Tuyển sinh đại học 2020: Dĩ bất biến, ứng vạn biến

Tuyển sinh đại học 2020: Dĩ bất biến, ứng vạn biến

Điều chỉnh phương án tuyển sinh

Học viện Nông nghiệp Việt Nam thông báo sử dụng 3 phương thức để tuyển sinh gồm: Xét tuyển thẳng; Xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT (xét học bạ) và xét tuyển dựa trên Kỳ thi THPT quốc gia (theo quy định, lịch trình của Bộ GD&ĐT và theo Đề án của học viện).

Năm nay, Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TPHCM) dự kiến tuyển hơn 6.500 chỉ tiêu trình độ đại học, bao gồm 40 ngành chương trình tiêu chuẩn, 17 ngành chương trình chất lượng cao, 12 ngành chương trình đại học bằng tiếng Anh, 11 ngành chương trình học 2 năm đầu tại cơ sở và 13 ngành chương trình đại học du học luân chuyển campus. Nhà trường cũng phát đi thông báo điều chỉnh phương thức tuyển sinh 2020. Cụ thể: Phương án tuyển sinh trình độ đại học năm 2020 dự kiến xét tuyển theo 3 phương thức: Xét tuyển theo kết quả quá trình học tập THPT, theo kết quả thi THPT quốc gia và tuyển thẳng.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng lưu ý: Tùy theo tình hình thực tế (số lượng hồ sơ dự tuyển theo từng phương thức trong 3 phương thức), nhà trường điều chỉnh chỉ tiêu xét tuyển giữa các phương thức, hoặc chỉ tiêu các ngành trong cùng nhóm ngành, công bố kết quả trúng tuyển cho từng phương thức để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho thí sinh. Thí sinh được công bố trúng tuyển ở phương thức 1 và phương thức 3 chỉ được công nhận trúng tuyển chính thức khi đã có bằng (hoặc quyết định) tốt nghiệp THPT hợp lệ.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều trường tính đến phương án tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội quyết định tổ chức kỳ thi riêng trong khoảng thời gian từ 25/7. PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ: Kỳ thi riêng do nhà trường tổ chức sẽ mở thêm cơ hội cho thí sinh có nguyện vọng và năng lực phù hợp theo học trình độ đại học chính quy, nâng cao chất lượng đầu vào và chất lượng giảng dạy của nhà trường.

Ngoài Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Hàng hải (Hải Phòng) và Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) cũng tính đến phương án tổ chức kỳ thi riêng hoặc kết hợp với các trường ĐH khác có cùng chung ý tưởng và nhu cầu, hình thành một nhóm để tổ chức kỳ thi chung để tuyển sinh. Tuy nhiên, đây chỉ là phương án dự phòng, mong muốn nhất vẫn là xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia.

Tuyển sinh đại học 2020: Dĩ bất biến, ứng vạn biến ảnh 1
Thí sinh trao đổi thông tin tuyển sinh năm 2019. Ảnh tư liệu

Xét tuyển bằng học bạ nên là vòng 1

TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) trao đổi: Theo quy định, các trường được tự chủ trong công tác tuyển sinh. Vì thế, sử dụng phương thức nào để tuyển sinh (dù là tổ chức kỳ thi riêng hay xét tuyển dựa trên học bạ) đều nằm trong quyền hạn và trách nhiệm đã được Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học quy định.

Riêng đối với phương thức xét tuyển học bạ THPT, TS Lê Viết Khuyến cho rằng: Đây là phương án tình thế nếu Kỳ thi THPT quốc gia không được tổ chức như mong muốn. Phương án này chỉ giải quyết được vấn đề nguồn tuyển cho các trường đại học, nhưng chất lượng còn nhiều điều đáng bàn. Bởi thực tế cho thấy, mỗi trường THPT, từng địa phương có chất lượng khác nhau do yếu tố chủ quan và khách quan. Vì thế, học sinh giỏi của trường A không có nghĩa cũng là học sinh giỏi của trường B.

“Nếu các trường ĐH sử dụng phương án xét tuyển dựa trên kết quả học tập (học bạ) cần tính thêm phương án kiểm tra khảo sát chất lượng để loại bớt những thí sinh yếu kém, có kết quả học tập không thực chất” - TS Lê Viết Khuyến nêu ý kiến, đồng thời đồng tình với phương án của một số trường đại học đưa ra là: Tổ chức kỳ thi riêng hoặc liên kết các nhóm trường có chung mục đích, ý tưởng để tổ chức kỳ thi tuyển sinh.

Ủng hộ quan điểm tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia, TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh: Dù khó khăn đến mấy, chúng ta nhất định phải tổ chức kỳ thi này. Kỳ thi không chỉ tạo động lực cho thầy - trò trong dạy - học, mà còn là cơ sở để đánh giá kết quả học tập của học sinh sau 12 năm đèn sách. Kết quả của kỳ thi cũng là cơ sở quan trọng để các trường ĐH tuyển sinh. Trong trường hợp bất khả kháng do dịch bệnh Covid-19 gây ra, Bộ GD&ĐT, Chính phủ cần xin ý kiến của Quốc hội để có quyết định phù hợp với thực tiễn.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nêu quan điểm: Nếu Kỳ thi THPT quốc gia diễn ra suôn sẻ, chúng ta hoàn toàn yên tâm và trường ĐH sẽ có cơ sở để tuyển sinh bằng cách dựa vào kết quả của kỳ thi. Tuy nhiên, trong trường hợp bất khả kháng cũng cần điều chỉnh phương án tuyển sinh. Tất nhiên không nên tuyển sinh bằng mọi cách để lấp đầy chỉ tiêu.

Tôi đồng ý với phương án tuyển sinh bằng xét tuyển học bạ. Nhưng chỉ nên coi là bước thứ nhất. Sau khi vượt qua vòng xét tuyển học bạ, các trường cần tổ chức kiểm tra khảo sát để đánh giá chất lượng thí sinh. Những em chưa vượt qua bước hai, có thể bồi dưỡng thêm, tạm gọi là dự bị. Nếu kết hợp được hai bước này trong công tác tuyển sinh, chúng ta cũng yên tâm hơn về chất lượng nguồn tuyển. - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Joshua Zirkzee đang nằm trong kế hoạch mua sắm của Arsenal.

Arsenal nhắm tiền đạo của Bayern Munich

GD&TĐ - Theo Mirror, Arsenal muốn mời tiền đạo ngôi sao của Bologna - Joshua Zirkzee một bản hợp đồng đến năm 2029, với mức lương hàng năm là 5 triệu Bảng.