Trung Quốc quản trị GDĐH: Thí điểm Hội đồng trường

GD&TĐ - Trong báo cáo nhanh của đề tài Khoa học giáo dục: “Quản lý Nhà nước đối với giáo dục đại học: Một số kinh nghiệm của Trung Quốc và khuyến nghị cho Việt Nam”, PGS. TS Mai Ngọc Anh (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cho biết, các trường ĐH Trung Quốc được tự chủ về tài chính, nhà nước đầu tư vào các phòng thí nghiệm thông qua các dự án trọng điểm. Trong khi đó, Trung Quốc cũng chỉ mới thí điểm Hội đồng trường trong các trường ĐH từ năm 2014 tới nay. Hiện tại, chỉ mới có khoảng 84 trường trên tổng số gần 2.500 trường ĐH của Trung Quốc có Hội đồng trường.  

Hệ thống đại học của Trung Quốc đang dần theo kịp với các nước có nền GD tiên tiến trên thế giới
Hệ thống đại học của Trung Quốc đang dần theo kịp với các nước có nền GD tiên tiến trên thế giới

Đại chúng hóa GDĐH

Để xây dựng hệ thống GDĐH nhằm giúp quốc gia này đạt được mục tiêu đại chúng hóa GDĐH; đồng thời phát triển được các trường đẳng cấp quốc tế, một mặt, chính phủ Trung Quốc hỗ trợ các trường tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ giảng dạy; cho phép các trường thu học phí để gia tăng nguồn thu.

Chính phủ dành nhiều tiền hơn cho các khu vực kém phát triển. Mặc khác, chính phủ Trung Quốc thực hiện sáp nhập các trường ĐH tạo điều kiện phát triển các trường theo Dự án 211, 985. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chính phủ Trung Quốc vẫn duy trì hỗ trợ tài chính đối với SV bản địa với phương châm đào tạo ra những nhân tài để phục vụ sự phát triển của xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ngoài những trường trực thuộc Bộ Giáo dục được lựa chọn tham gia dự án 211, những trường ĐH còn lại được lựa chọn theo nguyên tắc “một bộ một trường ĐH; một tỉnh một trường ĐH”.

Mặc dù có một số tiêu chí phản ánh tính ưu việt của trường được lựa chọn tham gia dự án như mức độ danh tiếng, đội ngũ các nhà khoa học của nhà trường…, mối quan hệ giữa nhà trường và chính phủ mới là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định trường được lựa chọn tham gia vào Dự án 211, và căn cứ để lựa chọn các cơ sở GDĐH tham gia Dự án 985.

Bên cạnh đó, để phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học ở các trường ĐH, từ năm 1985, Ủy ban KHCN Nhà nước (tiền thân của Bộ KHCN) ban hành Chương trình Tinh Hoả (Spark Program) nhằm tạo động lực tăng trưởng kinh tế địa phương, vườn ươm phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp và khuyến khích áp dụng công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp.

Chương trình Phát triển nghiên cứu kỹ thuật công nghệ cao (Chương trình 863) năm 1986 cùng với Chương trình Phát triển nghiên cứu cơ bản trọng điểm quốc gia (Chương trình 973) năm 1997 đã cung cấp nguồn lực cho các trường ĐH định hướng nghiên cứu để nâng cao năng lực tự đổi mới sáng tạo và phát triển các ngành công nghệ cao.

Năm 1986, Tập đoàn Phương Chính do ĐH Bắc Kinh thành lập và đến nay đã trở thành một tập đoàn lớn chuyển giao kết quả nghiên cứu và mang lại nguồn thu nhập lớn cho ĐH Bắc Kinh.

Năm 1988, Chương trình Hoả Cự (Torch Program) đã được Bộ KHCN Trung Quốc ban hành nhằm khuyến khích khai thác tiềm năng công nghệ và chuyển giao, thương mại hoá và quốc tế hoá các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ cao, thành lập các khu công nghệ cao.

Tính đến năm 2012, Chương trình này đã tài trợ 94 khu kiểu mẫu đổi mới sáng tạo tự chủ (research parks) do các trường ĐH thành lập và quản lý, tạo dựng được 7.369 doanh nghiệp khởi nghiệp do các giáo sư ĐH sáng lập hoặc đồng sở hữu.

Một ví dụ điển hình chính là Công viên công nghệ Trung Quan Thôn là khu kiểu mẫu đổi mới sáng tạo tự chủ lớn nhất được thành lập năm 1988, bao gồm 41 trường đại học, 206 viện nghiên cứu và các trung tâm nghiên cứu doanh nghiệp khác, nơi được ví là Thung lũng Silicon của Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc cũng khuyến khích các trường ĐH thương mại hoá các phát minh sáng chế của mình và tạo dựng các doanh nghiệp khởi nghiệp do chính các nhà khoa học đồng sở hữu với cơ quan nghiên cứu. Chính phủ cho phép các trường thành lập các khu kiểu mẫu đổi mới sáng tạo tự chủ và hỗ trợ tài chính cũng như về chính trị từ đầu những năm 1990.

Sự xuất hiện của các doanh nghiệp do trường ĐH sở hữu đã chứng minh rằng, các nhà nghiên cứu ở các trường ĐH có thể tham gia vào quá trình kinh doanh chứ không chỉ tập trung vào đào tạo và hợp tác với trường - ngành.

Để phù hợp với bối cảnh mới, chính phủ Trung Quốc đã tiến hành sửa đổi Luật GDĐH Luật Xúc tiến phát triển các cơ sở GD ngoài công lập năm 2015.

Đổi mới bộ máy quản trị

Trước năm 1949, Hội đồng trường là tổ chức đóng vai trò quan trọng trong huy động nguồn lực và đưa ra quyết sách phát triển của trường ĐH. Năm 1950, quy định về quyền hạn, trách nhiệm của hiệu trưởng được xác lập, theo đó hiệu trưởng trường đại học là người đứng đầu Hội đồng trường và là người chịu trách nhiệm cuối cùng đối với tất cả các quyết định của nhà trường.

Năm 1958, Hội đồng trường được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ trường. Năm 1961 đứng đầu Hội đồng trường là hiệu trưởng và Đảng uỷ trường vẫn trực tiếp lãnh đạo Hội đồng trường. Năm 1966 nhất thể hoá vị trí hiệu trưởng với bí thư Đảng uỷ trường.

Tháng 10/1978, Bộ Giáo dục Trung Quốc ban hành “Quy định tạm thời đối với các trường đại học trọng điểm” theo đó Đảng uỷ trường quyết định các hoạt động từ giảng dạy, nghiên cứu, cũng như định hướng phát triển nhà trường; Hiệu trưởng chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động theo chỉ đạo từ Đảng uỷ trường. Hội đồng trường bị giải tán và Hội đồng khoa học được thành lập.

Năm 1988, Bộ Giáo dục quyết định thí điểm gia tăng quyền hạn và trách nhiệm hiệu trưởng tại một số trường ĐH mà Đảng uỷ không thực hiện tốt vai trò lãnh đạo phát triển trường (Quyết định của Ủy ban GD quốc gia về Thực thi hệ thống trách nhiệm hiệu trưởng trường ĐH). Ở thời điểm này, một vài trường ĐH đã thành lập Hội đồng trường dưới sự điều hành của hiệu trưởng.

Năm 1989, hiệu trưởng điều hành các hoạt động của trường ĐH dưới sự kiểm soát của Đảng uỷ trường về tư tưởng chính trị. Năm 1998, Luật GDĐH được ban hành, Đảng uỷ lãnh đạo chính trị nhà trường, Đảng uỷ thông qua các quyết định về cải tổ trường, kế hoạch và các nguyên tắc quản lý cơ bản. Hiệu trưởng là người đại diện hợp pháp của nhà trường; chịu trách nhiệm về quản lý, giảng dạy và nghiên cứu, bổ nhiệm và giải tán khoa, tuyển dụng và sa thải cán bộ viên chức, xây dựng và thực thi kế hoạch ngân sách nhà trường.

Luật GDĐH 1998 của Trung Quốc khẳng định các vị trí lãnh đạo cao nhất của nhà trường do cơ quản chủ quản bổ nhiệm. Các vị trí quản lý còn lại của nhà trường do hiệu trưởng nhà trường quyết định dưới sự lãnh đạo về tư tưởng chính trị của Đảng uỷ trường. Hội đồng khoa học quyết định về chương trình đào tạo, môn học và các kế hoạch nghiên cứu khoa học của trường; tuy nhiên chưa xác định số lượng tối thiểu về thành viên của Hội đồng khoa học. Hội đồng trường trong cơ cấu tổ chức của trường đại học chưa được thể chế hoá trong Luật GDĐH sửa đổi 2015.

Năm 2010, chủ trương thành lập Hội đồng trường ở các trường ĐH của Trung Quốc được đề cập trong “Cương yếu quy hoạch cải cách và phát triển GD trung và dài hạn của Trung Quốc giai đoạn 2010 - 2020”. Tuy nhiên đến năm 2014, Bộ Giáo dục mới ban hành Quy định thí điểm thành lập Hội đồng trường ĐH (Quyết định 37 năm 2014).

Theo quy định này, Hội đồng trường có tối thiểu 21 thành viên; thường hoạt động với nhiệm kỳ 5 năm; quy chế, chương trình làm việc của Hội đồng trường do nhà trường xây dựng. Bên cạnh các vai trò như tham gia đánh giá chất lượng quản trị đại học, đánh giá chất lượng đào tạo; phát triển hợp tác xã hội và thu hút tài trợ cho ngân sách trường; Hội đồng trường còn tham gia dự thảo hoặc sửa đổi quy định quan trọng của nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ