Tuyển sinh ĐH ở Trung Quốc: Những nét mới

GD&TĐ - Người Trung Quốc thường ví kỳ thi tuyển sinh đại học hằng năm, còn gọi là Gaokao, như là một cuộc đua tranh chen qua một cây cầu hẹp. Năm nay, cách ra đề thi kết hợp lý thuyết với các vấn đề hiện tại và thực tế cuộc sống đã nhận được nhiều sự ủng hộ từ phụ huynh và học sinh.

Trước giờ thi
Trước giờ thi

Không chỉ năm nay, mà những thay đổi trong việc ra đề thi vào những năm qua cho thấy Trung Quốc mong muốn cải cách thi cử và nuôi dưỡng tài năng sáng tạo. Trong quá trình này, các giáo viên đã được khuyến khích điều chỉnh phương pháp truyền thụ để giúp nâng cao các kỹ năng toàn diện của học sinh.

Theo Nhân dân nhật báo, các chuyên gia từ trung tâm khảo thí của Bộ Giáo dục đã hoan nghênh các đề thi năm nay đặt trọng tâm vào sự phát triển toàn diện về giáo dục đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và lao động của học sinh.

Trong đề thi toán quốc gia, có những câu hỏi về tàu thăm dò Mặt trăng Hằng Nga 4 của Trung Quốc đã đáp xuống phần tối của Mặt trăng vào tháng 1/2019 và tàu cao tốc của đất nước. Một câu hỏi khác yêu cầu học sinh tính chiều cao của một người bằng cách sử dụng tỷ lệ vàng của Venus de Milo, một tác phẩm điêu khắc Hy Lạp cổ đại được trưng bày tại Bảo tàng Louvre ở Paris.

“Đó là một câu hỏi sáng tạo, nhưng không khó. Bạn chỉ cần dành chút thời gian để tính toán”, Bai Wenxin, 18 tuổi, thuộc Trường Trung học Longquan, ở Jingmen, tỉnh Hồ Bắc, nói. 

Hoàn thành một ngày thi căng thẳng
Hoàn thành một ngày thi căng thẳng 

Meng Liping, 40 tuổi, giáo viên toán từ Trường trung học Shenmu, tỉnh Thiểm Tây, bày tỏ: “Phương pháp giảng dạy theo kiểu nhồi nhét kiến thức đã lỗi thời. Tôi đồng ý chúng ta nên có nhiều câu hỏi sáng tạo hơn trong Gaokao, nhưng điều đó cũng có nghĩa là mức độ khó cũng sẽ tăng lên”.

Theo ông, tỷ lệ của những câu hỏi mở rộng trong năm nay nhiều hơn, cho thấy rõ quá trình cải cách trong giáo dục trung học. Đã từng có một công thức bất thành văn về thứ tự các câu hỏi của bài thi, nhưng thứ tự này hoàn toàn khác trong năm nay, với hình học không gian thay thế hàm số và lượng giác. Ông nói, những thay đổi như vậy làm cho một số thí sinh cảm thấy không thoải mái trong kỳ thi, bởi vì nó khác với các bài tập mà các em thường làm. Điều này đòi hỏi giáo viên phải chú ý nhiều hơn để cải thiện khả năng thích ứng của học sinh.

Meng kể lại, ông đã thi tuyển sinh đại học vào năm 1999, lúc đó ông rất lo lắng vì sợ thi hỏng, phải trở về nhà làm ruộng. “Một câu hỏi về nhà máy sắt, thép đã xuất hiện trên bản tin của đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc”, ông nói, “Nhưng trường chúng tôi không có TV và tôi chưa bao giờ xem nó… Nhưng may mắn là cuối cùng tôi cũng qua được. Do đó, tôi rất hiểu tâm trạng của học sinh hiện nay. Các em còn trẻ và thiếu kinh nghiệm. Giáo viên nên dạy họ theo phương pháp toàn diện để giải quyết các vấn đề khác nhau”.

Chen, giáo viên Vật lý cao cấp tại Trường trung học Hengshui, tỉnh Hà Bắc, cho biết các bài thi đã trở nên gần gũi hơn với cuộc sống thực tế của mọi người. “Trong vật lý, các chủ đề bao gồm từ lỗ đen và lý thuyết lượng tử đến sóng hấp dẫn, chúng tôi đều thu thập các tài liệu liên quan và in chúng ra cho học sinh tham khảo thêm”, ông nói.

Trường của ông nổi tiếng với phương pháp giảng dạy sáng tạo và học sinh có những thành tích xuất sắc tại Gaokao. Năm 2018, có 214 trong số hơn 7.000 thí sinh của trường đã thi đỗ vào các trường đại học Thanh Hoa và Bắc Kinh, những cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của Trung Quốc. “Mục đích cuối cùng của học tập là ứng dụng nó”, Chen nói, “Các bài thi Gaokao hiện tại phần lớn tập trung nhiều vào kiểm tra khả năng của học sinh hơn là kiến thức và kỹ năng cơ bản. Kiến thức và khả năng bổ sung cho nhau và không thể bỏ qua cái nào”.

Trong kỳ thi tiếng Trung năm nay, một đề tài của bài luận là viết bài phát biểu về lao động chân tay. “Đề bài mang tính giáo dục cao và có thể là một hướng dẫn thực tế cho học sinh”, Bai Wenxin nói, “Lao động thể chất cũng là một kỹ năng quan trọng mà học sinh phải thành thạo. Chúng ta nên tôn trọng mọi người lao động”.

Năm nay là năm kỷ niệm lần thứ 100 Phong trào Ngũ Tứ, một chiến dịch yêu nước được phát động vào năm 1919 bởi thanh niên Trung Quốc để chống lại chủ nghĩa đế quốc và chế độ phong kiến. Một chủ đề tự luận được đưa ra là hãy tưởng tượng bạn là một thanh niên từ thời đại khác và viết một lá thư hoặc bài diễn văn liên quan đến phong trào này.

“Các môn tự luận có liên quan đến thời đại ngày nay, tập trung vào sự phát triển và lịch sử của đất nước chúng ta”, Liu Yingcheng, 56 tuổi, giáo viên dạy tiếng Trung Quốc từ Qianjiang, Hồ Bắc nói, “Trước đây, thí sinh chỉ viết bài luận, nhưng bây giờ hình thức văn học được mở rộng thành một bức thư hoặc bài diễn văn, mang tính thực tế hơn”.

Ông yêu cầu học sinh phải chú ý đến các vấn đề trung tâm và tin tức xã hội ở Trung Quốc để mở rộng tầm nhìn, trau dồi quan điểm của họ. Để viết một bài luận hay, thí sinh cần có cái nhìn sâu sắc và biết về cấu trúc cơ bản của nó. Ngôn ngữ hoa mỹ và sự sáng tạo cũng rất quan trọng.

Ông nói rằng trong các kỳ thi trước, thí sinh được yêu cầu viết ra một bài thơ cổ hoặc tiếng Trung Quốc cổ điển, đề thi đã cho họ câu trước và họ được yêu cầu viết câu tiếp theo.

Bây giờ, câu hỏi đã linh hoạt hơn và thí sinh cần biết ý nghĩa của văn bản gốc để có câu trả lời đúng.

Nói chung, với quyết tâm cải cách thi cử, ngành giáo dục của Trung Quốc đang nhận được sự ủng hộ trong công chúng.

Theo Chinadaily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.