Hé lộ góc khuất trong nhiều trường ĐH Trung Quốc

GD&TĐ - Những hành vi “không đúng đắn” của giảng viên đối với sinh viên vốn là đề tài cấm kị trong các trường ĐH Trung Quốc. Tuy nhiên khi phong trào “MeToo” (phong trào mạnh dạn lên tiếng chống quấy rối tình dục) đang lan rộng trên thế giới, thì nhiều trường ĐH lớn ở nước này đã phải hành động.

Hé lộ góc khuất trong nhiều trường ĐH Trung Quốc

Lật lại quá khứ

Đại học Bắc Kinh, đại học hàng đầu Trung Quốc, trong tháng này thừa nhận rằng 20 năm trước, một giảng viên có liên quan tới “quan hệ không phù hợp giảng viên – sinh viên” với một nữ sinh viên.

Các bạn học cũ của Gao Yan, nữ sinh viên xuất sắc ngành Văn học Trung Quốc, cho biết cô đã bị hãm hiếp và đây là nguyên nhân khiến cô tự sát một năm sau.

Vào ngày 6/4, trường đại học này ra thông báo chính thức tiết lộ một số chi tiết xử lí vụ việc. Theo đó, giảng viên Shen Yang bị cảnh cáo hành chính vào hè 1998, khoảng 4 tháng sau khi Gao tự sát.

Nhưng đối với nam sinh viên chuyên ngành Toán ĐH Bắc Kinh, Deng Yuhao, thì thông tin như vậy vẫn mập mờ. Deng lên mạng xã hội WeChat hôm 7/4 kêu gọi sinh viên và giảng viên gây sức ép buộc trường ĐH công bố chi tiết hơn quá trình điều tra. Bài viết của Deng được chia sẻ hơn 1 triệu lần trên mạng.

Những bê bối gần đây liên quan tới quấy rối và lạm dụng trong trường đại học ở Trung Quốc khiến dư luận đã soi thấu tới gốc rễ vấn đề. Trong một mối quan hệ thầy – trò truyền thống, sinh viên được mặc định cam chịu và phục tùng. Mối quan hệ thầy – trò gần giống như quan hệ kiểu cha chú với con cháu trong nhà.

Bên cạnh yếu tố tích cực như ý thức tôn ti trật tự, tôn trọng bề trên thì mối quan hệ kiểu này lại dễ khiến sinh viên trở thành đối tượng bị lạm dụng.

Không khoan nhượng

Qua các vụ việc bê bối gần đây tại các trường đại học ở Trung Quốc đại lục cho thấy đã tới lúc cần bảo đảm cân bằng mối quan hệ để giáo viên không còn lợi dụng vị trí của mình để thực hiện những hành vi vi phạm đạo đức.

Ngoài vụ việc giảng viên đại học Bắc Kinh nói trên, một nam giảng viên khác bị cáo buộc có hành vi “sai trái tình dục” với ít nhất 6 phụ nữ.

Một nữ giảng viên thứ ba bị cáo buộc bắt các nam sinh viên lau nhà và làm việc nhà. Một trong những sinh viên của nữ giảng viên này tự sát và bạn gái sinh viên này lên mạng xã hội tố cáo bạn trai bị đối xử như nô lệ.

Những mối quan hệ giữa giảng viên và sinh viên nếu dựa trên tôn trọng song phương sẽ khó xảy ra quấy rối và lạm dụng. Nhiều trường đại học đại lục Trung Quốc trước làn sóng ý kiến của dư luận đã đưa ra những biện pháp thể hiện sự cầu thị.

Sau khi gặp gỡ Deng, Đại học Bắc Kinh cho biết sẽ thực hiện chính sách “không khoan nhượng” đối với những hành vi quấy rối tình dục và thiết lập các kênh tiếp nhận “báo án” từ sinh viên.

Đại học Nhân dân Thượng Hải và Đại học Nam Kinh, nơi mà giảng viên Shen đang giảng dạy, đều đã huỷ bỏ hợp đồng với ông này.

Tuần trước, một sinh viên Đại học Renmin đăng lên trang mạng “hỏi – đáp” Zhihu rằng một giảng viên của trường quấy rối tình dục cô. Thông tin này bị gỡ bỏ nhưng trước đó cư dân mạng đã kịp sao chép đăng lên mạng xã hội WeChat và những bức ảnh chụp sinh viên đứng bên ngoài phòng lớp học của giảng viên này để phản đối. Trước áp lực đó, trường đại học này đã hứa điều tra vụ việc.

Theo một nghiên cứu năm 2017 với khoảng 6.500 người, hầu hết là nữ từ 18 – 22 tuổi, được thực hiện bởi Trung tâm GD Giới và Sinh sản Quảng Châu, khoảng 70% người được hỏi đã bị quấy rối tình dục, 40% trường hợp xảy ra công khai ngay trong trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Động lực nâng cao chất lượng

GD&TĐ - Mùa tuyển sinh 2024, ĐHQG TPHCM tiếp tục dành từ 5% đến tối đa 20% tổng chỉ tiêu cho phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định của đại học này.
Cô trò Trường THCS Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tìm hiểu về Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Vân Anh

Bồi đắp niềm tự hào dân tộc

GD&TĐ - Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các trường học đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm GD thế hệ trẻ về lịch sử hào hùng của dân tộc.