Tuyển sinh Đại học năm 2022 chuẩn bị phù hợp để thích ứng với yêu cầu thực tế

GD&TĐ - Trước những điểm mới trong tuyển sinh, xu hướng ngành nghề, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, công tác định hướng thí sinh chọn ngành, trường tại các cơ sở giáo dục phổ thông đã có những thay đổi để thích ứng.

Nguyễn Vân Phong (đứng) cùng các bạn ôn bài trong lớp học.
Nguyễn Vân Phong (đứng) cùng các bạn ôn bài trong lớp học.

Thầy cô luôn đồng hành

“May mắn, em vẫn được học trực tiếp và đã nhận được những lời khuyên chân thành từ thầy cô để cuối cùng kiên định với định hướng ban đầu là đăng ký xét tuyển theo phương thức thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển học bạ. Bên cạnh đó, trong các tiết hướng nghiệp, em cũng được giáo viên định hướng chi tiết nên không còn cảm thấy mông lung trước quyết định của mình”, Nguyễn Vân Phong chia sẻ.

Là học sinh lớp 12C1, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên), Nguyễn Vân Phong chia sẻ: Đây là giai đoạn khó khăn với học sinh cuối cấp khi phải lựa chọn “bến đỗ” sau tốt nghiệp THPT. Tuy vậy, thuận lợi là Phong sinh ra trong gia đình có truyền thống nghề giáo, cùng với niềm đam mê cháy bỏng với nghề dạy học, em đã lựa chọn Khoa Sư phạm Tiếng Anh, Trường ĐHSP Hà Nội 2 là mục tiêu phấn đấu. Theo dự kiến tuyển sinh của các trường đại học thì năm 2022 sẽ có nhiều thay đổi về phương thức tuyển sinh. Ban đầu, Phong cảm thấy khá bối rối khi không biết bản thân nên đăng ký xét tuyển theo phương thức nào.

Tại Trường THPT Lục Nam, Bắc Giang, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng nhà trường vẫn quan tâm đến công tác định hướng chọn trường cho học sinh.

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Phương Lan cho biết: Trường đã tuyên truyền trực tiếp thông qua giờ giảng hướng nghiệp, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh; khảo sát nguyện vọng học sinh qua giáo viên chủ nhiệm để tư vấn. Ban tuyển sinh nhà trường bám sát thông tin tuyển sinh của các trường đại học để thông tin kịp thời đến học sinh; đặc biệt là các trường tổ chức thi đánh giá năng lực. Đồng thời, tìm hiểu cấu trúc đề thi mẫu thông qua giáo viên bộ môn, đưa vào nội dung hướng dẫn cho các em làm quen. Nhà trường cũng tạo điều kiện cho một số trường đại học, cao đẳng tiếp cận với học sinh (trực tiếp hoặc gián tiếp); phối hợp tốt với các cơ quan trên địa bàn để hướng dẫn tuyển sinh các ngành cần sơ tuyển.

Với Trường Liên cấp THPT Tây Hà Nội (TP Hà Nội), việc dạy học phân hóa được áp dụng ngay từ lớp 10. Điều này giúp học sinh nhận ra được thế mạnh, năng lực thực sự của bản thân, theo đuổi định hướng học tập suốt cấp học. Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Hiệu trưởng Trường Liên cấp Tây Hà Nội, phân hóa trước hết thể hiện theo năng lực sở trường của học sinh, phù hợp với sở thích, theo định hướng xã hội hoặc tự nhiên.

Tiếp đó, ở từng bộ môn, khối ngành, các em được học trình độ cao - thấp khác nhau; việc học theo trình độ giúp học sinh tiến bộ nhanh và định vị được bản thân. Ngoài ra, các kỳ kiểm tra môn theo tháng, thi thử theo tháng cũng góp phần đánh giá và tư vấn theo khối. Giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm sẽ tư vấn về mức độ cần đạt của khối ngành và trường cụ thể.

“Trong điều kiện dịch bệnh, việc học tập bị hạn chế thì điều cần tăng cường và ưu tiên là trải qua các kỳ thi thử để học sinh quen với các dạng đề thi, áp lực thi, từ đó có khả năng thích ứng tốt hơn” - PGS.TS Nguyễn Việt Hùng cho hay.

Tư vấn hướng nghiệp online tại Trường THPT Võ Thị Sáu (An Giang).
Tư vấn hướng nghiệp online tại Trường THPT Võ Thị Sáu (An Giang).

Chuyển đổi hình thức hướng nghiệp

Không học trực tiếp nhưng những học sinh vùng dịch vẫn nhận được sự hỗ trợ, tham vấn, định hướng trong chọn ngành, chọn trường. Cô Trương Thị Nguyện, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu (An Giang), cho biết, vì dịch bệnh kéo dài, việc dạy học và các hoạt động đều phải thay đổi hình thức nên công tác hỗ trợ, tham vấn, tư vấn hướng nghiệp chọn trường, ngành cho học sinh trước kỳ thi tuyển sinh năm 2022 cũng thay đổi sang hình thức trực tuyến.

Nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch hướng dẫn về công tác hướng nghiệp, bảo đảm các tiết học Giáo dục hướng nghiệp trong chương trình chính khóa theo quy định của Bộ GD&ĐT. Đồng thời, tích hợp một số tiết học ngoài giờ lên lớp, chương trình ngoại khóa, hoạt động tư vấn tuyển sinh với các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh để tư vấn, tuyên truyền; lồng ghép về nội dung này trong các hoạt động, sinh hoạt tập thể, cuộc họp phụ huynh...

Bên cạnh đó, học sinh khối 12 của trường được chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội ngay đầu năm để phân loại, xếp lớp, tổ chức giảng dạy và tư vấn cho các em thuận tiện, tốt nhất. Phân công giáo viên phụ trách công tác hướng nghiệp cho các khối lớp, trong đó có Đoàn Thanh niên và giáo viên chủ nhiệm. Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm các lớp 12 thường xuyên quan tâm, nắm sát năng lực học tập của từng em để tư vấn ngành nghề phù hợp, tăng khả năng thi đậu vào trường đã chọn.

Thầy Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Sơn (Phú Thọ), chia sẻ: Nhà trường đã triển khai công tác hỗ trợ, tham vấn, định hướng việc chọn trường, chọn ngành cho thí sinh trước kỳ tuyển sinh năm 2022. Trong đó có việc thành lập tổ tư vấn hướng nghiệp gồm 12 thành viên gồm lãnh đạo trường, Đoàn Thanh niên, giáo viên nhiều kinh nghiệm và giáo viên chủ nhiệm.

Tổ đã xây dựng nội dung, chương trình kế hoạch hoạt động, cập nhật thông tin tuyển sinh cho học sinh trên nhóm Zalo. Kế hoạch sẽ tổ chức tọa đàm trực tiếp với các lớp 12 để trả lời, giải thích những băn khoăn, thắc mắc cho các em. Trong điều kiện dịch bệnh, việc triển khai công tác này trực tiếp có hạn chế nên nhà trường tăng cường tương tác trên mạng Internet qua các nền tảng công nghệ Zalo, Facebook.

Hiện trường duy trì đều đặn hình thức tư vấn online, gửi tài liệu, các bài báo phân tích về tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh để phụ huynh, học sinh tham khảo. Đồng thời, kết nối nhóm Zalo với các chuyên gia phụ trách công tác hướng nghiệp các trường đại học để chia sẻ thực tế cho các em. Ngoài ra, trường thành lập tổ tư vấn hướng nghiệp, giúp học sinh khối 12 đăng ký, lựa chọn ngành, nghề phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân; cung cấp thông tin, giải đáp những thắc mắc của các em về ngành nghề, công việc mình định lựa chọn... - Cô Trương Thị Nguyện 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ