Tuyển sinh ĐH, CĐ 2016: Lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các nhà trường và xã hội

GD&TĐ - Dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2016 đang được lấy ý kiến với những điểm sửa đổi, bổ sung so với năm 2015. 

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2016: Lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các nhà trường và xã hội

Trong đó, những nội dung được dư luận quan tâm như: Tổ chức tuyển sinh; chính sách ưu tiên trong tuyển sinh; nguyên tắc lựa chọn tổ hợp các môn xét tuyển; tổ chức xét tuyển; yêu cầu về bảo đảm chất lượng đầu vào đối với trường tuyển sinh riêng; xét tuyển của các trường tuyển sinh riêng… 

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia tuyển sinh, Dự thảo đã lắng nghe, ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp rút kinh nghiệm từ mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2015.

Xem lại đối tượng ưu tiên, cách tính khu vực

Một trong những sửa đổi bổ sung được đưa ra lấy ý kiến, đó là chế độ ưu tiên tuyển sinh chưa hợp lý đối với một số đối tượng sẽ bị bãi bỏ.

Theo đó, quy chế 2016 sẽ bỏ các đối tượng ưu tiên: Đối tượng 02 là công nhân trực tiếp sản xuất đã làm việc liên tục 5 năm trở lên, trong đó có ít nhất 2 năm là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh công nhận trở lên và được bằng khen.

Đối tượng 07 là người lao động được cấp bộ, tỉnh công nhận thợ giỏi…; giáo viên giảng dạy đủ 3 năm trở lên thi vào các trường sư phạm; y tá, dược tá… công tác 3 năm trở lên thi vào ngành y, dược… cũng được bãi bỏ.

Hay đối tượng thí sinh là học sinh có hộ khẩu thường trú tại các xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi…; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo…; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135… cũng sẽ được bãi bỏ.

Liên quan đến khung điểm ưu tiên với đối tượng và khu vực cũng được đưa ra 2 phương án. Cụ thể phương án 1: Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa 2 nhóm đối tượng kế tiếp là 1,0 điểm; giữa hai khu vực liền kề là 0,5 điểm. Phương án 2: Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa 2 nhóm đối tượng kế tiếp là 0,5 điểm; giữa hai khu vực liền kề là 0,25 điểm.

Về việc này, PSG.TS Phạm Tiết Khánh - Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh - cho biết: Tôi đồng quan điểm với việc chọn trong 2 phương án trên, thì việc giữ nguyên (khoảng cách 1,0 và 0,5 điểm) là hợp lý vì nếu giảm theo phương án mới (0,5 và 0,25 điểm) sẽ khó khăn nguồn tuyển cho các trường thuộc vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Mà đây là những đối tượng cần được ưu tiên đáp ứng nhu cầu nhân lực cho khu vực này.

Nhiều nhà trường cũng đồng tình với việc tính khu vực (KV) tuyển sinh, khi quy định sửa đổi được đưa ra rõ ràng hơn là: KV2 gồm các thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; các huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc Trung ương (trừ các xã thuộc KV1).

Thực tế tuyển sinh nhiều năm nay cho thấy, việc điều chỉnh như vậy là hợp lý, những sửa đổi này nhằm không gây hiểu nhầm khi một số địa phương cho rằng thị xã của thành phố trực thuộc trung ương là KV2, còn thị xã trực thuộc tỉnh lại thuộc KV2-NT, đây là việc cần thiết.

Xét tuyển đảm bảo công bằng, chính xác

Vấn đề tổ chức xét tuyển với những thay đổi được đưa ra theo 2 phương án. Cụ thể, cả hai phương án thống nhất thí sinh chỉ cần nộp phiếu đăng ký xét tuyển; trường tự quy định số ngành tối đa thí sinh có thể đăng ký trong phiếu đăng ký xét tuyển.

Nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng: Nếu theo phương án 1 sẽ giao tự chủ hoàn toàn cho các trường, Bộ GD&ĐT chỉ quy định: Ngưỡng bảo đảm chất lượng; phân luồng thí sinh có kết quả thi thấp vào cao đẳng nghề và TCCN; điểm trúng tuyển đợt sau không thấp hơn điểm trúng tuyển trước.

Còn với Phương án 2 là giữ ổn định như năm 2015, có một số điều chỉnh trên cơ sở rút kinh nghiệm từ công tác xét tuyển năm 2015 như:

Thí sinh không được thay đổi nguyện vọng trong các đợt xét tuyển; đối với đợt xét nguyện vọng 1 thí sinh được đăng ký vào 1 trường; đăng ký đợt nguyện vọng bổ sung, thí sinh được đăng ký tối đa vào 3 trường…

Nhiều chuyên gia cho rằng đây cũng là cách làm hợp lý vì phương thức này đã rút kinh nghiệm từ kỳ tuyển sinh năm 2015 và quan trọng hơn là ít nhiều còn đảm bảo kiểm soát được chất lượng đầu vào.

Việc lựa chọn tổ hợp môn xét tuyển cũng là vấn đề được thí sinh và các nhà trường quan tâm. Việc Dự thảo quy định ngoài việc yêu cầu duy trì các tổ hợp môn như năm 2015, với những trường sử dụng nhiều tổ hợp môn thi để xét tuyển một ngành phải công bố mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp hoặc quy định chỉ tiêu cho từng tổ hợp (bỏ quy định giữ 75% chỉ tiêu cho ngành, nhóm ngành truyền thống).

Các ý kiến cho rằng, đây là điều chỉnh hợp lý và cần thiết vì quy định như vậy sẽ đảm bảo tính công bằng cho các đối tượng và nguyện vọng của thí sinh khi đăng ký xét tuyển.

Vấn đề công nghệ thông tin cũng nhận được nhiều sự quan tâm khi quy chế mới đưa “giải pháp hệ thống hỗ trợ tuyển sinh đại học năm 2016”, các chuyên gia tuyển sinh đều đồng quan điểm khi cho rằng nếu thực hiện được thì đây sẽ là thuận lợi cho thí sinh, nhà trường, xã hội.

Dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2016 được đưa ra với những điểm mới được nhiều chuyên gia tuyển sinh cho là sẽ tăng tính cạnh tranh giữa các trường ĐH, CĐ.

Đến thời điểm này, đã có những ý kiến của các nhà quản lý từ các đại học ngoài công lập cho rằng dự thảo “không hứa hẹn được nguồn tuyển cho các trường ĐH ngoài công lập”.

Như lý giải cho rằng dự thảo bổ sung không có điều chỉnh tiêu chí về chỉ tiêu tuyển sinh, nếu những trường ĐH công lập tuyển vượt 10% chỉ tiêu như quy định Bộ cho phép thì các trường ngoài công lập không có nguồn tuyển.

Hay như việc Bộ GD&ĐT cho phép các trường ĐH công lập xét tuyển bằng học bạ thì lại “chặn” tiếp nguồn tuyển của trường ngoài công lập.

Dự thảo như vậy là hợp lý, quyền tự chủ trong tuyển sinh là của các trường cả ngoài công lập và công lập, thế nên không thể nói là Bộ GD&ĐT cho phép trường này, cấm trường kia được như thế là phạm luật. Vấn đề của các trường cả công lập hay ngoài công lập là nâng cao chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, tạo dựng uy tín để cạnh tranh.

Thực tế cho thấy tính cạnh tranh về nguồn tuyển trong các trường ĐH ngày càng quyết liệt. Những trường thuận lợi về nguồn tuyển là những trường có thương hiệu, uy tín tốt với người học và xã hội.                                                                                                             Trong số này có nhiều trường tư chứ không riêng gì trường công. Các nhà tuyển sinh cần phải hiểu và chấp nhận rằng người học chứ không phải cơ quan quản lý nhà nước hay nhà trường quyết định việc mình theo học ở trường nào.                                                                                                                                                           PGS.TS Nguyễn Xuân Nghị - Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ