Tuyển sinh tại trường cao đẳng và nghề: Bên lề dòng chảy?

GD&TĐ - Thực tế tuyển sinh khó khăn của một số trường cao đẳng, trung cấp và trung cấp nghề nhiều năm nay do nhiều nguyên nhân.

Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh vào Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn.
Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh vào Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn.

Tuy nhiên, việc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường cao đẳng không nằm trong Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT khiến công tác tuyển sinh ít nhiều gặp khó.

Tuyển sinh khó khăn

Sau 2 đợt tuyển sinh, Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn tuyển được khoảng 60% chỉ tiêu. Ông Lâm Gia Huy - Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và Truyền thông cho biết, trường còn 2 đợt tuyển sinh nữa nên kỳ vọng sẽ tuyển đủ chỉ tiêu. “So với năm ngoái, tình hình tuyển sinh năm nay chậm hơn nhiều”, ông Huy nói thêm.

ThS Dương Công Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn thì cho biết, trường vừa bắt tay vào công tác tuyển sinh nên số lượng thí sinh đăng ký vào trường khá ít.

“Mấy năm nay do trường không có tên trong Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT nên khá khó khăn để tuyển sinh. Nhà trường phải tự vận động bằng nhiều cách như đến các trường phổ thông để tư vấn tuyển sinh, quảng cáo về trường… nhưng tâm lý chung của thí sinh và phụ huynh là không thấy tên trong hệ thống của Bộ GD&ĐT nên khá e dè”, ông Hiếu nói.

Với 300 chỉ tiêu hệ 9+, Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM đã tuyển “full” chỉ tiêu, còn hệ cao đẳng thì qua 3 đợt tuyển sinh nhưng mới chỉ tuyển được khoảng 50% chỉ tiêu. “Hiện trường tuyển thêm 350 chỉ tiêu cho hệ cao đẳng với nhiều chính sách hấp dẫn dành cho thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường”, ThS Nguyễn Đăng Lý - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM cho hay.

Liên quan đến thông tin “Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường cao đẳng không nằm trong Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT nên khó khăn hơn trong công tác tuyển sinh?”, ông Lý khẳng định việc này và kiến nghị nên có một hệ thống chung từ vài năm nay nhưng chưa có gì thay đổi, ông Lý nói.

Tính đến thời điểm hiện tại, Trường Trung cấp Bách Khoa TPHCM dù đã qua 3 đợt tuyển sinh nhưng mới chỉ tuyển được chưa đến 50% chỉ tiêu. Thời gian tuyển sinh của trường kéo dài đến hết năm thì khả năng mới tuyển đủ chỉ tiêu.

TS Đặng Văn Sáng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách Khoa TPHCM giải thích, sở dĩ trường nghề khó tuyển sinh do khó đi vào các trường THPT. Thêm vào đó, hiện các trường cao đẳng, trung cấp nghề không thuộc quản lý của Bộ GD&ĐT nên nghiễm nhiên không xuất hiện thông tin trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung. Đây cũng là một trong những trở ngại lớn cho công tác tuyển sinh của các trường.

“Các trường thuộc quản lý của Bộ GD&ĐT đi vào các trường THPT như đi vào nhà của mình, còn hệ thống trường nghề thuộc Bộ LĐ-TB&XH đi vào các trường THPT lại như đi vào nhà ‘hàng xóm’ nên phải hỏi. Vì vậy, các trường THPT vui thì cho trường cao đẳng, trường nghề vào tư vấn tuyển sinh, không vui thì thôi”, ông Sáng ví von.

ben le dong chay (1).jpg
Cần thực hiện phân luồng rõ ràng ngay từ bậc THPT để các em định hướng rõ nghề nghiệp.

Mong được hỗ trợ nhiều hơn

TS Đặng Văn Sáng cho hay, mặc dù Bộ LĐ-TB&XH cũng đăng tải thông tin về các ngành nghề đào tạo của trường nghề lên hệ thống website của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp. Tuy nhiên, học sinh phổ thông ít quan tâm đến thông tin của website này.

“Nếu kiến nghị Bộ GD&ĐT đưa thông tin của các trường cao đẳng, trung cấp nghề vào Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ là rất khó. Bởi, hai Bộ khác nhau nên không thể giao cho Bộ GD&ĐT làm thay công việc của Bộ LĐ-TB&XH được. Có chăng hai Bộ nên cùng ngồi lại để tìm giải pháp hỗ trợ nhau, tháo gỡ một phần khó khăn cho các trường nghề, giúp học sinh tiếp cận thông tin một cách hệ thống, chính xác”, ông Sáng nói.

Phó Hiệu trưởng một trường cao đẳng tại TPHCM cho biết, nếu có Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT thì khi học sinh phổ thông thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển sẽ theo dõi được cả thông tin về trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề. Từ đó, công tác phân luồng cho thí sinh chắc chắn sẽ khả quan hơn hiện nay.

“Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ-TB&XH cần phối hợp để cùng xây dựng một hệ thống tuyển sinh chung. Việc này không khó khăn vì trước năm 2017, các trường đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp từng có tên trên cùng một hệ thống tuyển sinh chung nên công tác tuyển sinh dễ thở và công bằng hơn”, vị này nói.

Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến trái chiều về nhận định này. Theo ông Lâm Gia Huy - Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và Truyền thông, Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn, việc không có tên trong Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT không ảnh hưởng nhiều đến công tác tuyển sinh của nhiều trường bởi lẽ học sinh đã xác định hướng đi của mình từ khi ngồi trên ghế nhà trường, còn việc lựa chọn học đại học hay cao đẳng chỉ là bước tiếp theo mà thôi.

Theo ông Huy, vấn đề thực sự cần thiết hiện nay là phân luồng rõ ràng ngay từ bắt đầu lớp 12 để các em định hướng đâu là nghề nghiệp, định hướng nghiên cứu để từ đó dễ xác định công việc tương lai.

“Hiện trường THPT ở các tỉnh, thành đều có cơ chế mở cho các trường đại học, cao đẳng vào tuyển sinh nên công tác tư vấn tuyển sinh khá dễ dàng”, ông Lâm Gia Huy - Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và Truyền thông, Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.