Tuyển sinh đại học cơ bản giữ ổn định

GD&TĐ - Công tác tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng được cụ thể hóa bằng quy chế tuyển sinh và các năm qua về cơ bản giữ ổn định.

Ảnh minh họa/ITN.
Ảnh minh họa/ITN.

Cử tri tỉnh Nam Định đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu, khắc phục tình trạng các quy định về tuyển sinh đại học ngày càng phức tạp, thay đổi hàng năm.

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Công tác tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng được cụ thể hóa bằng quy chế tuyển sinh và các năm qua về cơ bản giữ ổn định, chỉ điều chỉnh về mặt kỹ thuật và cập nhật các quy định của văn bản quy phạm cấp trên và quy định của Chính phủ.

Cụ thể công tác tuyển sinh đại học năm 2022 về cơ bản được giữ ổn định như năm 2021 và các năm gần đây, đồng thời có một số điều chỉnh kỹ thuật, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo thuận lợi, bảo đảm quyền lợi, sự công bằng cho thí sinh và các cơ sở đào tạo, cụ thể:

Toàn bộ quy trình đăng ký dự tuyển, thanh toán lệ phí, tổ chức xét tuyển và xử lý nguyện vọng, xác nhận nhập học được thực hiện trực tuyến trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung. Hệ thống này kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây cũng là một phần nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao trong Đề án 06/QĐ-TTg.

Thí sinh được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường khác nhau, sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT và đã biết điểm sàn do các cơ sở đào tạo công bố. Tất cả nguyện vọng của thí sinh trong đợt xét tuyển chính (đợt 1) được xử lý tập trung trên hệ thống để xác định ngành và trường mà thí sinh trúng tuyển theo nguyện vọng ưu tiên cao nhất.

Những điều chỉnh trong quy chế tuyển sinh và hệ thống công nghệ đã mang lại những kết quả tích cực:

Thí sinh được hưởng lợi nhiều nhất trong việc thực hiện thuận tiện các thủ tục trên hệ thống trực tuyến, đồng thời được bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao nhất vào ngành, trường theo nguyện vọng và năng lực.

Các cơ sở đào tạo được cạnh tranh bình đẳng và minh bạch để lựa chọn thí sinh phù hợp nhất. Tỉ lệ thí sinh ảo giảm mạnh, cơ sở đào tạo tuyển được số lượng sát hơn với chỉ tiêu đã công bố.

Bộ GD&ĐT có dữ liệu đầy đủ, kịp thời và tin cậy về tuyển sinh của tất cả các cơ sở đào tạo, phục vụ nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời hỗ trợ cơ sở đào tạo điều chỉnh chiến lược và phương thức tuyển sinh.

Kết thúc tuyển sinh đợt 1 vào ngày 30/9/2022, số liệu thí sinh trúng tuyển và nhập học đã thể hiện kết quả rất khả quan.

Số lượng thí sinh trúng tuyển đợt 1 là 567.000, tỉ lệ trúng tuyển đạt trên 91% (tính trên 620.000 thí sinh đăng ký xét tuyển). Số thí sinh xác nhận nhập học là 464.000, tỉ lệ thí sinh xác nhận nhập học đạt xấp xỉ 82% (tính trên số thí sinh trúng tuyển). Đây đều là những con số cao hơn hẳn so với các năm gần đây.

Trong số 224 cơ sở đào tạo đầu mối, 149 cơ sở đào tạo (65,4%) có tỉ lệ nhập học tính trên số trúng tuyển đạt trên 80% và chiếm 76,6% tổng số thí sinh nhập học của toàn quốc. Tổng số thí sinh nhập học toàn quốc đã đạt xấp xỉ 80% tổng chỉ tiêu, trong đó 113 cơ sở đào tạo (50,4%) đã tuyển được trên 80% chỉ tiêu, 42 cơ sở đào tạo đã tuyển được từ 50% đến 80% chỉ tiêu.

Trong quá trình triển khai có phát sinh một vài vấn đề kỹ thuật nhỏ (như việc thí sinh chọn nhầm phương thức xét tuyển, khó khăn trong truy nhập hệ thống thanh toán lệ phí trực tuyến). Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo khắc phục kịp thời, không để ảnh hưởng tới quy trình và kết quả xét tuyển. Nhìn tổng thể, có thể coi hệ thống tuyển sinh năm nay là một ví dụ tiêu biểu, đột phá cho chuyển đổi số trong ngành Giáo dục.

Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến, rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình và chính sách tuyển sinh, trên cơ sở đó có những điều chỉnh, cải tiến và hoàn thiện cho năm 2023 và các năm tiếp theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.