Tuy còn khó khăn trong triển khai, song cơ bản các trường đều có phương án tháo gỡ để đạt kết quả tuyển sinh tốt nhất.
Gỡ rào cản
Chuẩn bị năm học 2021 - 2022, thành phố Lào Cai (Lào Cai) lần đầu triển khai tuyển sinh đầu cấp theo hình thức trực tuyến. Dù vừa hoàn thành tuyển sinh và có một số khó khăn, song theo cô Phạm Thị Khánh Hường - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (thành phố Lào Cai), hình thức này bước đầu khẳng định tính ưu việt trên nhiều góc độ.
Theo cô Hường, thời điểm dịch Covid-19 phức tạp, phụ huynh ngồi tại nhà sử dụng điện thoại kết nối mạng có thể đăng ký tuyển sinh cho con. Phía nhà trường cũng giảm áp lực trong công tác phân luồng, tiếp nhận nhiều người trong cùng thời điểm để nộp hồ sơ.
Mặt khác, với thí sinh đăng ký nhưng không đạt tiêu chuẩn, nhà trường cũng không phải trả lại hồ sơ bản cứng, gia đình không mất thời gian đến tận nơi rút hồ sơ.
Tuy vậy, cô Phạm Thị Khánh Hường cho rằng: Để tuyển sinh trực tuyến đầu cấp đạt hiệu quả cao cần tính đến phương án hỗ trợ những phụ huynh không sử dụng điện thoại thông minh, không thành thạo, bỡ ngỡ khi thao tác trên thiết bị.
Trong đợt tuyển sinh vừa qua, trường hỗ trợ bằng cách đăng số điện thoại của giáo viên tuyển sinh lên nhóm Zalo, Facebook, trang website… Phụ huynh vướng mắc ở đâu có thể gọi điện nhờ hỗ trợ, tư vấn đăng ký tuyển sinh trực tuyến. Những phụ huynh tới trường đăng ký, nhà trường cử bộ phận trực đón tiếp và hỗ trợ đăng ký ngay trên máy.
Với sự chuẩn bị chu đáo này, Trường THCS Lê Quý Đôn đã đạt 100% hồ sơ đăng ký trực tuyến đầu cấp đối với lớp 6 năm học tới.
Tại Trường Tiểu học Thanh Mỹ (Sơn Tây – Hà Nội), đa số phụ huynh là nông dân, hạn chế trong sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, kết nối mạng. Một số phụ huynh làm ăn xa để trẻ ở nhà với ông bà cao tuổi khó tiếp cận được với tuyển sinh trực tuyến. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai tuyển sinh đầu cấp trực tuyến, trường được ghi nhận đứng thứ 5/15 trường của thị xã thực hiện tuyển sinh trực tuyến hiệu quả.
Cô Khuất Thị Nga – Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: Tuyển sinh trực tuyến đã phát huy ưu điểm trong thời đại công nghệ số và càng có ý nghĩa trong điều kiện dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, để tuyển sinh trực tuyến hiệu quả trong bối cảnh, điều kiện khó khăn, đặc thù riêng, nhất định nhà trường phải có giải pháp hỗ trợ phù hợp với thực tế của địa phương.
Đối với Trường Tiểu học Thanh Mỹ, ngay khi có kế hoạch tuyển sinh đã đẩy mạnh thông báo trên hệ thống loa phát thanh của xã, dán thông báo hướng dẫn tuyển sinh trực tuyến ở cổng trường. Trước tuyển sinh nửa tháng, trường tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền qua hệ thống phát thanh xã 2 lần/ngày (sáng, chiều) về các bước đăng ký tuyển sinh trực tuyến.
Thậm chí nắm được đặc tính phụ huynh ở nông thôn ngại tiếp cận tuyển sinh trực tuyến, trường kết hợp giữa tuyển sinh trực tuyến và trực tiếp. Bố trí ban tuyển sinh ngồi tại trường để hỗ trợ phụ huynh khai và nhập thông tin lên máy, sau đó in đơn và thu hồ sơ luôn từ phụ huynh.
Ngày thứ 2 tuyển sinh, trường tiếp tục rà soát lại toàn bộ danh sách “cứng” số đăng ký trực tuyến. Trường hợp nào chưa đăng ký cử cán bộ tuyển sinh (người ở xã, nắm được địa chỉ, số điện thoại…) liên hệ trực tiếp để nhắc gia đình và nắm thông tin.
Là trường nông thôn vùng khó nhưng việc tuyển sinh trực tuyến có sự chuẩn bị kĩ càng nên đạt 85% số chỉ tiêu được giao theo hình thức tuyển sinh trực tuyến. Cô Tô Bích Liên – Hiệu trưởng Trường THCS Đông Sơn (Chương Mỹ - Hà Nội) chia sẻ: “Phụ huynh cơ bản làm nghề nông, lao động tự do, điều kiện kinh tế khó khăn nhưng phối hợp để tuyển sinh trực tuyến lớp 6 thành công. Trường chuẩn bị kĩ hệ thống máy tính, đường mạng, tập huấn kĩ thuật cho đội ngũ tuyển sinh.
Sau khi có văn bản hướng dẫn của sở, phòng… trường xây dựng kế hoạch tuyên truyền tới cha mẹ học sinh thông qua phát thanh xã. Bên cạnh đó, trong các cuộc họp Đảng ủy, HĐND, Bí thư, trưởng thôn đều tuyên truyền về tuyển sinh trực tuyến để bảo đảm an toàn phòng chống Covid-19…
Ghi nhận phương án tối ưu
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&DT Yên Bái) cho biết: Tình hình dịch Covid-19 tại địa phương không quá căng thẳng, các trường ở thành phố, thị trấn vẫn tuyển sinh theo hình thức trực tiếp nhưng lịch tuyển sinh phân chia rõ ràng thời gian, số lượng để tránh tập trung đông người.
Ở góc độ chuyên môn, bà Hằng đánh giá cao tuyển sinh trực tuyến và cho rằng ngành Giáo dục Yên Bái cũng tính tới phương án tuyển sinh trực tuyến thời gian tới (đặc biệt khi có dịch Covid-19 và CNTT phát triển) ở những vùng trung tâm, thuận lợi…
Lãnh đạo Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Yên Bái) khẳng định: Nếu triển khai tuyển sinh trực tuyến, yếu tố nhân lực tại các nhà trường không đáng lo ngại bởi thầy cô được tiếp cận dạy học trực tuyến, ứng dụng CNTT trong dạy học. Điều kiện triển khai từ phía phụ huynh mới đáng suy nghĩ và cần tháo gỡ…
“Khó khăn nhất khi tuyển sinh trực tuyến ở khu vực nông thôn là dân trí thấp, điều kiện máy tính, điện thoại thông minh thiếu, một bộ phận phụ huynh chưa quan tâm tới tuyển sinh đầu cấp. Tuy nhiên, nếu tháo gỡ được những khó khăn cơ bản này, tuyển sinh trực tuyến thực sự phát huy ưu điểm, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19. Năm học này và các năm tiếp theo nhà trường vẫn mong muốn được triển khai tuyển sinh đầu cấp theo hình thức trực tuyến…” – cô Tô Bích Liên cho biết.