Chính vì vậy, nhiều trường học ở TPHCM đã có “tuyệt chiêu” nhằm đề phòng và hoá giải xung đột, hướng đến xây dựng môi trường học đường thân thiện.
Phòng hơn… chống
TS Nguyễn Văn Khả, Giám đốc Trung tâm GD phổ thông (Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM) chia sẻ: Lứa tuổi học trò không thể tránh khỏi những bất đồng, xung đột. Thậm chí ở một vài nơi vẫn tồn tại bạo lực học đường trên lớp học, trong nhà trường, ngoài xã hội và đặc biệt còn bạo lực trên mạng xã hội. Về phía nhà trường, để phòng ngừa những việc này phải đưa ra nhiều giải pháp.
Đầu tiên, trường tổ chức nhiều sân chơi cho các em như thể dục thể thao, văn nghệ, thành lập câu lạc bộ học thuật dưới sự hỗ trợ của thầy cô. Từ đó, tạo sự đoàn kết trong nhà trường, tạo sân chơi cho HS, giao lưu, gắn kết với nhau.
Song song đó, nhà trường cũng mời các chuyên gia tâm lý chia sẻ với HS các chuyên đề như bạo lực học đường, tâm lý lứa tuổi vị thành niên, văn hoá ứng xử trên mạng xã hội… Theo TS Nguyễn Văn Khả, điều quan trọng là xây dựng đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, giám thị luôn đồng hành cùng các em và phối hợp với phụ huynh chặt chẽ trong mọi hoạt động.
“Chúng tôi luôn xem HS như những đứa con trong gia đình, từ đó mới cảm hoá và giúp các em vượt qua được lứa tuổi có nhiều thay đổi về tâm lý”, TS Khả cho hay.
Tương tự, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10) chia sẻ: Nhà trường chú trọng công tác tư vấn học đường, thành lập ban tư vấn học đường với 4 thành viên. Theo đó, các em rất tin tưởng các thành viên và sẵn sàng chia sẻ tâm tư, vấn đề bản thân hay bạn bè đang gặp phải, hay “mầm mống” của các xung đột. Điều quan trọng là ban tư vấn tạo được niềm tin và hỗ trợ các em giải quyết vấn đề. Mọi thông tin HS cung cấp đều được bảo mật, hồi âm. Nếu các em đồng ý, thành viên sẽ gặp trực tiếp để lắng nghe chia sẻ.
Trường THPT Nguyễn Du cũng là một trong những ngôi trường nhiều hoạt động ngoại khoá, xây dựng các chuyên đề văn hoá, ứng xử, các câu lạc bộ năng khiếu thể thao - học thuật để HS tham gia. Mối quan hệ gắn kết giữa học sinh - thầy cô - phụ huynh cũng được trường chú trọng thông qua tổ chức giao hữu thể thao. Đặc biệt, những chuyên đề về ứng xử trong tình bạn, tôn sư trọng đạo, giá trị văn hóa truyền thống, kỹ năng làm chủ cảm xúc… được nhà trường tổ chức công phu, chất lượng. Từ những chuyên đề này, HS đều có bài học cho riêng mình, để khi gặp những sự việc cần giải quyết, các em có cách ứng xử, xử lý phù hợp.
Nhiều chuyên đề bổ ích cho học sinh
Mới đây, Trường THCS - THPT Đào Duy Anh, Quận 6 tổ chức chuyên đề văn hoá ứng xử trên không gian mạng cho HS.
Chuyên đề giáo dục HS sử dụng các phương tiện Facebook, YouTube, Tik Tok, Zalo... một cách văn hóa, văn minh và có ích cho bản thân. Các em có thể thông qua mạng xã hội để chia sẻ, là phương tiện để học tập, mở mang kiến thức, kết nối bạn bè, tổ chức các nhóm học tập, học năng khiếu, từ thiện, thể thao... Đặc biệt, HS được hướng dẫn sử dụng mạng xã hội phải có chừng mực, văn minh lịch sự, tuân thủ những quy tắc, quy định của Luật An ninh mạng…
Theo thầy Trần Minh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Đào Duy Anh, ngoài giáo dục HS cách ứng xử văn minh trên mạng xã hội, GV trường kết nối hầu hết với HS thông qua các kênh khác nhau. Nhờ vậy, những chia sẻ, tâm tư của các em hay mâu thuẫn nhỏ, đều được thầy cô lắng nghe, nắm bắt và giải quyết ổn thỏa.
Bên cạnh những chuyên đề cụ thể, nhà trường có nhiều hoạt động ngoại khóa cho HS giữa các lớp, khối giao lưu, vì vậy HS toàn trường có sự gắn kết, tạo không khí vui tươi, bổ ích khi tới trường.
Trường cũng chú trọng công tác tâm lý học đường để lắng nghe những chia sẻ của trò. Đặc biệt, trường còn tập huấn cho tất cả GV về tâm lý lứa tuổi của thanh thiếu niên 4.0, giúp thầy cô chủ nhiệm quản lý và giáo dục HS nhà trường tốt về dạy kiến thức, kỹ năng sống.
Bên cạnh hình thành các câu lạc bộ năng khiếu, học thuật, đẩy mạnh hoạt động phong trào thể dục thể thao, văn nghệ và chuyên đề kỹ năng sống…, Trung tâm GDTX Chu Văn An (Quận 5) còn khuyến khích HS thể hiện hành động nhân ái của mình, lan tỏa những việc làm ấy đến với mọi người.
Theo đó, HS có nhiều cách thể hiện khác nhau như đi tặng các phần ăn, tham gia giúp đỡ bạn có hoàn cảnh khó khăn, hay là dìu một cụ già, giúp em bé qua đường, giúp đỡ hàng xóm... Trung tâm sẽ có những phần quà nhỏ như mỗi HS làm được 10 hành động nhân ái được cấp một giấy khen học sinh có tấm lòng nhân ái. Thầy cô mong muốn học sinh “gieo nhân ái, gặt nhân cách”, giáo dục các em về lòng nhân ái để mỗi ngày hành động nhân ái được lan tỏa sâu rộng, trở thành việc làm thường xuyên, góp phần hình thành nhân cách sống.
Cô Nguyễn Thị Phương Nam, nguyên GV Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 3) chia sẻ: Với lứa tuổi học trò, các em đôi lúc có những xung đột, từ chuyện rất nhỏ, có thể lời qua tiếng lại, trách mắng nhau, xích mích… Nếu không kịp thời nắm bắt, không hoá giải dễ dẫn đến những xung đột lớn.
Hơn 30 năm làm nhà giáo, cô Phương Nam từng gặp học trò cá tính mạnh, khác biệt… dễ gây ra những xích mích với bạn bè, thậm chí cả thầy cô. Nhưng bằng trái tim người thầy, trách nhiệm và yêu thương các em nên cô đã giúp những HS này thay đổi, tiến bộ.