Các chuyên gia cho rằng, Thông tư có nhiều điểm mới và phát huy quyền tự chủ, gắn với trách nhiệm giải trình của các trường đại học.
Xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo lĩnh vực
Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Thông tư 03 đã phát huy quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên nguồn lực của mình; đồng thời công bố công khai, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trách nhiệm giải trình về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo và cam kết chuẩn đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội.
“Các trường hoàn toàn có thể đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo hướng dẫn của Thông tư này” - PGS.TS Nguyễn Phong Điền khẳng định, đồng thời bày tỏ tâm đắc về một trong những điểm mới nhất của Thông tư là: Không xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo khối ngành, mà thực hiện theo ngành hoặc nhóm ngành. Việc quy định cụ thể, chi tiết hóa như vậy là hợp lý, hướng tới nâng cao chất lượng tuyển sinh và đào tạo, gắn với năng lực đào tạo chuyên môn trong phạm vi hoạt động nghề nghiệp, khoa học và công nghệ.
“Tất nhiên, quy định này đòi hỏi các trường phải làm việc nhiều hơn, nhưng cũng thể hiện quyền tự chủ cao và sát với nguồn lực đào tạo. Cùng với đó là tăng trách nhiệm giải trình trước xã hội và cơ quan quản lý trực tiếp” - PGS.TS Nguyễn Phong Điền nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Công Hào – Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên (ĐH Huế) - viện dẫn: Trước đây, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học được quy định theo 7 khối ngành. Nay theo Thông tư 03, chỉ tiêu tuyển sinh trình độ đại học (trừ các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên) được xác định theo 23 lĩnh vực đào tạo. Việc này nhằm hướng tới nâng cao chất lượng tuyển sinh và đào tạo, đồng thời bảo đảm phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (Luật số 34) và Nghị định 99 của Chính phủ.
Hơn nữa, trong 23 lĩnh vực, có 22 lĩnh vực đã được quy định trong danh mục giáo dục đào tạo cấp II thuộc danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân. Còn quy định lĩnh vực khác cho phép cơ sở đào tạo phát triển các chương trình đào tạo liên ngành đáp ứng nhu cầu xã hội về nguồn nhân lực.
Thống nhất trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh
“Các quy định của Thông tư về giảng viên trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh; cách xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học; cách tính và xác định chỉ tiêu trình độ thạc sĩ, tiến sĩ… cũng hợp lý, thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học triển khai thực hiện” - TS Nguyễn Công Hào trao đổi, đồng thời bày tỏ: Trong thời gian gần đây, các Thông tư do Bộ GD&ĐT ban hành liên quan đến đào tạo trình độ đại học đều hướng tới phát huy quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học. Ngay như Thông tư 03 cũng nêu rõ: Cơ sở đào tạo căn cứ vào các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình trong việc xác định và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm.
Liên quan đến hiệu lực thi hành, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên (ĐH Huế) cho rằng: Việc áp dụng Thông tư đối với các khóa tuyển sinh từ năm 2022 trở đi là hợp lý. Theo đó, các trường cần đối chiếu, rà soát lại kế hoạch hoặc đề án tuyển sinh để điều chỉnh sao cho phù hợp, bảo đảm đúng quy định. Việc này chỉ là yếu tố kỹ thuật và hoàn toàn nằm trong “tầm tay” của các trường nên không có khó khăn, trở ngại.
Trao đổi về Thông tư 03, theo lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), Thông tư này có một số điểm mới; trong đó quy định nguyên tắc thống nhất trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Cụ thể, chỉ tiêu tuyển sinh được xác định theo từng năm và độc lập theo từng trình độ đào tạo. Căn cứ theo từng trình độ, cơ sở đào tạo phải công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định theo ngành/nhóm ngành trong đề án và kế hoạch tuyển sinh, chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội và cơ quan quản lý trực tiếp.
Ngoài ra, chỉ tiêu tuyển sinh được xác định trên cơ sở năng lực đào tạo của đơn vị đào tạo, nhu cầu sử dụng nhân lực, tỷ lệ sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp (đối với đào tạo chính quy trình độ cao đẳng, đại học), kết quả tuyển sinh của năm tuyển sinh trước liền kề với năm xác định chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh của cơ sở đào tạo.
Để khuyến khích các trường thực hiện kiểm định chất lượng cơ sở đào tạo và kiểm định chương trình đào tạo, đồng thời nâng cao chất lượng tuyển sinh đáp ứng nhu cầu xã hội, Thông tư 03 quy định chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở đào tạo không được tăng trong các trường hợp: Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở đào tạo theo từng trình độ, lĩnh vực (đối với chỉ tiêu đại học) hoặc theo từng ngành (đối với chỉ tiêu thạc sĩ, tiến sĩ) không được tăng so với năm tuyển sinh trước, liền kề với năm xác định chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh của cơ sở đào tạo nếu trường đủ điều kiện về thời gian để thực hiện kiểm định, nhưng chưa được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo quy định hiện hành của pháp luật.
Ngoài ra, chỉ tiêu tuyển sinh của lĩnh vực không được tăng so với năm tuyển sinh trước, liền kề với năm xác định chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh của lĩnh vực đó, nếu số sinh viên tốt nghiệp trình độ đại học có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp của lĩnh vực đó đạt dưới 80%, hoặc tỷ lệ thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh của lĩnh vực đó ở năm tuyển sinh liền kề trước năm tuyển sinh đạt dưới 80%. Quy định này áp dụng đối với xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, trừ trường hợp ngành đào tạo ở trình độ đại học có chương trình đào tạo được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo quy định của pháp luật.