB&XH duy trì và nhân rộng mô hình Công tác xã hội học đường ở 13 điểm trường…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.