Tuyển sinh Đại học 2017: Hợp lý ở ngưỡng điểm sàn 15,5 cho tất cả các khối

GD&TĐ - Ngày 12/7, Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2017 (còn gọi là điểm sàn) của Bộ GD&ĐT đã họp, thảo luận và thống nhất đề xuất Bộ trưởng Bộ GD&ĐT mức điểm sàn cho tất cả các khối thi là 15,5 điểm. 

Thí sinh tự tin ngưỡng điểm sàn mà Bộ GD&ĐT công bố
Thí sinh tự tin ngưỡng điểm sàn mà Bộ GD&ĐT công bố

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia tuyển sinh, với mức điểm sàn cao hơn năm 2016 là 0,5 điểm hoàn toàn phù hợp với điểm thi của thí sinh năm nay, cũng như tạo thuận lợi cho các trường trong việc bảo đảm nguồn tuyển sinh đạt yêu cầu.

Sự cân nhắc hợp lý

Tại cuộc họp báo ngay sau khi Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2017 kết thúc phiên họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã công bố chính thức: Ngưỡng đảm bảo chất lượng cho tất cả các khối thi là 15,5 điểm. Theo đó, mỗi khối thi gồm 3 môn, mức điểm sàn 15,5 điểm chưa nhân hệ số, chưa ưu tiên.

Thí sinh có điểm các khối thi cao hơn 15,5 có thể tham gia xét tuyển vào 140 trường sử dụng kết quả thi THPT quốc gia và 182 trường vừa sử dụng kết quả thi THPT quốc gia, vừa áp dụng phương thức khác. Phổ điểm khối thi truyền thống và một số khối có đông thí sinh đăng ký dự thi cũng được đưa ra để thí sinh tham khảo quyết định điều chỉnh hay giữ nguyên nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ của mình.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng đưa ra lời khuyên với thí sinh: Nếu điểm thực tế không chênh lệch nhiều so với điểm dự kiến đã đăng ký xét tuyển đại học trước đây, thí sinh không nên điều chỉnh nguyện vọng. Nguyên tắc xét tuyển năm nay là theo điểm chứ không theo thứ tự ưu tiên các nguyện vọng. Thí sinh nào có điểm thi cao nhất đăng ký nguyện vọng vào trường bất kể thứ tự nguyện vọng sẽ trúng tuyển.

Nhận định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho các khối thi năm nay, PGS.TS Phạm Tiết Khánh – Chủ tịch Hiệp hội Các trường cao đẳng cộng đồng Việt Nam - cho rằng: Đây là ngưỡng điểm hoàn toàn hợp lý, mang đầy đủ yếu tố vùng miền và cũng phù hợp với phổ điểm thi của thí sinh năm nay.

PGS Phạm Tiết Khánh phân tích: Mức điểm sàn 15,5 là mức ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của thí sinh, chủ yếu dành cho các trường ĐH địa phương, các trường ngoài công lập và công lập tốp dưới nhiều năm gặp khó khăn trong nguồn tuyển. Việc đặt ra ngưỡng điểm này là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, với người học và xã hội. Tôi thấy mức điểm này là rất hợp lý và đã được Bộ GD&ĐT cân nhắc kỹ trên cơ sở căn cứ thực tế kết quả điểm thi của thí sinh. Nếu thấp hơn thì sẽ không đảm bảo được chất lượng đầu vào, cao hơn nữa thì khó cho các trường tuyển sinh.

“Ngưỡng điểm sàn là cần thiết để đảm bảo chất lượng đầu vào của thí sinh và cũng không quá ảnh hưởng đến việc xét tuyển của các nhà trường, vì các trường hoàn toàn tự chủ trong xét tuyển, bằng lấy điểm thi THPT quốc gia hay các tiêu chí khác hoặc xét từ học bạ phổ thông. Dù xét tuyển bằng phương thức nào thì điều quan trọng nhất để các trường thu hút người học chính là uy tín và chất lượng”- PGS Phạm Tiết Khánh nêu rõ quan điểm.

Các trường lạc quan về nguồn tuyển

Ngay sau khi Hội đồng xác định điểm sàn công bố ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào cho tất cả các khối thi năm nay là 15,5 điểm, PGS.TS Nguyễn Mai Hương – Chủ tịch Hội đồng trường Viện Đại học Mở Hà Nội đã bày tỏ đồng tình với ngưỡng điểm trên. Bà chia sẻ: Mức ngưỡng điểm như vậy là phù hợp với phổ điểm thi của thí sinh năm 2017 này. Trước khi Hội đồng điểm sàn của Bộ họp, chúng tôi cũng đã có những cuộc họp trong hội đồng trường để phân tích và đánh giá các cơ hội xét tuyển sinh của trường năm nay.

Dựa vào điểm thi của thí sinh và số nguyện vọng thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2017 này chúng tôi hết sức lạc quan. Nếu năm 2016, ngay đợt đầu tiên gọi thí sinh nhập học, trường chúng tôi đã đạt được tỷ lệ vào khoảng 95% tổng chỉ tiêu và không phải gọi đợt nhập học tiếp theo, thì năm nay với một phổ điểm đẹp ở các vùng miền, kết quả thi được đánh giá là chính xác, chúng tôi sẽ thuận lợi hơn nhiều trong xét tuyển, chắc sẽ có những ngành hot có đông thí sinh đăng ký với mức điểm chuẩn sẽ cao hơn ngưỡng 15,5 điểm.

TS Đặng Lộc Thọ - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương cũng hết sức lạc quan với điểm ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với mức 15,5 điểm chung cho các khối thi. Đây là ngưỡng an toàn cho chất lượng và hoàn toàn hợp lý với điểm thi của thí sinh năm nay. TS Đặng Lộc Thọ phân tích thêm: Năm 2017 này ở trường tôi có 961 thí sinh dự thi trên tổng số 1.134 thí sinh đăng ký dự thi (đạt 84,7%). Dự kiến từ ngưỡng mức 15,5 điểm, trường sẽ gọi nhập học được đủ 700 chỉ tiêu, số lượng này cũng tương đương với 70% được trường dự tính.

Nhận định về ngưỡng điểm sàn 15,5 của năm nay, nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, nhiều tính toán cho thấy điểm sàn ít ảnh hưởng đến tỉ lệ tuyển sinh vì điểm sàn chỉ tác động đến các trường tốp dưới, trong khi đó những trường này đa phần lại dùng cả 2 phương thức xét tuyển là kết quả thi THPT quốc gia và kết quả học 3 năm phổ thông. Khó khăn trong nguồn tuyển có thể xảy ra ở một số trường chưa có uy tín với người học, hay những đại học địa phương.

Thực tế cho thấy, thí sinh được đăng ký với số nguyện vọng không giới hạn nhưng vẫn tập trung đăng ký vào một số ngành/trường yêu thích, dẫn đến có những trường/ngành có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vượt rất xa chỉ tiêu cần tuyển nhưng lại có trường/ngành khác có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển rất thấp.

Năm nay, cả nước có 865.975 thí sinh dự thi THPT quốc gia. Số thí sinh đăng ký sử dụng kết quả để xét tuyển ĐH là 640.425. Tổng chỉ tiêu ĐH xét tuyển bằng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia là 332.496. Lời khuyên của các chuyên gia là: Trên cơ sở ngưỡng điểm mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, các trường ĐH, CĐ cần tính toán để đưa ra mức điểm nhận hồ sơ cho phù hợp các ngành kín chỉ tiêu ngay từ đợt xét tuyển đầu tiên. Còn nếu thiếu chỉ tiêu, các trường tiếp tục xét tuyển các đợt bổ sung nhiều đợt trong năm theo đề án tuyển sinh đã công bố.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ