Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy - học thêm

GD&TĐ - Cử tri tỉnh Thái Bình phản ánh tình trạng dạy thêm, học thêm bằng các hình thức khác nhau vẫn còn diễn ra phổ biến ở các cấp. Có tình trạng thầy, cô giáo chuẩn bị sẵn “đơn tự nguyện đề nghị xin học thêm”?

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Sau khi Luật sửa đổi Luật Đầu tư (Luật số 03/2016/QH14) đưa hoạt động dạy thêm, học thêm ra khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, một số Điều quy định về điều kiện và cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 (Thông tư 17) của Bộ GD&ĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm không còn hiệu lực.

Tuy nhiên, quy định về nguyên tắc dạy thêm, học thêm; các trường hợp không được dạy thêm, học thêm; việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường và trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm của các cấp quản lý ở địa phương vẫn có hiệu lực thi hành.

Thông tư 17 đã quy định rõ nguyên tắc và các trường hợp không được dạy thêm, học thêm, trong đó đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý, không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm. Trường hợp như ý kiến cử tri nêu việc giáo viên yêu cầu phụ huynh học sinh ký xác nhận vào đơn chuẩn bị sẵn “tự nguyện đề nghị xin học thêm” để hợp lý hoá việc tổ chức các lớp học thêm là không đúng, vi phạm quy định tại Điều 3, Điều 4 và Điều 5 của Thông tư 17.

Bộ GD&ĐT đã có nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực học sinh; thực hiện tinh giản nội dung dạy học trong sách giáo khoa; sửa đổi, bổ sung Quy chế đánh giá học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông để khách quan hóa việc kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục học sinh. Những quy định nói trên trong thời gian qua đã có tác dụng tích cực đối với việc thực hiện chương trình hiện hành theo hướng giảm tải; tăng cường hoạt động ngoại khoá, trải nghiệm cho học sinh; kiểm tra, đánh giá, thi cử nhẹ nhàng, không nặng về kiểm tra kiến thức mà tập trung đánh giá sự phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Bộ GD&ĐT xem đây là giải pháp quan trọng nhằm từng bước khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định.

Tiếp thu ý kiến phản ánh của cử tri trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm nhất là dạy thêm sai quy định trong đó có sai phạm về ép buộc học sinh học thêm. Đồng thời, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND tỉnh/thành phố theo phân cấp quản lý Nhà nước về giáo dục tăng cường thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm; tiếp tục chỉ đạo các sở GD&ĐT chấn chỉnh dạy thêm, học thêm theo quy định để hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường được triển khai đúng theo nguyện vọng của người học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ