Trung Quốc: Các trường ĐH tuyên chiến với nạn đạo văn

GD&TĐ - Kể từ tháng 5/2019, mỗi SV ĐH sẽ có 2 cơ hội kiểm tra luận văn lần cuối với một cơ sở dữ liệu trực tuyến để xem nội dung bị sao chép bao nhiêu từ các ấn phẩm hiện có. Đây là một dịch vụ miễn phí nhằm giúp SV kiểm tra luận văn trước khi nộp chính thức. Sau đó, nếu nội dung của luận văn bị phát hiện sao chép hơn 35%, nó sẽ bị coi là trùng lặp.

Diễn viên Zhai Tianlin bị tước bằng tiến sĩ vì đạo văn
Diễn viên Zhai Tianlin bị tước bằng tiến sĩ vì đạo văn

Đặt giới hạn để hạn chế đạo văn

Trường ĐH là một trong số những nơi đưa ra những công cụ kiểm tra như trên để kiểm soát nạn đạo văn. Tuy nhiên, một số học giả lo ngại về việc cho phép một tỷ lệ nhất định của tài liệu được sao chép và nên có chính sách không khoan nhượng đối với việc sao chép nội dung.

Diễn viên Zhai Tianlin của Trung Quốc đã ở trong “cơn bão đạo văn” vào đầu năm nay khi cư dân mạng xác định hơn 40% bài luận mà anh đưa ra vào tháng 8/2018 được sao chép từ một bài báo công bố 12 năm trước.

Trường Nghệ thuật biểu diễn của Học viện Điện ảnh Bắc Kinh đã hủy bỏ bằng tiến sĩ của Zhai hồi tháng 2 vừa qua và ĐH Bắc Kinh đã đuổi anh ra khỏi một chương trình nghiên cứu kéo dài 2 năm.

Tháng 4, cựu Giám đốc Huang Liuyu của Viện Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, đã bị tước bằng tiến sĩ sau khi bị kết tội gian lận sau 12 năm nhận bằng – hãng tin Caixin.com cho biết. Ông Huan bị phát hiện đạo văn của một nghiên cứu sinh khác trong luận án cuối cùng của mình.

Để ngăn chặn những trường hợp như trên, nhiều trường ĐH Trung Quốc trong đó có ĐH Công nghệ Vũ Hán đã đặt ra giới hạn về lượng tài liệu có thể được sao chép.

Ví dụ, SV chưa tốt nghiệp tại ĐH Khoa học và Công nghệ Thông tin tại ĐHSP Bắc Kinh được phép sao chép không quá 30% - theo một thông báo trên trang web của trường.

Các tiêu chí cho SV tốt nghiệp có xu hướng chặt chẽ hơn, thường là chỉ được phép sao chép 10 đến 20% - theo các chỉ thị mà nhiều trường ĐH công bố.

Eddy Zheng, một nghiên cứu sinh thuộc Khoa Khoa học và Kỹ thuật vật liệu tại ĐH Chiết Giang cho biết, trường của anh đã bắt đầu kiểm tra nội dung sao chép trong luận văn từ một năm trước.

Anh Zheng nói rằng, dù không có chỉ thị rõ ràng về mức độ sao chép được chấp nhận, nhưng trường chỉ cho phép sinh viên ngành khoa học, kỹ thuật có tỷ lệ sao chép dưới 10%.

“Đôi khi chúng tôi có thể sử dụng ý tưởng của người khác, nhưng chúng tôi luôn cố gắng thực hiện từ một góc độ khác. Bởi vì các bài viết của chúng tôi thường dựa trên dữ liệu thử nghiệm nên khả năng lặp lại nội dung cũng thấp hơn”.

Kiểm tra đạo văn trực tuyến

ĐH Thanh Hoa là một trong những ĐH đầu tiên ở Trung Quốc mở rộng việc phát hiện đạo văn tới các bài tập hàng ngày
ĐH Thanh Hoa là một trong những ĐH đầu tiên ở Trung Quốc mở rộng việc phát hiện đạo văn tới các bài tập hàng ngày 

“Nếu bạn thực sự mượn thứ gì đó từ người khác mà không chắc có được chấp nhận hay không, bạn có thể tự kiểm tra trước khi nộp luận án của mình” – Zheng nói - “Một người bạn đã trả tiền cho dịch vụ kiểm tra từ một trang web bán hàng trực tuyến Taobao và đã phải giảm tỷ lệ sao chép bằng cách viết lại các phần có vấn đề mà hệ thống đã gắn cờ cảnh báo”.

Giá của việc kiểm tra trên dao động từ 40 nhân dân tệ (5,8 USD) cho tới vài trăm nhân dân tệ, tùy thuộc vào độ dài và mục đích của bài viết. Nhiều người trong số các nhà cung cấp dịch vụ nói rằng họ dùng cùng hệ thống với CNKI – thư viện trực tuyến lớn nhất Trung Quốc mà hầu hết các ĐH ở đây đều sử dụng.

Việc kinh doanh này cũng phát triển trên các mạng xã hội. Trên mạng WeChat – một người dùng có tên Kuaiwuyou Thesis Writing viết rằng anh có thể “đánh bại” bất kỳ công cụ phát hiện nào được dùng ở Trung Quốc, bao gồm Hệ thống VIP Paper Check được dùng trong các học viện và ngành xuất bản. Dịch vụ của anh cảnh báo các khu vực bị sao chép và giúp SV làm lại nội dung có vấn đề.

Cần cấm tuyệt đối việc sao chép?

Tuy nhiên, Phó Giáo sư Ma Liang tại Trường Hành chính và Chính sách công của ĐH Nhân dân nói rằng nội dung bị copy không nên được cho phép ở các cơ sở giáo dục ĐH.

“Những tiêu chuẩn như vậy không nên tồn tại” – ông Ma nói – “Thật buồn cười khi một người bị trượt nếu anh ta sao chép 10% của người khác, nhưng sẽ không bị trượt nếu chỉ sao chép 9,9% như thể anh ta không đạo văn”. “Điều này rất tồi tệ ở chỗ nó khiến công chúng tin rằng đạo văn là thứ gì đó có thể thương lượng”.

Tại Mỹ, Giáo sư Emery Berger của ĐH Khoa học Thông tin và Tin học tại ĐH Massachusetts nói rằng đạo văn là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được trong văn hóa Mỹ.

SV sẽ phải đối mặt với các cáo buộc vì vi phạm những quy tắc trung thực trong học tập, mặc dù điều này phụ thuộc vào các giáo sư của họ - ông Berger nói.

Nancy Zhou, người có bằng cử nhân tại ĐH Nottingham Ninh Ba (tại Trung Quốc) và bằng thạc sĩ từ ĐH Warwick (tại Anh), cho biết các trường ĐH Anh mà cô đã học sử dụng dịch vụ Turnitin để phát hiện đạo văn. Tuy nhiên, tất cả các bài tập hàng ngày, không chỉ là luận văn – đều phải kiểm tra.

“Sự trung thực trong học tập được nhấn mạnh hàng ngày, không chỉ khi bạn sắp tốt nghiệp hay đang chuẩn bị luận văn”, cô nói.

Các trường ĐH Trung Quốc đang có những bước đi theo hướng này, hai trường ĐH hàng đầu Bắc Kinh là ĐH Bắc Kinh và ĐH Thanh Hoa là các trường đầu tiên ở Trung Quốc mở rộng việc phát hiện đạo văn để kiểm tra các bài tập hàng ngày.

Tuy nhiên, Giáo sư Ma của ĐH Nhân dân, nói rằng ông nghi ngờ vấn đề đạo văn có thể được giải quyết chỉ thông qua các trường ĐH.

“Đạo văn là một vấn đề chung của cộng đồng người Trung Quốc nhiều hơn là vấn đề của các cơ sở GD” – ông nói – “Nó bắt nguồn từ nỗi ám ảnh của chúng ta về bằng cấp mà SV, các công ty và các tổ chức công đều có. Ví dụ, nếu bạn không có bằng thạc sĩ, bạn rất khó trở thành một công chức. Nếu bạn được một công ty tuyển dụng, tấm bằng bạn sở hữu sẽ quyết định mức lương của bạn”.

Theo SCMP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ