Trường nghề vẫn khó tuyển sinh

Trường nghề vẫn khó tuyển sinh

(GD&TĐ) - Hiện nay, cử nhân tốt nghiệp đại học ra trường không kiếm được việc làm, thậm chí tốt nghiệp đại học rồi lại quay ra học nghề đã không còn là điều hiếm gặp. Trong khi đó, cơ hội việc làm của học viên trường nghề khi tốt nghiệp đạt tới trên 80%... Mặc dù vậy, công tác tuyển sinh của các trường nghề vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

“Đầu tư” cho tuyển sinh

Thông tin của Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, chỉ tiêu tuyển sinh khối các trường nghề năm nay là 1,5 triệu học viên sơ cấp, trung cấp và cao đẳng nghề. Chỉ tiêu này tuy thấp hơn mùa tuyển sinh trước, nhưng thực tế việc tuyển sinh có vẻ như ngày càng khó hơn. Theo lãnh đạo một số trường nghề cho biết, mặc dù luôn rộng cửa đón học viên nhưng các trường nghề thường không tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Ngay như Trường Cao đẳng nghề Cơ điện xây dựng Việt Xô (thị xã Tam Điệp, Ninh Bình), được đánh giá là cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao và có bề dày thành tích. Trong kỳ tuyển sinh năm 2012, trường đạt khoảng 80% so với chỉ tiêu dự kiến và đây được cho là kết quả tích cực mà rất nhiều trường nghề phải mơ ước.

Mỗi mùa tuyển sinh, các trường nghề đều phải chi phí hàng chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng để quảng bá hình ảnh, tuyên truyền phục vụ cho việc tuyển sinh, chi tiết hóa các chỉ tiêu và chuyên ngành đào tạo, chuyển tải các thông tin này đến các phụ huynh và thí sinh… Website của nhiều trường được đầu tư công phu với những thông tin về đào tạo, việc làm hấp dẫn. Chưa hết, một số trường nghề còn đẩy mạnh công tác tuyển sinh về tận thôn, xã, hộ gia đình có con em trong độ tuổi học nghề… Tuy nhiên, những kết quả tuyển sinh học nghề cho đến nay xem ra vẫn còn rất khiêm tốn.

c
Học nghề luôn phù hợp với số đông người lao động

Hướng nghiệp và tuyên truyền

Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc khó tuyển sinh của các trường nghề là do công tác hướng nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu. Với những kiến thức đã được học trong trường phổ thông, học sinh đã dần khẳng định cho mình con đường lập nghiệp. Tuy nhiên, các em vẫn chưa đủ hiểu biết và chưa có nhiều cơ hội để thử sức với nghề đã chọn. Bên cạnh đó, nguyên nhân khách quan cho thấy, hầu hết các trường nghề đều phải đợi thí sinh không đỗ đại học mới đăng ký vào học trường nghề. Hiện tượng này phản ánh tâm lý của phụ huynh và học sinh vẫn chuộng học đại học, cao đẳng hơn, học nghề chỉ là giải pháp thay thế sau cùng.

Để khắc phục những hạn chế về công tác hướng nghiệp, tạo đà thuận lợi cho tuyển sinh học nghề, ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Dạy nghề cho rằng: Trước hết, cần phải đẩy mạnh việc  nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên trường dạy nghề về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác hướng nghiệp, quan tâm đến công tác hướng nghiệp để giúp học sinh tích cực và chủ động trong định hướng lựa chọn nghề nghiệp. Hình thành tổ chuyên trách về hướng nghiệp trong trường dạy nghề, có cơ cấu hợp lý và cơ chế hoạt động rõ ràng, minh bạch, phối hợp tốt với các tổ chức khác trong cơ sở để đảm bảo hiệu quả của công tác hướng nghiệp. Tăng cường, thiết lập mối quan hệ giữa cơ sở dạy nghề với trường phổ thông, có kế hoạch công tác rõ ràng về nội dung hợp tác, thời gian thực hiện… Sự tham gia của cơ sở dạy nghề đối với công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông là sự bổ sung quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp.

Đi đôi với công tác hướng nghiệp, đẩy mạnh tuyên truyền đóng vai trò then chốt trong việc xóa bỏ “rào cản” định kiến xã hội về học nghề, xu hướng học nghề bao giờ cũng phù hợp với số đông người lao động. Đặc biệt, trong bối cảnh nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao ngày một tăng của cả thế giới hiện nay, người có trình độ tay nghề sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi để tiếp cận công việc cho thu nhập cao và ổn định.

Anh Quang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ