Tuyển sinh Đại học: Mở rộng phương thức xét tuyển

GD&TĐ - Thời điểm này, một số trường ĐH đã công bố dự kiến phương án tuyển sinh năm 2019. Trong đó, kết quả điểm thi THPT quốc gia chỉ là một trong nhiều phương án xét tuyển mà các trường đưa ra, rộng đường lựa chọn cho thí sinh.

Công tác tư vấn tuyển sinh được các trường triển khai hiệu quả đến người học
Công tác tư vấn tuyển sinh được các trường triển khai hiệu quả đến người học

Không chỉ dựa vào kết quả thi THPT quốc gia

Một trong những trường thuộc top đầu là ĐH Ngoại thương vừa mới công bố dự kiến phương án tuyển sinh năm 2019. Theo đó, từ 2 phương thức tuyển sinh năm 2018, năm nay trường này đã tăng lên 4 phương thức, dự kiến gồm: Xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập 3 năm THPT; xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả thi THPT quốc gia năm 2019; xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2019; xét tuyển thẳng.

Đặc biệt phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập 3 năm THPT dự kiến triển khai vào tháng 5/2019, ngay sau khi các thí sinh kết thúc chương trình học THPT. Các thí sinh đăng ký theo phương thức xét tuyển này nếu không trúng tuyển hoặc không xác nhận nhập học có thể tiếp tục tham gia các phương thức xét tuyển còn lại.

Năm 2019, ĐHQG Hà Nội cũng xét tuyển theo nhiều phương thức. Cụ thể, ngoài đối tượng xét tuyển là thí sinh có kết quả Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, ĐHQG Hà Nội còn xét thí sinh có chứng chỉ quốc tế A-Level của Trung tâm Khảo thí ĐH Cambridge (Anh) có kết quả 3 môn phù hợp với yêu cầu của ngành đào tạo tương ứng, trong đó có ít nhất một trong hai môn Toán, Ngữ văn với mức điểm tối thiểu mỗi môn thi đạt từ 60/100 điểm trở lên. Thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT đạt điểm từ 1.100/1.600 hoặc 1.450/2.400 trở lên (còn giá trị sử dụng trong khoảng thời gian 2 năm kể từ ngày dự thi).

Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương (chứng chỉ còn hạn sử dụng trong khoảng thời gian 2 năm kể từ ngày dự thi) và có tổng điểm 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển đạt tối thiểu 12 điểm (trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc môn Ngữ văn).

Theo ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội): Về cơ bản, phương án tuyển sinh không thay đổi nhiều so với năm 2018. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nhà trường cũng cân nhắc, đề xuất thêm xét tuyển thẳng những thí sinh có học lực giỏi ở THPT và có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đạt điểm cao; hay đối tượng HS đoạt HSG giỏi cấp tỉnh, có kết quả giỏi ở THPT cũng có thể ưu tiên xét tuyển…

Các trường xây dựng nhiều hình thức xét tuyển năm 2019 nhằm tạo thuận lợi cho người học
  • Các trường xây dựng nhiều hình thức xét tuyển năm 2019 nhằm tạo thuận lợi cho người học

Mong một “sân chơi” công bằng

Nhận định các trường đã tận dụng khá tốt quyền tự chủ tuyển sinh, có nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau, tại Hội nghị Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng các cơ sở GD ĐH và trường sư phạm năm 2018 diễn ra mới đây, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - cho rằng, đã đến lúc, chúng ta phải xem xét có một “sân chơi” công bằng và bình đẳng giữa các phương thức xét tuyển.

PGS Nguyễn Phong Điền muốn nói tới một số trường sử dụng xét tuyển bằng học bạ THPT và xác nhận nhập học trước thời điểm công bố kết quả thi THPT quốc gia.

“Cách làm này gây xáo trộn không nhỏ. Bên cạnh đó, thí sinh phải quyết định nhập học trước khi công bố kết quả sẽ tạo áp lực và giảm quyền lợi của các em” - PGS Nguyễn Phong Điền cho hay.

“Năm nay, đặc biệt mong các trường phối hợp chặt chẽ hơn với các địa phương trong tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia. Phương hướng thi năm 2019 đã tăng trách nhiệm của các trường trong tổ chức thi, bảo mật bài thi và chấm thi trắc nghiệm dưới sự chỉ đạo tập trung của Bộ GD&ĐT. Đây cũng là trách nhiệm rất lớn của các trường. Kể cả trường không sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển, chúng tôi cũng mong muốn tích cực tham gia với tinh thần trách nhiệm cao nhất” - TS Nguyễn Thị Kim Phụng chia sẻ. 

Ghi nhận ý kiến của đại diện Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ GD ĐH (Bộ GD&ĐT) - cũng đề nghị bàn thêm về vấn đề này. “Có nên cho thí sinh có thể trúng tuyển nhiều phương thức, sau đó xác nhận nhập học đồng thời cùng một lúc; tạo cơ hội thí sinh trúng tuyển nhiều trường, sau đó chọn một trường nhập học hay không? Chúng ta sẽ bàn thêm” - TS Nguyễn Thị Kim Phụng đặt vấn đề.

Cũng theo TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Bộ GD&ĐT dự kiến một số sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh năm 2019; trong đó có việc các trường có sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển - dù bất kì tỷ lệ nào - cũng phải thực hiện tất cả các bước của quy trình xét tuyển chung. Tránh tình trạng có trường chỉ lấy một phần xét tuyển từ điểm thi, kết hợp với xét tuyển theo các phương thức khác; khi thí sinh chưa thay đổi nguyện vọng thì trường đã tách ra để xét tuyển. Đến lúc thí sinh thay đổi nguyện vọng thì không phù hợp, gây xáo trộn nhất định với thí sinh và với một số trường khác.

Dự kiến sửa đổi đáng chú ý khác là ngưỡng bảo đảm chất lượng với nhóm ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề. Điều này xuất phát từ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH vừa thông qua có quy định mới là đối với các ngành về sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề thì Nhà nước quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với trường hợp xét tuyển bằng học bạ cũng như tuyển từ điểm thi.

TS Nguyễn Thị Kim Phụng mong muốn các trường chung sức cùng Bộ GD&ĐT, hàng năm hoàn thiện cơ chế chính sách tuyển sinh, khắc phục những tồn tại của năm trước để có phương thức tuyển sinh tiên tiến hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế hơn. Có biện pháp thu hút học sinh giỏi vào sư phạm. Xây dựng chức năng công khai cơ sở dữ liệu tuyển sinh, sinh viên nhập học. Tăng cường tuyên truyền chọn ngành, hướng nghiệp cho thí sinh… Các cơ sở đào tạo đồng thời phát huy tinh thần của năm 2018, đảm bảo chất lượng đầu vào; kiểm soát chất lượng quá trình đào tạo, chất lượng đầu ra…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ