Tuyển sinh năm 2021: Nhiều thí sinh và trường Đại học chờ xét tuyển bổ sung

GD&TĐ - Hiện các trường ĐH đã công bố điểm trúng tuyển năm 2021. Tuy nhiên, nhiều thí sinh điểm cao vẫn không đậu nguyện vọng nào. Trong khi đó, các trường ĐH tốp sau thông báo tuyển sinh bổ sung do chưa đủ chỉ tiêu.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều thí sinh Nghệ An đến nộp hồ sơ nhập học qua đường bưu điện.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều thí sinh Nghệ An đến nộp hồ sơ nhập học qua đường bưu điện.

Tìm cơ hội nguyện vọng bổ sung

Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Nguyễn Chí Công – học sinh Trường THPT Đô Lương 1 (huyện Đô Lương, Nghệ An) đạt 27,7 điểm tổ hợp môn xét tuyển ĐH. Nhưng kết quả này không giúp Công trúng tuyển vào cả 4 nguyện vọng mà mình đăng ký trước đó. Riêng nguyện vọng 1 vào Học viện An ninh bị thiếu 0,25 điểm. Đây là cú sốc lớn đối với nam sinh nỗ lực và có học lực khá của trường.

Hụt hẫng và thất vọng, nhưng cơ hội thay đổi nguyện vọng không còn, Công chỉ mong trong số các trường ĐH mình đăng ký hạ điểm chuẩn, nhưng cơ hội này không nhiều. “Em đang xuống thành phố Vinh xin làm thêm để kiếm thu nhập. Nếu không có cơ hội vào ĐH năm nay, có thể em sẽ vừa đi học, vừa ôn tập và thi lại vào năm sau”, Công chia sẻ.

Thầy Lê Đức Hưng – Hiệu trưởng Trường THPT Đô Lương 1 cho biết, đến thời điểm này, qua thống kê bước đầu, trường chúng tôi có trên 70% thí sinh trúng tuyển Nguyện vọng 1. Những em không trúng tuyển có cả những em đạt điểm thi khá cao và điều này thực sự đáng tiếc.

Điều này có nhiều nguyên do nhưng có cả những nguyên nhân khách quan như năm nay điểm chuẩn nhiều trường tăng, một số học sinh đăng ký nguyện vọng chưa chính xác, cao hơn mức điểm của mình khiến các em mất cơ hội trúng tuyển.

Tương tự, có điểm xét tuyển khối A cao với 27,15 điểm, Từ Hải Yến (Trường THPT Nam Đàn 2) vẫn trượt nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Kinh tế quốc dân, dù trước đó em khá tự tin. Yến cho hay, so với điểm chuẩn năm ngoái, điểm thi của em cao hơn gần 2 điểm.

Nhưng không ngờ năm nay nhiều bạn đăng ký và đạt điểm cao, nên em bị thiếu 0,5 điểm. Dù buồn nhưng Yến may mắn hơn khi đã trúng tuyển nguyện vọng 2 vào Trường ĐH Thương mại.

Tân sinh viên đến nhập học tại Trường ĐH Y khoa Vinh
Tân sinh viên đến nhập học tại Trường ĐH Y khoa Vinh

Những năm gần đây điểm chuẩn vào Trường Đại học Y khoa Vinh luôn năm sau cao hơn năm trước, trong đó có những năm cao hơn 3 điểm. Đây là tín hiệu tích cực, song TS. Nguyễn Cảnh Phú – Hiệu trưởng nhà trường cho rằng kết quả này chưa đánh giá đầy đủ chất lượng đầu vào.

Theo TS. Nguyễn Cảnh Phú, 2 năm học vừa qua, học sinh các trường phổ thông gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid – 19.  Việc Bộ GD&ĐT tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục tiêu kép là điều dễ hiểu, nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh. Tuy nhiên, với thực tế điểm thi cao, các trường đại học sẽ gặp khó khăn trong phân loại thí sinh. Và chính các em cũng khó nhận định chính xác năng lực, khả năng trúng tuyển của mình.

Trước thực tế này, Bộ GD&ĐT đã đề nghị một số trường đại học tuyển bổ sung những thí sinh có điểm cao. Tuy nhiên, cơ hội vào các trường thuộc khối ngành y dược của thí sinh không nhiều. Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Vinh nói thêm: Về cơ bản, các ngành Y, Dược... sau khi công bố điểm chuẩn các thí sinh đã đăng ký nhập học và trường không còn chỉ tiêu. Vì thế, để tuyển sinh thêm thí sinh vào những ngành này là rất khó khăn.

Trường tốp sau vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu

Những năm gần đây, nhiều trường Đại học mở rộng phương thức tuyển sinh bằng xét tuyển học bạ. Vì vậy, nhiều thí sinh đã trúng tuyển Đại học trước khi có kết quả xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT.

Tại Nghệ An, nhiều trường đại học không chỉ có duy nhất 1 đợt tuyển sinh sau khi Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra như thông thường. Mà các đợt tuyển sinh sẽ chia làm nhiều đợt kéo dài trong cả năm như Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, Trường Đại học Công nghiệp Vinh, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh...

Theo TS. Hoàng Danh Truyền – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, xu hướng thí sinh đăng ký vào các trường Đại học có ngành nghề thực hành, ứng dụng ngày càng cao. Vì vậy, những năm qua, việc tuyển sinh của trường khá thuận lợi. Một nguyên nhân khách quan khác, là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều học sinh không đi xuất khẩu lao động hoặc du học như dự định. Thay vào đó, các em sẽ học Đại học trong nước hoặc đăng ký học nghề để có trình độ nhất định trước khi tìm đường xuất khẩu lao động.

Năm 2021, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh tổ chức 5 đợt tuyển sinh kéo dài từ tháng 3 đến tháng 12 với tổng 1.200 chỉ tiêu đại học. Hiện trường đã công bố kết quả xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT với mức điểm chuẩn các ngành dao động từ 14,5 đến 19 điểm. Đồng thời thông báo về việc nhập học trực tuyến cho tân sinh viên.

Tuy nhiên, nhiều trường khác vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Trường Đại học Vinh vừa thông báo xét tuyển bổ sung vào đại học chính quy theo kết quả thi tốt nghiệp THPT và kết quả học tập THPT (học bạ) năm học 2021 - 2022. Cụ thể, tuyển bổ sung 400 chỉ tiêu cho 32 ngành tuyển sinh của nhà trường, trung bình mỗi ngành tuyển bổ sung 10 chỉ tiêu. Riêng các ngành như công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ thực phẩm, điều dưỡng, du lịch, luật, luật kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng mỗi ngành tuyển bổ sung 20 chỉ tiêu. Mức điểm sàn cho các ngành này là từ 21 - 24 điểm.

Trường cũng tuyển bổ sung gần 200 chỉ tiêu bằng phương thức xét kết quả học tập THPT (học bạ). Tuy vậy, phương thức này chỉ tiêu cho mỗi ngành chỉ từ 5 - 10 chỉ tiêu.

Trước đó, Trường Đại học Vinh đã công bố điểm chuẩn đợt 1 với nhiều ngành của trường này có mức điểm chuẩn rất cao. Các ngành thuộc khối Sư phạm và một số ngành kỹ thuật như kỹ thuật ô tô, công nghệ ô tô đã tuyển đủ thí sinh. 

TS. Hoàng Vĩnh Phú – Trưởng phòng Đào tạo – Trường ĐH Vinh cho biết: Hiện nay, các ngành khối ngoài sư phạm một số ngành chưa tuyển đủ thí sinh và Hội động tuyển sinh nhà trường sẽ phải họp, xem xét căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh để tuyển sinh bổ sung. Vì cơ hội tuyển sinh bổ sung không nhiều vì các trường chủ yếu ưu tiên tuyển sinh nguyện vọng 1 nên thời điểm này, nhiều thí sinh đã chọn phương án xét tuyển bằng bằng kết quả học bạ hoặc lựa chọn những trường đại học thuộc khối ngoài công lập…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...