Mức điểm này dành cho tổng số điểm 3 môn không có nhân hệ số, đối với thí sinh khu vực 3 và nhóm không ưu tiên. Năm nay, Hội đồng không xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng cho hệ CĐ. Đến thời điểm này, là lúc các trường tăng cường thông tin chiêu sinh, người học sẽ chỉ trong ngày một ngày hai đưa ra quyết định lựa chọn trường, ngành học nào. Theo các chuyên gia, trong một môi trường cạnh tranh mạnh mẽ, chọn trường uy tín chất lượng chắc chắn sẽ là ưu tiên trong quyết định của người học và xã hội.
Xây dựng ngưỡng đảm bảo chất lượng
Ngưỡng đảm bảo chất lượng trên được xét trên phổ điểm của thí sinh, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường, đặc điểm vùng miền, đảm bảo hệ số dôi dư để các trường có thể tuyển đủ thí sinh. Sau khi có ngưỡng xét tuyển, các trường đại học, cao đẳng sẽ nhận hồ sơ của thí sinh và căn cứ vào chỉ tiêu, lượng thí sinh đăng ký và ngưỡng xét tuyển, các trường sẽ ra được mức điểm chuẩn trúng tuyển cho từng ngành, trường. Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, các trường phải thông báo rõ mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo, trước ngày 1/8.
Để tạo điều kiện cho thí sinh làm quen với phương thức đăng ký xét tuyển trực tuyến, từ chiều 28/7/2016 đến 17 giờ ngày 31/7/2016, Bộ GD&ĐT sẽ cho phép các thí sinh thử nghiệm việc đăng ký trực tuyến trên trang http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn. Để đăng ký trực tuyến cần đăng nhập vào hệ thống thông qua mã truy cập đã được cung cấp khi thí sinh đăng ký dự thi và số chứng minh nhân dân (đã đăng ký trong Phiếu ĐKDT).
Ngoài ra, để nhận mã xác thực (mã OTP) khi đăng ký xét tuyển trực tuyến, thí sinh phải có số điện thoại di động đã được đăng ký trong hệ thống. Thí sinh nào sử dụng hình thức đăng ký xét tuyển trực tuyến chưa đăng ký số điện thoại di động hoặc có nguyện vọng đổi số điện thoại di động, cần về điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi nộp đơn đề nghị để đăng ký hoặc thay đổi số điện thoại di động.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã đưa ra lời khuyên với các thí sinh về xét tuyển đại học năm nay, cụ thể: Sau khi biết kết quả thi, thí sinh có khoảng 10 ngày để nghiên cứu, lựa chọn ngành/trường đăng ký xét tuyển phù hợp với kết quả có được của mình. Thông tin về điểm chuẩn vào các ngành/trường năm 2015 rất bổ ích để các em tham khảo, thí sinh nên lựa chọn những khối thi mà mình có điểm cao nhất để đăng ký xét tuyển. Quy định xét tuyển năm nay tạo điều kiện tối đa cho thí sinh chọn được ngành nghề mình yêu thích hơn là chọn được chỗ vào đại học với bất cứ ngành nào. Các em nên đăng ký xét tuyển vào ngành mình yêu thích ở các trường có điểm chuẩn khác nhau để tăng cơ hội trúng tuyển mỗi đợt xét tuyển.
Quyết định học trường nào là của người học
Ngưỡng xét tuyển đầu vào trên cơ sở tổng chỉ tiêu hơn 420.000 các trường đại học đăng ký, trong đó khoảng 100.000 chỉ tiêu xét tuyển học bạ cũng với khoảng 300.000 thí sinh xét tuyển bằng Kỳ thi THPT quốc gia, được Hội đồng đưa ra sau khi cân nhắc lấy mức điểm sao cho phù hợp để đảm bảo các trường tuyển đủ. Đây là một tính toán khó vì thực tế nhiều năm qua cho thấy, không phải thí sinh cứ đủ điểm là sẽ đăng ký xét tuyển vào một trường nào đó. Có những thứ lớn hơn mệnh lệnh hành chính, đó là uy tín và chất lượng của trường đó có thuyết phục được người học nộp đơn đăng ký xét tuyển không. Hơn ai hết, người học, xã hội sẽ tham khảo những thông tin để đưa ra quyết định chính xác nhất cho mình.
Theo tính toán của các chuyên gia tuyển sinh, với những trường trong nhóm tốp đầu (khoảng 60 trường) sẽ tuyển sinh vào khoảng 100.000 chỉ tiêu. Thực tế cho thấy, hàng năm lượng thí sinh có điểm cao trên ngưỡng khá giỏi đều đăng ký xét tuyển vào các trường này luôn ổn định.
Năm nay, quy luật này cũng sẽ không thay đổi, cho dù số thí sinh đạt điểm tuyệt đối không nhiều như năm trước, nhưng vẫn có số lượng thí sinh tương đương với năm 2015 có nguyện vọng xét tuyển vào nhóm trường này. Thế nên, việc không có nhiều thí sinh trong nhóm này có điểm tuyệt đối 9 - 10, không có nghĩa là chuẩn xét tuyển vào các trường này giảm. Nếu ai đó lo tình trạng thí sinh ảo xảy ra với những trường tốp đầu là hơi quá vì thực tế là vẫn chỉ những thí sinh trong nhóm đầu đó và cũng phải ở mức điểm cao thế nào thì mới có thể xét và trúng tuyển.
Cũng như vậy ở trường tốp giữa, theo các chuyên gia tuyển sinh, trường nào và tốp nào cũng vậy đều mong muốn tuyển người học đảm bảo được chất lượng nguồn tuyển. PGS.TS Lê Văn Thanh – chuyên gia tuyển sinh, phân tích: Vấn đề đặt ra là những năm gần đây, trường nào cũng xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh tối đa so với số lượng cho phép, lại cộng thêm ngày càng có nhiều trường, nhiều ngành mở, chính sự đa dạng trong ngành nghề như con dao 2 lưỡi, vừa giúp các trường có thêm nguồn tuyển, nhưng cũng lại tạo nên sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, người học có thêm sự lựa chọn và chắc chắn họ sẽ hướng đến những trường uy tín và chất lượng.
Tuy nhiên, theo tôi, việc này cũng không quá lo lắng vì thực tế là rồi cuối cùng việc tuyển sinh ở các trường tốp giữa cũng đều ổn thỏa, năm nay phổ điểm rất đẹp nên nhóm trường này sẽ thuận lợi.
Thực tế là lo lắng nhất và cũng ý kiến nhiều nhất luôn rơi vào nhóm các trường tốp dưới, trường ngoài công lập. Điệp khúc “tiếp tục gặp khó khăn trong tuyển sinh” là điều chắc chắn sẽ diễn ra dài lâu, cho dù đến thời điểm này các trường này đều đã tận dụng tối đa quyền tự chủ trong tuyển sinh của mình.
Trường uy tín thì lấy thí sinh có kết quả thi THPT quốc gia, trường vừa vừa thì lấy cả thí sinh thi THPT quốc gia vừa xét tuyển sinh từ học bạ, còn trường nào mong muốn lấy người học quá lớn thì bất chấp điều kiện nào cũng tuyển, miễn là có người học. Thế nên, đây có lẽ là lý do lớn nhất để Bộ phải họp hội đồng xây dựng ngưỡng điểm xét tuyển sao cho đảm bảo chất lượng nguồn. Rõ ràng, cho dù các trường xét tuyển bằng học bạ (không cần điểm sàn chất lượng) nhưng vẫn khó tuyển sinh, chỉ có một lý giải duy nhất là xã hội và người học còn cân nhắc với chất lượng và uy tín của những trường này.
Theo nhiều chuyên gia tuyển sinh, số thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2016 giảm gần 120.000 thí sinh so với năm 2015 (tương đương 15%), nhưng tổng chỉ tiêu xét tuyển đại học chính quy hệ dân sự năm 2016 là trên 420.000 chỉ tiêu (trên 300.000 chỉ tiêu lấy kết quả từ Kỳ thi THPT quốc gia, 100.000 chỉ tiêu xét học bạ), chưa kể đến chỉ tiêu hệ dân sự trong khối các trường công an, quân đội (năm 2015, tổng chỉ tiêu xét tuyển ĐH khoảng 400.000).
Như vậy, thí sinh giảm 15%, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH lại tăng lên 5%, đây là thách thức đối với các trường trong tuyển người học vì cạnh tranh nhiều hơn, nhưng có như vậy trắng – đen mới rõ, trường nào uy tín sẽ tuyển sinh tốt, ngược lại trường kém sẽ không có người học, xã hội sẽ quyết định việc này.