Cùng với đó là các quy định khắt khe xác định “điểm sàn” khối Sư phạm, Y Dược đã và đang hướng đến kiểm soát đầu vào các trường đại học chất lượng hơn.
Đa dạng hình thức xét tuyển
Những năm trước, ĐHQG Hà Nội đi đầu trong việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh. Từ khi Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức bảo đảm các yếu tố đánh giá chất lượng người học, ĐHQG Hà Nội cũng dừng phương thức thi này và chuyển sang lấy kết quả Kỳ thi THPT quốc gia hàng năm để xét tuyển sinh. Tại khu vực phía Bắc, các phương án được lựa chọn đó là lấy kết quả thi THPT quốc gia, xét học bạ THPT và xét tuyển kết hợp với các chứng chỉ ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế. Trong đó lấy kết quả học bạ cộng với chứng chỉ ngoại ngữ chuẩn quốc tế được các đại học top đầu thực hiện trong năm nay đang được dư luận đánh giá cao về tính chính xác và công bằng.
Còn ở các tỉnh phía Nam, năm 2019 nhiều trường lấy kết quả xét tuyển từ thi THPT quốc gia. Một số trường thể hiện quyền chủ động của mình trong xét tuyển bằng cách lấy kết quả kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh. Đến thời điểm này, đã có 5 trường đại học tự đứng ra tổ chức thi là ĐHQG TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Luật TPHCM, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Trường Đại học FPT và Đại học Quốc tế.
Cũng có hơn 20 trường khác cho biết sẽ sử dụng kết quả từ kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP Hồ Chí Minh để xét tuyển vào trường mình. Năm nay cũng là năm thứ ba Đại học Luật TPHCM tiếp tục tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp với thi đánh giá năng lực do trường tự tổ chức với 30% tổng chỉ tiêu xét tuyển, bên cạnh 10% học bạ và 60% điểm THPT quốc gia. Đại học Quốc tế Hồng Bàng lần đầu tiên tổ chức thi đánh giá năng lực, dự kiến dành 30% tổng chỉ tiêu cho phương thức này.
Ảnh minh họa |
Siết chặt yêu cầu chất lượng
Mùa tuyển sinh ĐH 2019 này, Bộ GD&ĐT quyết tâm siết chặt chất lượng nguồn tuyển. Ngày 29/2/2019, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 02/2019/TT-BGDĐT, theo đó, quy định đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên ở các trình độ ĐH, CĐ, trung cấp; các ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Răng - Hàm - Mặt, Dược học, Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Dinh dưỡng, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng đào tạo trình độ ĐH.
Nếu trường sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp giữa điểm thi THPT quốc gia và kết quả học tập THPT, hoặc kết hợp giữa điểm của trường tổ chức sơ tuyển hoặc thi tuyển với điểm thi THPT quốc gia và/hoặc kết quả học tập THPT, thì ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của điểm thi THPT quốc gia, điểm kết quả học tập THPT phải tương đương với các ngưỡng theo quy định của quy chế.
Cụ thể, yêu cầu điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT trình độ đại học đối với các ngành đào tạo giáo viên và các ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Răng - Hàm - Mặt, Dược học tối thiểu là 8,0 trở lên. Các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất (GDTC), Huấn luyện thể thao, Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Dinh dưỡng, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng tối thiểu là 6,5 trở lên.
Các ngành GDTC và Huấn luyện thể thao, điểm trung bình cộng xét tuyển kết quả học tập THPT đối với các đối tượng là vận động viên cấp I, kiện tướng, vận động viên đã từng đạt huy chương tại Hội khỏe Phù Đổng, các giải trẻ quốc gia và quốc tế hoặc giải vô địch quốc gia, quốc tế, tối thiểu là 5,0 trở lên. Điểm trung bình cộng xét tuvển sử dụng kết quả học tập THPT trình độ CĐ, TC các ngành đào tạo giáo viên tối thiếu là 6,5 trở lên. Các ngành Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật, GDTC, Huấn luyện thể thao, Sư phạm TDTT tối thiểu là 5,0 trở lên.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia tuyển sinh, các quy định này là cần thiết vì đây là đầu vào của những ngành đặc thù. Quy định này của Bộ GD&ĐT đã và đang khẳng định quyết tâm nâng cao chất lượng đào tạo trong giáo dục đại học, nhất là những ngành học có ảnh hưởng lớn đến các mặt đời sống xã hội.