Tuyển sinh quốc tế tăng vọt tại châu Á

GD&TĐ - Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) đều đang nỗ lực hoàn thành các mục tiêu tuyển sinh quốc tế mới.

Hàn Quốc là một trong những điểm đến du học phổ biến tại châu Á.
Hàn Quốc là một trong những điểm đến du học phổ biến tại châu Á.

Trong khi các điểm đến du học hàng đầu phương Tây như Australia, Canada áp dụng biện pháp hạn chế sinh viên quốc tế thì nhiều quốc gia châu Á ghi nhận số lượng du học sinh tăng mạnh.

Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) đều đang nỗ lực hoàn thành các mục tiêu tuyển sinh quốc tế mới. Cụ thể, Nhật Bản muốn tăng số lượng du học sinh lên 400 nghìn vào năm 2033, Hàn Quốc muốn đạt 300 nghìn sinh viên quốc tế vào năm 2027. Malaysia đặt mục tiêu là 250 nghìn người vào năm 2025 còn Đài Loan là 320 nghìn người vào năm 2030.

Đến nay, cả bốn đều ghi nhận tiến độ tăng trưởng tích cực. Tính đến tháng 5/2023, Nhật Bản ghi nhận gần 280 nghìn lượt đăng kí quốc tế, tăng 21% so với năm 2022. Malaysia ghi nhận khoảng 58 nghìn sinh viên quốc tế đăng kí mới, tăng 14% so với năm 2022.

Tăng 24% so với năm 2022, số lượt du học sinh đăng kí mới tại Hàn Quốc tính đến tháng 6/2023 là 207 nghìn. Còn Đài Loan là hơn 116 nghìn.

Để đạt mục tiêu trên, cả bốn đều nới lỏng, thay đổi chính sách thu hút tuyển sinh quốc tế. Từ năm ngoái, Hàn Quốc triển khai Dự án Study Korea 300K, trong đó tăng thời gian làm thêm cho sinh viên quốc tế từ 20 giờ một tuần lên 25 giờ một tuần.

Nghiên cứu sinh thạc sĩ, tiến sĩ có thể làm thêm 35 giờ trong tuần. Tất cả sinh viên quốc tế được phép làm việc không giới hạn thời gian vào cuối tuần hoặc ngày lễ.

Nước này đã giảm mức yêu cầu chứng minh tài chính xuống dưới 15,4 nghìn USD, trong khi ban đầu là 20 nghìn USD. Mức yêu cầu tài chính đối với sinh viên theo học các trường địa phương, không nằm ở Seoul, còn thấp hơn nữa.

Từ năm 2025, Hàn Quốc cho phép sinh viên quốc tế ở lại nước này làm việc tối đa 3 năm, trong khi hiện nay là 6 tháng và có thể gia hạn tối đa 2 năm. Sinh viên quốc tế sẽ được tìm việc làm ở nhiều lĩnh vực, không nhất thiết phải đúng ngành học.

Đáng chú ý, nhằm mở rộng nguồn nhân lực ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học), Hàn Quốc ưu tiên xét cấp thường trú nhân cho cử nhân ngành này.

Tương tự, Malaysia, Nhật Bản, Đài Loan đều nới lỏng quy định tìm việc làm sau khi tốt nghiệp và gia hạn giấy phép cho sinh viên quốc tế. Nhật Bản cho phép du học sinh nghề tìm việc làm ở những lĩnh vực ngoài ngành học.

Còn Đài Loan cho phép sinh viên gia hạn giấy phép du học trong 3 năm, thay vì phải đăng kí hàng năm. Malaysia cho phép sinh viên quốc tế đến từ 23 quốc gia ở lại tìm việc làm sau tốt nghiệp.

Hoạt động giáo dục quốc tế sôi nổi ở châu Á trái ngược với bầu không khí ở phương Tây khi các quốc gia như Australia, Vương quốc Anh, Canada đều tìm cách hạn chế sinh viên quốc tế nhằm giảm tỷ lệ nhập cư. Chính vì vậy, sinh viên châu Á có xu hướng chuyển sang du học “gần nhà” hơn.

Các quốc gia, khu vực nói trên hiểu rõ họ đang cạnh tranh với nhiều điểm đến du học phổ biến khác ở châu Á trong việc giữ chân và tuyển sinh sinh viên quốc tế. Các chính sách trên một phần giúp đạt được mục tiêu tuyển sinh, một phần tạo sức hút đối với du học sinh.

Từ trước đến nay, Hàn Quốc nổi tiếng là thị trường khó tiếp cận đối với sinh viên quốc tế vì gần như không thể tìm việc làm sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, các chính sách đổi mới đã tạo niềm tin cho các ứng viên quốc tế khi đăng kí học tập tại quốc gia này.

Theo Icef Monitor

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giàu có nhưng kém văn minh

GD&TĐ - Mạng xã hội đang lan truyền đoạn clip nói về một người đàn ông ở Nha Trang có hành vi kém văn minh.