(GD&TĐ) - Không chỉ các trường đại học ngoài công lập gặp khó khăn trong mùa tuyển sinh 2012 mà cả các trường ĐH, CĐ địa phương cũng gặp khó khăn không ít. Chính vì thế, đến thời điểm này, các trường đang âm thầm thực hiện các bài tính để thu hút người học trước một mùa tuyển sinh báo hiệu cũng không kém phần “nóng” như năm 2013.
Nhiều cách thu hút
Đại diện một trường ngoài công lập thẳng thắn thừa nhận: Chúng tôi không hy vọng lấy thí sinh ngay từ nguyện vọng đầu, mà chủ yếu ở các nguyện vọng sau. Có vẻ như một trong những cách thức thu hút người học của các trường đem lại hiệu quả, đặc biệt là những trường mới thành lập và nâng cấp là khá quan trọng.
Rất nhiều cách để thực hiện, trường thì tìm các mối quan hệ để đặt vấn đề ngay sau khi thí sinh thi có kết quả để xin danh sách điểm số thí sinh, rồi lựa chọn những thí sinh trượt của các trường đại học lớn, có địa chỉ nơi ở gần trường để gửi thư mời học. Lại có trường hợp đồng với các trung tâm giáo dục, các trường phổ thông gọi tuyển sinh giúp với chi phí bồi dưỡng để 2 bên cùng có lợi.
Ngoài ra, các trường cũng tăng cường mở rộng, xây dựng hình ảnh, tư vấn trực tuyến... đây được coi là nhanh nhạy và đỡ tốn chi phí. Xem ra, việc vào cuộc quyết liệt của các trường này cũng đã phần nào phát huy hiệu quả tích cực vì thông qua các trang mạng xã hội, trường phổ thông... đã đến được người học nhiều hơn.
Sinh viên Đại học Trà Vinh thực hành hưởng lương tại Tập đoàn Mỹ Lan |
Gắn với nhu cầu thực tế
Còn nhớ mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2012, nhiều ngành học ở các trường đại học tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long điểm chuẩn chỉ bằng điểm sàn nhưng vẫn rất khó tuyển sinh. Trường Đại học An Giang đã thông báo tạm ngưng tuyển sinh một số ngành học do số thí sinh trúng tuyển không đủ để tổ chức đào tạo. Trường Đại học Trà Vinh năm 2012 cũng phải kéo dài thời gian xét tuyển tới tận 30/11 nhưng nhiều ngành vẫn tuyển không đủ chỉ tiêu. Ở khu vực miền Trung, Trường Đại học Phú Yên cũng phải tạm ngưng đào tạo một số ngành cũng do tuyển không đủ chỉ tiêu.
Từ thực tế đó, năm nay này, các trường chú trọng hơn đến việc đào tạo nhân lực phục vụ địa phương. Nhiều trường cũng xác định sẽ tuyển nhiều chủ yếu ở nguyện vọng 2 nên các hoạt động quảng bá hình ảnh, cũng như phân tích các hoạt động đào tạo của trường để người học biết và đưa ra lựa chọn cuối cùng. Theo TS. Nguyễn Huy Vị - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Yên, các trường ĐH vùng, ĐH địa phương đào tạo các ngành nghề căn cứ trên nhu cầu nhân lực của địa phương, sinh viên học ra trường sẽ dễ có cơ hội việc làm hơn. Đưa ra dẫn chứng ở Đại học Phú Yên được giao đào tạo theo nhu cầu của tỉnh nên tùy theo nhu cầu giáo viên của tỉnh mà UBND tỉnh giao chỉ tiêu để trường đào tạo. Đây cũng là cách thức hạn chế việc đào tạo thừa, dẫn đến cung vượt cầu.
Còn theo TS Phạm Tiết Khánh – Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh, tỉnh có các khu công nghiệp, việc xây dựng kế hoạch đào tạo của trường trong năm nay, trường đặc biệt ưu tiên gắn với tạo nguồn nhân lực cho khu vực này, sau đó mới đến đào tạo đáp ứng nhu cầu phát triển nhân lực các vùng lân cận. Đại học Trà Vinh đã có hợp tác hết sức hiệu quả khi mời doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo, TS. Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan cũng đồng thời là Chủ nhiệm khoa Hóa (Đại học Trà Vinh) nên các hoạt động đào tạo luôn gắn với thực tế doanh nghiệp, tăng cơ hội việc làm cho người học. TS Khánh cho biết: Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc Khmer Nam bộ, từ năm 2012, Đại học Trà Vinh chính thức đào tạo chuyên ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống Khmer Nam bộ, hiện đang là trường đại học đầu tiên và duy nhất trong cả nước đào tạo chuyên ngành này. Bước đầu tuyển sinh có khó khăn vì người học ít, nhưng năm 2013 này hứa hẹn sẽ thu hút được đông người học hơn. Nhà trường cũng triển khai mạnh việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về trường và các hoạt động đào tạo, cũng như có những phân tích ngành nghề để người học hiểu.
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là các thí sinh sẽ bước vào đợt I của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013. Chưa có quyết định cuối cùng được đưa ra, vẫn còn nhiều cơ hội cho sự lựa chọn, nhưng xem ra thí sinh đã nghiêng nhiều về các trường đại học địa phương vì học trường ĐH gần nhà chi phí sẽ giảm hơn nhiều so với học tại các thành phố lớn. Còn đối với các trường ngoài công lập thì rõ ràng uy tín đã tạo nên sức hút đối với các trường này, tuy nhiên cách thức tuyên truyền, quảng bá hình ảnh cũng đã ít nhiều đem lại hiệu quả.
Dĩ Hạ