Siết chặt kỷ cương trường thi, khích lệ thầy và trò trong dạy và học

GD&TĐ - Càng đến gần ngày diễn ra Kỳ thi THPT quốc gia không khí học tập ở các trường THPT trên cả nước, các thầy cô đang tích cực củng cố kiến thức cho học sinh, đặc biệt năm 2019 này khi các biện pháp siết chặt kỷ cương và đánh giá năng lực thí sinh. 

Siết chặt kỷ cương trường thi, khích lệ thầy và trò trong dạy và học

Nhiều giáo viên và nhà quản lý cho rằng, việc đánh giá đúng năng lực học tập của thí sinh sẽ giúp giáo viên và các nhà trường chủ động và trách nhiệm hơn nữa với việc dạy và học.

Tin tưởng vào sự nghiêm túc

Dư âm từ những sai phạm trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018 vẫn còn đó nên các thầy cô giáo càng thêm tin tưởng khi đón nhận quyết tâm của ngành GD cùng các địa phương sẽ tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 một cách chặt chẽ, nghiêm túc, khoa học, đảm bảo sự công bằng khách quan, tạo niềm tin cho xã hội.

Kỳ thi THPT quốc gia 2019 đang được chuẩn bị với một thái độ nghiêm túc nhất, với những điểm mới và các hàng rào kỹ thuật đặt ra nhằm giúp tổ chức tốt kỳ thi. Trong đó, một trong những yêu cầu là tất cả các thành viên tham gia làm thi phải nắm chắc quy chế, chuẩn bị kỹ các điều kiện, kiểm soát được tình hình và xử lý tốt các tình huống.

Thầy giáo Nguyễn Tuấn Nghĩa - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh, cho rằng: Như dự thảo quy chế thi đưa ra tôi thấy kỷ cương kỳ thi đang được siết chặt mạnh mẽ. Đơn cử như việc sắp xếp phòng thi có sự thay đổi, thí sinh tự do, thí sinh giáo dục thường xuyên đều xếp thi chung với thí sinh THPT. Cùng với đó là, việc Bộ GD&ĐT công bố sẽ có các hàng rào kỹ thuật về việc niêm phong, quản lý bài thi, dùng camera giám sát, phân rõ trách nhiệm các thành viên trong hội đồng (thanh tra, công an…).

Đối với công tác chấm thi trắc nghiệm cũng có thay đổi khi có sự tham gia của các trường đại học trực tiếp chấm trắc nghiệm, chắc chắn sẽ đảm bảo tính khách quan công bằng hơn. Các thầy cô giáo trong trường tôi đều hết sức tin tưởng vào công tác đảm bảo cho kỳ thi.

Kỳ thi THPT quốc gia 2019 Bộ GD&ĐT chủ trương để các trường đại học cùng tham gia vào công tác tổ chức và chấm thi, theo đánh giá của giáo giới và phụ huynh, việc các trường tham gia sâu như vậy vừa là lợi ích của nhà trường bởi các trường sẽ dùng kết quả này để xét tuyển sinh nên việc trường đại học tham gia để cùng giám sát và gánh vác trách nhiệm là hoàn toàn hợp lý vì họ sẽ có nguồn tuyển chất lượng hơn, thậm chí có thể quảng bá về trường mình.

Hơn nữa, đây cũng là trách nhiệm với người học và xã hội và cũng chính là nhiệm vụ chính trị của trường mình, vì hơn ai hết họ hiểu về quy trình tổ chức thi, chấm thi và đánh giá năng lực người học chính xác có ý nghĩa thế nào đối với chất lượng đào tạo sau này - PGS.TS Nguyễn Xuân Nghị - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp nhấn mạnh.

Thầy và trò, tâm thế sẵn sàng

Các trường đang dạy song song với tổ chức ôn tập cho HS. Ảnh: Ngọc Dư
Các trường đang dạy song song với tổ chức ôn tập cho HS. Ảnh: Ngọc Dư

Theo PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) đến khoảng đầu tháng 4, các em có thể đăng kí dự thi THPT quốc gia 2019. Hiện, các văn bản hướng dẫn quy chế thi đã cơ bản hoàn thành. Khi chính thức ban hành quy chế thi, Bộ GD&ĐT sẽ công bố ngay các hướng dẫn. PGS Trinh cho biết những phản hồi của phụ huynh học sinh, của giáo viên về đề thi tham khảo như vậy là phù hợp và mong muốn đề thi cũng sẽ tương đương như vậy.

Nội dung thi nằm trong chương trình phổ thông và chủ yếu là kiến thức lớp 12. Đề thi sẽ đảm bảo số lượng câu hỏi đủ lớn phục vụ xét tốt nghiệp, sau đó là một số câu hỏi có tính chất phân hóa dần phục vụ cho tuyển sinh. Đề thi tham khảo là kênh thông tin rất tốt trong việc tổ chức dạy học.

Tuy có chút lo lắng về việc xét tốt nghiệp THPT cũng thay đổi theo tỉ lệ 70% (bài thi THPT quốc gia) và 30% (điểm trung bình cả năm lớp 12), nhưng thầy giáo Nguyễn Mạnh Hà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quan Lạn, huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Thời điểm này, nhà trường đang tổ chức dạy học song song với ôn luyện kiến thức cho học sinh.

Do đặc thù hải đảo, nhiều em chỉ tốt nghiệp xong là đi làm ngay chứ không học lên đại học nên hội đồng sư phạm nhà trường đã có nhiều buổi họp yêu cầu giáo viên đi sâu, đi sát học sinh hơn nữa, nắm vững tâm tư nguyện vọng của từng học sinh để tư vấn. Nhìn chung là học sinh hiểu và xác định rõ năng lực học tập của mình đến đâu sẽ đi tiếp đến đó. Cả thầy và trò đều hết sức tự tin vào những đổi thay tích cực trong Kỳ thi THPT quốc gia 2019 này.

NGƯT Cao Xuân Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định, nhận định: Không khí đổi thay của kỳ thi với những quy định siết chặt kỷ cương trường thi đang khích lệ thầy và trò Nam Định nỗ lực hơn trong dạy và học. Ở kỳ thi này khi tỷ lệ 70% và 30% được đưa ra sẽ giúp học sinh lưu tâm hơn đến việc cần phải học đều các môn chứ không chỉ học để chống điểm liệt như năm 2018 là có thể đỗ tốt nghiệp nhờ điểm học bạ lớp 12 cứu.

Các nhà trường và giáo viên sẽ phải trách nhiệm hơn với học sinh của mình vì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cũng là đánh giá chất lượng dạy và học ở trường đó. Nhìn chung, các thầy cô giáo và học sinh trên các nhà trường ở Nam Định đón nhận những đổi thay tích cực của kỳ thi hướng đến công bằng, nghiêm túc với một tâm thế sẵn sàng cho một kỳ thi nghiêm túc, an toàn và kết quả tốt nhất.

Theo Bộ GD&ĐT, sau khi Kỳ thi THPT quốc gia kết thúc, các hội đồng thi cập nhật vào phần mềm quản lý thi và gửi về Bộ số liệu và tình hình coi thi chậm nhất 11 giờ 30 ngày 28/6. Chậm nhất ngày 13/7 các hội đồng thi xuất kết quả chấm thi từ phần mềm hỗ trợ chấm thi do Bộ cung cấp ra 2 đĩa, 1 đĩa lưu tại Sở GD&ĐT theo chế độ mật và một đĩa gửi bảo đảm ở chế độ mật về Cục Quản lý Chất lượng để cập nhật kết quả vào phần mềm quản lý thi. Ngay sau khi Cục Quản lý Chất lượng cập nhật kết quả thi vào phần mềm, các hội đồng thi sử dụng đĩa lưu trữ tại đơn vị đối chiếu với kết quả trên phần mềm, nếu có bất thường phải báo cáo ngay về Ban chỉ đạo thi quốc gia để xử lý. Việc hoàn thành đối sách kết quả thi chậm nhất ngày 13/7. Hội đồng thi công bố và thông báo kết quả cho thí sinh vào ngày 15/7. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.