Tuyển sinh 2022: Không phụ thuộc hoàn toàn vào điểm số

GD&TĐ - Thay vì dựa hoàn toàn vào điểm thi, năm 2022, một số cơ sở giáo dục đại học bổ sung các tiêu chí về hoạt động xã hội, văn thể mỹ, năng khiếu, phỏng vấn… để tuyển sinh.

Cơ hội tuyển sinh của ngành sẽ tăng khi có những tiêu chí mới trong xét tuyển. Ảnh minh họa
Cơ hội tuyển sinh của ngành sẽ tăng khi có những tiêu chí mới trong xét tuyển. Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, đây là tín hiệu tốt, thể hiện công tác tuyển sinh của các trường ngày càng đổi mới, đa đạng và tự chủ cao.

Đánh giá toàn diện năng lực của thí sinh

PGS.TS Nguyễn Hoàng Tú Anh – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Thông tin (ĐHQG TP Hồ Chí Minh) – thông tin: Năm 2022, lần đầu tiên Trường ĐH Công nghệ Thông tin áp dụng phương thức xét tuyển thẳng dành cho tài năng thể thao. Cụ thể, thí sinh đoạt Huy chương Vàng/ Bạc/ Đồng ở các giải thể thao quốc tế chính thức, bao gồm: Giải vô địch thế giới, Cúp thế giới, Thế vận hội Olympic, Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD), Giải vô địch châu Á, Cúp châu Á, Giải vô địch Đông Nam Á, Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games), Cúp Đông Nam Á (thời hạn được tính để hưởng ưu tiên không quá 4 năm tính đến ngày xét tuyển vào trường). Điểm trung bình kết quả học tập THPT các môn trong tổ hợp xét tuyển lớn hơn hoặc bằng 7.0.

Nếu như năm 2021, lần đầu tiên Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP Hồ Chí Minh) bắt đầu triển khai phương thức tuyển sinh theo hình thức phỏng vấn thì năm 2022 trường này bổ sung thêm các tiêu chí “hoạt động xã hội”. Đây cũng lần đầu tiên nhà trường triển khai áp dụng tiêu chí này.

Cụ thể, ngoài việc tiếp tục sử dụng đa dạng các phương thức tuyển sinh như: Tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, xét chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh người nước ngoài, xét học lực kết hợp phỏng vấn; nhà trường dự kiến tuyển sinh theo hình thức kết hợp các tiêu chí để đánh giá toàn diện năng lực thí sinh gồm: Năng lực học tập, hoạt động xã hội, hoạt động văn thể mỹ, bài luận, thư giới thiệu, phỏng vấn. Dự kiến phương thức này sẽ là phương thức chủ đạo trong tuyển sinh của trường từ năm 2022.

Một số trường áp dụng tiêu chí về hoạt động xã hội của thí sinh để xét tuyển. Ảnh minh họa
Một số trường áp dụng tiêu chí về hoạt động xã hội của thí sinh để xét tuyển. Ảnh minh họa

PGS.TS Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa – chia sẻ: Bất kỳ đóng góp nào cho xã hội đều đáng trân quý. Ví dụ: Học sinh tham gia chiến dịch mùa hè xanh, các hoạt động tình nguyện hỗ trợ cộng đồng tại địa phương, tham gia tình nguyện viên trong mùa dịch Covid-19; hoặc thí sinh tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, viết bài luận để trình bày những thế mạnh của mình… Việc bổ sung thêm các tiêu chí xét tuyển như trên nhằm tạo điều kiện cho thí sinh có thế mạnh về hoạt động xã hội đăng ký xét tuyển, có cơ hội hiện thực hóa ước mơ học đại học.

Nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên nhà trường áp dụng phương thức xét tuyển thẳng dành cho tài năng thể thao, PGS.TS Nguyễn Hoàng Tú Anh – chia sẻ: Thực tế cho thấy, các vận động viên trẻ của Việt Nam tham gia các giải đấu đỉnh cao khu vực và thế giới đều dành hết tâm sức, thời gian cho thi đấu. Nhiều em sau khi giải nghệ gặp khó khăn trong trong tìm kiếm việc làm và hội nhập với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; thậm chí một số em rơi vào hoàn cảnh nghèo khó. 

Năm 2022, một số cơ sở giáo dục đại học bổ sung các tiêu chí tuyển sinh về hoạt động xã hội, năng khiếu. Ảnh minh họa
Năm 2022, một số cơ sở giáo dục đại học bổ sung các tiêu chí tuyển sinh về hoạt động xã hội, năng khiếu. Ảnh minh họa

Tránh làm theo cảm tính

“Với mong muốn sẽ là bệ đỡ, để các em yên tâm thi đấu, mang vinh quang về cho đất nước, Trường ĐH Công nghệ Thông tin sẵn sàng đón nhận các em trở thành sinh viên để học tập, rèn luyện. Khi các em có tấm bằng đại học sẽ dễ dàng hoà nhập với xu thế phát triển của xã hội, quan trọng hơn là có được việc làm ổn định, bảo đảm cuộc sống sau này” - PGS.TS Nguyễn Hoàng Tú Anh trao đổi, đồng thời khẳng định: Việc tuyển sinh đào tạo những tài năng thể thao nhằm mục đích phục vụ cộng đồng và mang ý nghĩa nhân văn.

Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Tú Anh, trước khi quyết định áp dụng phương thức xét tuyển thẳng dành cho tài năng thể thao, nhà trường nghiên cứu và tham khảo một số trường trên thế giới. Theo đó, họ tuyển sinh ĐH bằng nhiều hình thức để chọn được những người nổi trội về một mặt nào đó như: Thể dục thể thao chứ không hoàn toàn dựa vào điểm số. Có những trường trên thế giới tuyển sinh cả những vận động viên đạt giải cao ở trong nước.

“Tuy nhiên, trước mắt chúng tôi áp dụng tuyển sinh với thí sinh đoạt Huy chương Vàng/ Bạc/ Đồng ở các giải thể thao quốc tế chính thức. Nhà trường sẽ nghiên cứu và thăm dò thêm để cân nhắc đến phương án tuyển sinh những thí sinh là vận động viên đạt các giải cao ở trong nước” - PGS.TS Nguyễn Hoàng Tú Anh trao đổi.

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, mỗi cơ sở giáo dục đại học có mục tiêu tuyển sinh khác nhau nên sẽ áp dụng các phương thức và tiêu chí khác nhau để xét tuyển. Tuy nhiên, dù là phương thức hay tiêu chí nào cũng đều xoay quanh trục: Tuyển đủ chỉ tiêu và tuyển được những sinh viên phù hợp. Việc các cơ sở giáo dục đại học bổ sung thêm các tiêu chí: Năng khiếu, hoạt động xã hội, phỏng vấn, viết bài luận… cũng nhằm xoay quanh trục trên. Qua đó cũng cho thấy, quyền tự chủ ngày càng cao của các trường.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Đức Nghĩa khuyến nghị: Khi bổ sung các tiêu chí cần có quy định rõ ràng về thang điểm. VD: Tiêu chí viết bài luận hay phỏng vấn, cần xây dựng về thang điểm, cách chấm điểm để kết quả của thí sinh bảo đảm khách quan, trung thực, chất lượng; tránh làm theo cảm tính. “Tức là phải có quy chế rõ ràng, minh bạch” - TS Nguyễn Đức Nghĩa chốt lại.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam – bày tỏ: Hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đã áp dụng đa dạng phương thức tuyển sinh, nhưng chủ yếu dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, học bạ hoặc thành tích ở các kỳ thi trí tuệ trong nước và quốc tế. Trong khi nhiều trường đại học ở các quốc gia phát triển tuyển sinh không dựa hoàn toàn vào điểm số hoặc học bạ. Chẳng hạn, họ tuyển những thí sinh có thành tích thể thao hay văn nghệ nổi trội.

“Vì thế, tôi rất hoan nghênh khi một số trường đã “mở màn” tiêu chí về năng khiếu thể dục thể thao, văn thể mỹ, hoạt động xã hội… Đây là dấu hiệu tích cực và hướng đi mới trong công tác tuyển sinh. Bởi sự thành công của mỗi cá nhân không chỉ nằm ở thước đo kiến thức, mà còn là các kỹ năng, năng lực và nhiều yếu tố khác” - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Tú Anh, tỷ lệ tuyển sinh theo phương thức xét tuyển thẳng dành cho tài năng thể thao không nhiều. Nếu năm đầu tiên áp dụng, nhà trường tuyển sinh được vài phần trăm được coi là thành công. Xét ở góc độ tuyển sinh, đây là hướng đi mới và thể hiện quyền tự chủ của nhà trường. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ