Phương án tuyển sinh của 2 ĐHQG
Ngày 3/1, ĐHQG Hà Nội đã công bố phương án tuyển sinh năm 2019. Theo đó, tổng chỉ tiêu vào các trường, khoa thành viên của ĐHQG Hà Nội năm 2019 là 9.000 chỉ tiêu. Đối tượng tuyển sinh bao gồm:
Thí sinh có kết quả Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019; Thí sinh có chứng chỉ quốc tế A-Level của Trung tâm Khảo thí Đại học Cambridge, Anh, có kết quả 3 môn phù hợp với yêu cầu của ngành đào tạo tương ứng, trong đó có ít nhất một trong hai môn Toán, Ngữ văn với mức điểm tối thiểu mỗi môn thi đạt từ 60/100 điểm trở lên (tương ứng điểm C, PUM range lớn hơn hoặc bằng 60).
Thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT (Hoa Kỳ) đạt điểm từ 1.100/1.600 hoặc 1.450/2.400 trở lên (còn giá trị sử dụng trong khoảng thời gian 2 năm kể từ ngày dự thi).
Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương (chứng chỉ còn hạn sử dụng trong khoảng thời gian 2 năm kể từ ngày dự thi) và có tổng điểm 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển đạt tối thiểu 12 điểm (trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc môn Ngữ văn). ĐHQG Hà Nội cũng xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT và của ĐHQG Hà Nội.
Thông tin từ ĐHQG TPHCM cho thấy sẽ tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực và tăng tỷ lệ xét tuyển theo hình thức này trong mùa tuyển sinh 2019. Dự kiến ĐHQG TPHCM sẽ tiếp tục duy trì 4 phương thức tuyển sinh vào các trường thành viên, cụ thể: Xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia; ưu tiên xét tuyển theo quy
Ảnh minh họa |
định của ĐHQG TPHCM; tuyển thẳng và xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực do ĐHQG TPHCM tổ chức.
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của tất cả đơn vị thành viên của ĐHQG TPHCM năm 2019, dự kiến sẽ duy trì ở mức 16.000 như năm 2018. Trong phương thức xét tuyển học sinh giỏi của các trường THPT thuộc tốp 100 trường THPT có điểm thi THPT quốc gia cao nhất nhưng sẽ rà soát. Những trường có kết quả đi xuống trong 3 năm 2016 - 2017 - 2018 sẽ bị loại, đồng thời thay bằng những trường có kết quả tiến bộ. Ngoài ra, ĐHQG TPHCM sẽ tăng tỷ lệ xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do đơn vị này tổ chức lên đến 40% và không tuyển sinh bậc cao đẳng.
Các trường đưa ra phương thức mới
PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, cho biết: Năm 2019, Đại học Ngoại thương sẽ tuyển sinh theo 4 phương thức: Xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập 3 năm THPT; xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả thi THPT quốc gia năm 2019; xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2019; xét tuyển thẳng.
Trường Đại học Ngoại thương dự kiến tuyển sinh đại học tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 3.850, giữ ổn định so với năm 2018, trong đó, tại cơ sở Hà Nội là 2.750, tại cơ sở II - TPHCM là 950 và tại cơ sở Quảng Ninh là 150. Năm 2019, Trường Đại học Ngoại thương dự kiến phát triển thêm các chương trình tiên tiến và chất lượng cao thuộc các ngành đào tạo theo chiến lược định vị sản phẩm đào tạo theo ba cấp: Chương trình tiêu chuẩn, chương trình chất lượng cao và chương trình tiên tiến.
Trường Đại học Hàng hải Việt Nam công bố tuyển sinh 46 chương trình đào tạo trình độ đại học chính quy, trong đó có thêm 2 chuyên ngành đào tạo mới là quản lý hàng hải và quản lý công trình xây dựng. Dự kiến có 4 phương thức tuyển sinh (trong đó có phương thức tuyển sinh mới: Xét tuyển thẳng theo đặt hàng và học bổng của doanh nghiệp) năm 2019 này, cụ thể như sau: Phương thức 1: Xét tuyển dựa trên điểm thi THPT quốc gia năm 2019. Phương thức 2: Xét tuyển thẳng kết hợp. Áp dụng cho toàn bộ các chuyên ngành và đối với những thí sinh có tổng điểm các môn thi THPT quốc gia năm 2019 trong tổ hợp môn xét tuyển đạt ngưỡng chất lượng đầu vào theo Quy định của nhà trường. Phương thức 3: Xét tuyển dựa trên kết quả học tập và rèn luyện 3 năm học THPT, áp dụng đối với toàn bộ nhóm ngành kỹ thuật & công nghệ (27 chuyên ngành) và các thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2017, 2018 và 2019. Phương thức 4: Xét tuyển thẳng theo đặt hàng và học bổng của doanh nghiệp. Áp dụng cho 2 chuyên ngành đi biển: Điều khiển tàu biển và khai thác máy tàu biển.
Có thể thấy, trong các phương án xét tuyển năm 2019 được một số trường công bố, nhìn chung các trường vẫn nghiêng về các phương thức xét tuyển sau: Xét tuyển theo kết quả Kỳ thi THPT quốc gia, xét tuyển từ kết quả học tập THPT. Ở phía Nam, một số trường bổ sung phương án xét tuyển từ kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM. PGS.TS Lê Văn Thanh, chuyên gia tuyển sinh đến từ Trường Đại học Mở Hà Nội, nhận định, các phương án tuyển sinh được đưa ra đã thể hiện tính tự chủ của các nhà trường.
Bên cạnh đó, việc khẳng định sẽ lấy kết quả xét tuyển từ Kỳ thi THPT quốc gia cho thấy các trường hoàn toàn tin tưởng vào kết quả của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 mà quan điểm của Bộ GD&ĐT đưa ra là mục đích chính là xét tốt nghiệp, nhưng đề thi vẫn có tính phân loại để các trường có thể sử dụng trong xét tuyển đại học.